Có mấy dạng ý kiến kiểm toán?
Các báo cáo của doanh nghiệp khi được kiểm toán sẽ giúp doanh nghiệp tăng uy tín đối với đối tác, nhà đầu tư cũng như khách hàng, tuy nhiên không phải lúc nào ý kiến của đơn vị kiểm toán đều phản ánh sự tích cực.
Có mấy dạng ý kiến kiểm toán?
Theo Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế số 700 (ISA 700) cũng như chuẩn mực kiểm toán Việt Nam VSA 700 – Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán về BCTC, VSA 705 – Ý kiến kiểm toán không phải chấp nhận toàn phần, kiểm toán viên (KTV) đưa ra 2 dạng ý kiến, gồm: (1) Ý kiến chấp nhận toàn phần; (2) Ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, gồm 3 loại: (2.1) Ý kiến ngoại trừ; (2.2) Ý kiến trái ngược; và (2.3) Từ chối đưa ra ý kiến. Nếu KTV đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, KTV phải trình bày trong BCKT một đoạn mô tả về vấn đề dẫn đến việc KTV đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần. KTV phải đặt đoạn này ngay trước đoạn “Ý kiến của KTV” trong BCKT và phải sử dụng tiêu đề là “Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ”, “Cơ sở của ý kiến kiểm toán trái ngược” hoặc “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến”. |
Hồ sơ kiểm toán được chia thành mấy loại?
Hồ sơ kiểm toán (HSKT): Là tập hợp các tài liệu kiểm toán do KTV thu thập, phân loại, sử dụng và lưu trữ theo một trật tự nhất định làm bằng chứng cho một cuộc kiểm toán cụ thể. Tài liệu trong HSKT được thể hiện trên giấy, trên phim ảnh, trên phương tiện tin học hay bất kỳ phương tiện lưu trữ nào khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Hồ sơ kiểm toán thường được chia thành 2 loại: HSKT chung và HSKT năm. HSKT chung thường gồm: Tên và số hiệu hồ sơ; ngày, tháng lập và ngày, tháng lưu trữ; Các thông tin chung về khách hàng; Các tài liệu về thuế; Các tài liệu về nhân sự; Các tài liệu về kế toán; Các hợp đồng hoặc thoả thuận với bên thứ ba có hiệu lực trong thời gian dài (ít nhất cho hai năm tài chính); Các tài liệu khác. Hồ sơ kiểm toán chung được cập nhật hàng năm khi có sự thay đổi liên quan đến các tài liệu đề cập trên đây. HSKT năm thường gồm: Thông tin về người lập, người kiểm tra (soát xét) HSKT; Các văn bản về tài chính, kế toán, thuế… của cơ quan Nhà nước và cấp trên liên quan đến năm tài chính được kiểm toán; Báo cáo kiểm toán, thư quản lý, BCTC và các báo cáo khác… (bản chính thức); Hợp đồng kiểm toán và bản thanh lý hợp đồng; Những bằng chứng về kế hoạch kiểm toán và kết luận trong việc đánh giá rủi ro; Các bằng chứng kiểm toán mà KTV và doanh nghiệp kiểm toán thu thập được trong quá trình kiểm toán; Các kết luận của KTV về những vấn đề trọng yếu của cuộc kiểm toán và các thủ tục mà KTV đã thực hiện để giải quyết các vấn đề đó; Các tài liệu liên quan khác. |
Sai sót kiểm toán là gì?
Sai sót kiểm toán là sự khác biệt giữa giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của một khoản mục trên BCTC với giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh của khoản mục đó theo khuôn khổ về lập và trình bày BCTC được áp dụng. Sai sót có thể phát sinh do nhầm lẫn hoặc gian lận. Sai sót có thể phát sinh từ việc thu thập hoặc xử lý dữ liệu không chính xác, bỏ sót số liệu hoặc thuyết minh, ước tính kế toán không đúng do bị bỏ sót hoặc hiểu sai, xét đoán của BGĐ liên quan đến các ước tính kế toán là không hợp lý hoặc BGĐ lựa chọn, áp dụng các chính sách kế toán không phù hợp… Khi KTV đưa ra ý kiến về việc liệu BCTC đã được trình bày trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay chưa, sai sót có thể bao gồm những điều chỉnh về giá trị, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh mà theo xét đoán của KTV là cần thiết để BCTC được trình bày trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu. |
– 19:28 04/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/co-may-dang-y-kien-kiem-toan-737-1324689.htm