Cổ đông, phần quà và những chuyện chưa kể ở ĐHĐCĐ 2025
Nhìn lại mùa ĐHĐCĐ 2025, đó không chỉ là những con số hay báo cáo, mà là câu chuyện về niềm tin được củng cố giữa doanh nghiệp và cổ đông. Trong cơn bão của thuế quan và bất ổn vĩ mô, thông điệp lớn nhất có lẽ là: “Chúng ta không đơn độc”. Chính điều đó đã làm nên một mùa đại hội đáng nhớ với rất nhiều kỳ vọng.
Sự kiện “quốc dân” đông như trẩy hội
Cứ độ cuối xuân, đầu hạ, khi nắng bắt đầu gắt hơn những phiên hồi phục, bảng điện lặng sóng như chờ ai thì thị trường lại nhộn nhịp bởi một mùa hội không trống không kèn mà vẫn đông vui đến lạ. Đó là thời khắc của mùa Đại hội đồng cổ đông.
Mùa đại hội được xem như một cuộc “họp lớp” định kỳ – nơi không chỉ để cổ đông nghe lãnh đạo doanh nghiệp nói gì, mà còn để người ta đo khoảng cách giữa những lời hứa và thực tế, giữa vẻ ngoài lấp lánh và cái ruột đang cần mổ xẻ.
Nếu ai đó nghĩ đây chỉ là những buổi họp khô khan với số liệu và biểu đồ thì năm nay chắc chắn sẽ khiến họ ngỡ ngàng. Đầu tiên là hình ảnh hàng ngàn cổ đông đến trực tiếp đại hội, biến sảnh đón tiếp thành một biển người, còn bãi gửi xe thì chẳng khác gì “bãi chiến trường” sau cơn lốc. Có người đặt vé máy bay từ 2 tháng trước, lặn lội từ miền xuôi lên miền ngược, chỉ để được trực tiếp nghe ban lãnh đạo “tâm tình”.
Không khí “nhiệt” đến mức, có đơn vị phải lùi giờ tổ chức đại hội vì lượng người đổ về quá đông. Một cổ đông trẻ tuổi, tay cầm điện thoại livestream, hào hứng: “Năm nay đông quá, chắc có nhiều thông tin hot”. Không chỉ là những con số trên giấy, đại hội giờ đây là sân khấu để nhà đầu tư tận mắt chứng kiến câu chuyện đằng sau đồng tiền họ bỏ ra.
Một vị lãnh đạo bước lên bục, nụ cười tự tin: “Chúng tôi không chỉ là ‘cổ phiếu quốc dân’ mà đã trở thành ‘công ty quốc dân’, gánh trên vai cả trách nhiệm với nền kinh tế”. Lời nói ấy vừa tự hào, vừa như một lời nhắc nhở: Càng đông cổ đông thì áp lực cũng không hề nhỏ.
Những phần quà: Từ tiền mặt tới… sầu riêng
Cũng không rõ từ bao giờ, đại hội không chỉ là nơi biểu quyết kế hoạch kinh doanh mà còn là cuộc thi… tặng quà sáng tạo – từ tiền mặt mát lòng mát dạ đến những vật phẩm “đậm chất Việt”. Có công ty hào phóng phát vài trăm ngàn đồng – ai cũng có phần, nơi khác tặng bộ bình trà, bếp điện từ, thậm chí cả sầu riêng nguyên trái. Cổ đông già dặn thì lắc đầu cười mỉm, người mới thì hí hửng: “Ít nhất cũng gỡ được tiền xăng”.
Thậm chí có nhóm cổ đông còn chia nhau “phân công nhiệm vụ” đi họp khắp các tỉnh để gom quà hoặc chỉ đến những đại hội có… cơm trưa. Vì như họ bảo, “kế hoạch năm nào cũng lãi, nhưng lời ăn mới chắc bụng”.
Nhưng đỉnh cao của sự “chơi lớn” phải kể đến một buổi họp với giải đặc biệt lên tới nửa tỷ đồng, kèm theo iPhone đời mới và vàng ròng. Thậm chí, người chỉ sở hữu 1 cổ phiếu cũng được nhận tiền thưởng, như một lời “tri ân” đầy chiến lược sau khi năm trước đại hội của doanh nghiệp này từng “ế” vì thiếu người.
Những món quà này không chỉ làm không khí thêm sôi động, mà còn như một tấm gương phản chiếu văn hóa doanh nghiệp. Một công ty tặng đồ gia dụng có thể đang ngầm “quảng bá” ngành hàng của mình, trong khi nơi khác dùng tiền mặt để khẳng định: “Chúng tôi không thiếu tiền, chỉ thiếu… sự hiện diện của các bạn”.
Khi quà tặng không còn là tâm điểm, mọi ánh mắt đổ dồn vào cổ tức. Một vị lãnh đạo, giọng chắc nịch: “Năm nay là năm thứ 3 trong 5 năm cam kết trả cổ tức bằng tiền mặt”. Một cổ đông thở phào: “Dù không cầm tay ngay, nhưng ít ra cũng có gì đó để chờ đợi”.
Nhưng không phải ai cũng may mắn. Một doanh nghiệp trình bày kế hoạch phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, khiến một cổ đông hài hước: “Cổ tức đâu không thấy, chỉ thấy cổ phiếu loãng thêm mỗi năm”. Câu nói ấy vừa chua chát, vừa dí dỏm, phản ánh tâm trạng của những người từng kỳ vọng lớn nhưng rời đại hội với tay không.
Drama hậu trường
Ở một góc khác, một nhóm cổ đông xôn xao bàn tán về sự vắng mặt của một cô hoa hậu nổi tiếng trong giới đầu tư – người được kỳ vọng sẽ xuất hiện sau khi gom hàng triệu cổ phiếu một công ty thép. Nhưng rồi nhân vật ấy lại “bặt vô âm tín” ở nơi được chờ đợi, để rồi bất ngờ xuất hiện tại một đại hội khác và tự xưng là “cổ đông nổi tiếng nhất” trên mạng xã hội. Một cổ đông trẻ bật cười: “Có khi đây là một màn troll thị trường đầy tinh tế”.
Drama không dừng lại ở đó. Một đại hội khác, không có bóng dáng Hội đồng quản trị hay Ban Điều hành, chỉ còn một chuyên viên pháp lý đơn độc đối mặt với hàng trăm ánh mắt. Một nhà đầu tư bay từ Bắc vào Nam, ngồi đợi 3 giờ để rồi thất vọng: “Công ty chẳng còn tôn trọng chúng tôi nữa”. Hình ảnh ấy như một vết gợn buồn giữa không khí sôi động, nhắc nhở rằng không phải đại hội nào cũng là một bữa tiệc vui vẻ.
Một doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản nay làm hẳn “bản sao trẻ” – lập thêm pháp nhân mới, địa chỉ y chang, chỉ đổi tên – như một cuộc kế thừa không lời đầy ẩn ý. Giới đầu tư nói với nhau rằng: “Kế thừa kiểu này giống như mặc áo mới để quên đi cái áo cũ rách vai”.
Ở nơi khác, những doanh nghiệp “cạn vốn niềm tin” tự thừa nhận “9 năm liên tiếp không đạt kế hoạch kinh doanh”, với lợi nhuận cộng dồn chưa bằng 1 năm mục tiêu. Trong khi cổ đông giữ cổ phiếu cả thập niên, chỉ để nghe lại một câu y hệt năm ngoái: “Công ty vẫn còn tiềm năng”.
Khi cổ đông “có gu” và không còn dễ dãi
Nếu cần chọn một điểm sáng thì đó là: Cổ đông nay đã khác xưa. Không còn là những khán giả lặng lẽ mà là thế hệ mới – trẻ, tỉnh táo, thích hỏi xoáy, thích chụp màn hình, rồi đăng “story recap” như thể dự hội nghị quốc tế; đến mức, nhiều doanh nghiệp bắt đầu dè chừng phiên Q&A như… đi thi vấn đáp.
Một cổ đông trẻ, tay giơ cao, rồi hỏi: “Công ty có kế hoạch gì để mở rộng thị trường châu Á?”. Các phiên thảo luận kéo dài hơn dự kiến, với những câu hỏi từ chiến lược lớn lao đến chi tiết nhỏ nhặt như “ưu đãi dành cho cổ đông có gì mới?”.
Một người tham dự nhận xét: “Cổ đông giờ đây ‘có gu’ hơn, chỉ tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, nền tảng vững chắc, thanh khoản cao. Họ không chỉ đi họp để nghe, mà còn để kiểm chứng, để hiểu rõ hơn về nơi mình đặt niềm tin”.
Sóng ngầm mang tên thuế quan
Chủ đề nóng nhất, xuất hiện ở hầu hết các đại hội, chính là thuế quan. “Công ty bị ảnh hưởng thế nào?” và “Đã có kế hoạch gì chưa?” là những câu hỏi quen thuộc đến mức gần như thành “lời chào” giữa cổ đông và lãnh đạo. Các doanh nghiệp đáp lại bằng sự trấn an: “Chúng tôi đã có kế hoạch thận trọng hơn, tìm thị trường thay thế” hoặc “Giữ nguyên chiến lược, không để thuế quan làm chùn bước” để thể hiện sự tự tin. Ngay cả những ngành ít liên quan trực tiếp, như ngân hàng, cũng lo ngại tác động gián tiếp từ khách hàng. Tinh thần “phòng thủ” lan tỏa, nhưng không vì thế mà mất đi sự lạc quan cần thiết.
Mùa đại hội năm nay không thể thiếu những câu nói ấn tượng từ các lãnh đạo. Trên bục, một lãnh đạo tuyên bố: “Chọn cổ phiếu của tôi thay vì vàng là quyết định đúng”. Một vị khác dí dỏm: “Chỉ tiêu năm nay do trí tuệ nhân tạo giao, nên không thể sai được”. Tiếng vỗ tay vang lên, xen lẫn vài tiếng cười khúc khích. Một người khác mạnh mẽ: “Chúng tôi mất dây thần kinh sợ cạnh tranh từ lâu rồi”. Những lời ấy không chỉ phản ánh cá tính, mà còn là thông điệp về tầm nhìn, sự kiên định, đôi khi pha chút hài hước để xoa dịu không khí căng thẳng.
Và thế là mùa hội lại khép
Rồi lại trở về với bảng điện. Nhưng mùa hè này, sau tất cả, mỗi người có lẽ đều học thêm một điều, rằng cổ phiếu không chỉ là mã số trên sàn, mà là một phần của những câu chuyện mà đôi khi, chỉ khi đi họp mới nghe hết được. Quà đã trao, biểu quyết đã xong, mùa đại hội rồi sẽ kết thúc. Chỉ có lòng tin – nếu mất đi – thì chẳng có phần quà nào đền bù nổi.
– 08:00 19/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/co-dong-phan-qua-va-nhung-chuyen-chua-ke-o-dhdcd-2025-830-1309566.htm