Ông Cao Việt Hùng, CFA – Giám đốc Phân tích ngành Dịch vụ Tài chính, CTCK ACB (ACBS) cho rằng, với triển vọng tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thị trường BĐS hồi phục, môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ, định giá của ngành ngân hàng vẫn còn dư địa để tăng thêm trong thời gian tới.
Nghị quyết 42 có thể xem là cơ hội chung cho tất cả ngân hàng, đồng thời tạo ra một sân chơi công bằng nơi những tổ chức có năng lực triển khai. Một cách tổng quan, điều này tác động chung đến ngành ngân hàng như thế nào, theo ông?
![]() |
Ông Cao Việt Hùng, CFA – Giám đốc Phân tích ngành Dịch vụ Tài chính, ACBS |
NHNN cho biết, luật hóa quyền thu giữ tài sản đặc biệt (TSĐB) sẽ giúp quyền lợi của ngân hàng được đảm bảo, từ đó khuyến khích ngân hàng có thêm động lực để cho vay, hạ lãi suất cho vay do giảm chi phí khi phải xử lý nợ, xử lý TSĐB. Khi đó, doanh nghiệp và người dân có điều kiện tiếp cận, huy động vốn với lãi suất hợp lý nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn thí điểm 2017-2023 trước đây, Nghị quyết 42/2017-QH14 đã thể hiện hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, tổng số nợ xấu ngân hàng thu hồi được lên tới 443.000 tỷ đồng, tức 5.800 tỷ mỗi tháng, cao gấp 2-3 lần so với giai đoạn trước đó.
Sau 31/12/2023, nợ xấu tăng trở lại (khoảng 734.000 tỷ đồng đến cuối năm 2024) một phần do thiếu khung pháp lý xử lý TSĐB, dẫn đến dòng vốn tín dụng phần nào bị hạn chế do áp lực nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng cao.
Do đó, việc luật hoá Nghị quyết 42/2017 hứa hẹn sẽ tạo công cụ xử lý nợ xấu hiệu quả cho các ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay và tăng lợi nhuận từ thu hồi nợ của ngành ngân hàng.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Trên thực tế, mức độ hưởng lợi giữa các nhóm ngân hàng còn tùy thuộc vào cơ cấu tín dụng và bản chất tài sản đảm bảo. Ông đánh giá như thế nào về các nhóm cho vay (bất động sản, tiêu dùng…) nào sẽ được hưởng lợi?
Các ngân hàng tập trung vào cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), với tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản, được đánh giá là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ Nghị quyết 42. Nguyên nhân là do bất động sản thường có giá trị cao, dễ định giá và sở hữu thị trường thanh khoản tốt, giúp quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Những ngân hàng tiêu biểu trong nhóm này bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, ACB và Sacombank. Nhờ khung pháp lý thuận lợi từ Nghị quyết 42, các ngân hàng này có thể đẩy nhanh việc thu hồi vốn, từ đó giải phóng nguồn lực để mở rộng tín dụng và cải thiện lợi nhuận của mình.
Cùng với Nghị định 42, việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng được “cởi trói” trong hoạt động cấp tín dụng. Điều này tác động như thế nào đến kế hoạch kinh doanh của khối ngân hàng trong giai đoạn tới, theo nhận định của ông?
Việc gỡ bỏ cơ chế phân bổ “room tín dụng” theo kiểu phân bổ định kỳ và có tính hành chính, dù vẫn dựa trên các chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản của mỗi ngân hàng, là một bước tiến quan trọng, cho phép các ngân hàng tự chủ hơn trong việc hoạch định chiến lược tăng trưởng tín dụng và kế hoạch lợi nhuận.
Thay vì bị ràng buộc bởi định mức cứng nhắc, các ngân hàng giờ đây có thể linh hoạt điều chỉnh kế hoạch cho vay dựa trên năng lực tài chính, mức độ an toàn vốn và nhu cầu thị trường. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn tạo điều kiện để các ngân hàng tối ưu hóa nguồn lực và cải thiện lợi nhuận.
Ví dụ, sự tự chủ sẽ giúp các ngân hàng quản lý hiệu quả hơn tiến độ huy động và cho vay, thay vì phải chuẩn bị sẵn nguồn vốn huy động trong lúc chờ đợi việc xét duyệt hạn mức tín dụng hoặc nâng trần hạn mức tín dụng từ phía NHNN. Tuy nhiên, việc quản lý tăng trưởng tín dụng mang tính thị trường cũng sẽ đi kèm với những rủi ro đáng lưu ý.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle1 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle1, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’).style.display = “none”;} });
Thứ nhất, nếu các ngân hàng không còn phải “liệu cơm gắp mắm”, xoay sở trong một hạn mức tín dụng được cấp phát, mà có thể tăng trưởng tùy ý, miễn vẫn đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vốn và thanh khoản theo quy định, thì có thể dẫn tới nhiều ngân hàng sẽ theo đuổi chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng nóng. Từ đó, rủi ro nợ xấu có thể gia tăng trong tương lai và ảnh hưởng tới tính bền vững trong hoạt động của ngân hàng.
Thứ hai, nếu việc “cảnh báo sớm” và “hậu kiểm” từ phía NHNN không sát sao và kịp thời, thậm chí chậm trễ, có thể gây nên rủi ro lớn đối với từng ngân hàng riêng lẻ, và sâu rộng hơn là đối với hệ thống ngân hàng. Vì vậy, việc cởi trói về tăng trưởng cho hệ thống ngân hàng sẽ khiến trách nhiệm quản lý và kiểm tra của NHNN trở nên hết sức cấp thiết.
Trên thị trường chứng khoán, cùng với các bluechips khác, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đã góp phần giúp thị trường vượt đỉnh. Ông đánh giá như thế nào về dòng tiền đầu tư vào ngành ngân hàng trong thời gian tới?
Ngành ngân hàng luôn nhận được sự chú ý lớn nhờ vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và VN-Index. Cổ phiếu ngân hàng đã góp phần đưa VN-Index vượt đỉnh 3 năm, và xu hướng này có thể tiếp diễn với dòng vốn từ cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Các cổ phiếu ngân hàng có nền tảng cơ bản tốt và còn room ngoại có thể nhận được dòng tiền lớn từ nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt với triển vọng TTCK Việt Nam nhiều khả năng được nâng hạng trong tháng 9 này, cùng với các chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng đang được thúc đẩy.
Ông nhìn nhận như thế nào đối với định giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại? Việc đầu tư vào nhóm ngân hàng ở thời điểm này cần lưu ý những yếu tố nào?
Mặc dù có mức tăng khá tốt trong giai đoạn vừa qua, định giá của ngành ngân hàng hiện tại vẫn chưa phải là “đắt” với P/E khoảng 10 lần, thấp hơn 12% so với trung vị lịch sử. Với triển vọng tăng trưởng tín dụng ở mức cao, thị trường BĐS hồi phục, môi trường lãi suất thấp và các chính sách hỗ trợ, định giá của ngành ngân hàng vẫn còn dư địa để tăng thêm trong thời gian tới.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle2 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle2, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’).style.display = “none”;} });
Nhà đầu tư có thể lưu ý những ngân hàng có triển vọng lợi nhuận khả quan và có câu chuyện hấp dẫn như CTG, MBB, TCB, STB, HDB. Ngoài ra, các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và còn room ngoại như VCB, BID, CTG, STB, VPB, HDB cũng có thể thu hút được dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.
Rủi ro đối với ngành ngân hàng cần lưu ý là lãi suất có thể tăng trở lại trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đang chịu áp lực từ chính sách thuế quan. Ngoài ra, thị trường bất động sản, vốn đang được định giá ở mức khá cao, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn hệ thống nếu xảy ra một cú sốc kinh tế bất ngờ, chẳng hạn như suy thoái toàn cầu dẫn đến biến động dòng vốn quốc tế.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-van-con-du-dia-tang-truong-post373320.html