Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhịp đi lên mạnh mẽ cùng sự trở lại của khối ngoại. Trong vòng 3 tháng, VN-Index đã lần lượt vượt các mốc 1.100, 1.200, 1.300 và 1.400 điểm, qua đó leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm. Tuy nhiên, chỉ số vẫn còn kém hơn 100 điểm so với đỉnh lịch sử đạt được vào đầu tháng 4/2022.
Đáng chú ý, mặc dù VN-Index chưa về đỉnh lịch sử nhưng vốn hóa sàn HoSE đã lập kỷ lục mới. Tính đến hết ngày 8/7, tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE lên đến 6,087 triệu tỷ đồng, con số này vượt qua mức kỷ lục cũ 6,036 triệu tỷ đạt được vào ngày 4/4/2022. Tính từ đầu năm, vốn hóa sàn HoSE đã tăng thêm gần 880.000 tỷ đồng.
Vốn hóa sàn HoSE lập kỷ lục trong khi VN-Index chưa về đỉnh cũ cho thấy giá trị thị trường tăng lên chủ yếu do doanh nghiệp niêm yết mới. Trong 3 năm qua, hoạt động niêm yết mới không thật sự sôi động nhưng vẫn có một số tân binh đáng chú ý lên sàn HoSE, có thể kể đến như Vinpearl (VPL), Gelex Electric (GEE), Viettel Post (VTP), Nam Á Bank (NAB), DNSE (DSE)… Đa phần danh sách này là những cái tên chuyển sàn từ UPCoM.
Trong khi đó, các cổ phiếu niêm yết trên HoSE từ trước năm 2022 lại có sự phân hóa rõ rệt. Một số cổ phiếu ngân hàng như TCB, STB, MBB, CTG,… đã vượt đỉnh lịch sử nhưng đa phần mới chỉ “ngấp nghé” vùng giá khi VN-Index trên đỉnh 1.500. Thậm chí, không ít cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, SAB, VJC, GAS,… vẫn còn thấp hơn đáng kể so với vùng giá thời điểm 3 năm trước.
Sự phân hóa rõ rệt phần nào cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng những con sóng thực sự lớn trong khoảng 3 năm trở lại đây. Điều này được kỳ vọng sẽ thay đổi khi triển vọng nâng hạng trong năm nay đang rõ ràng hơn bao giờ hết và động thái trở lại mua ròng mạnh tay của khối ngoại thời gian gần đây được xem là một tín hiệu tích cực củng cố khả năng nay.
Tính từ đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng hơn 7.000 tỷ đồng, phát tín hiệu đảo chiều mạnh mẽ sau giai đoạn bán ròng triền miên. Theo nhiều nhận định, dòng vốn ngoại thường đến sớm trước thời điểm nâng hạng khoảng 4-5 tháng. Nếu lộ trình diễn ra đúng kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam có thể được FTSE nâng hạng vào cuối năm nay. Như vậy, giai đoạn này có thể xem là thời điểm vàng để dòng vốn ngoại đón đầu sóng nâng hạng.
Ngoài dòng vốn có thể lên đến hàng tỷ USD dự báo sẽ đổ vào chứng khoán Việt Nam sau khi nâng hạng, Dragon Capital cho rằng khả năng thúc đẩy hoạt động IPO vốn diễn ra ảm đạm nhiều năm qua. Khi một thị trường được phân loại là mới nổi và thu hút nhiều vốn quốc tế hơn, thị trường này có xu hướng khuyến khích các công ty khai thác thị trường.
Theo Dragon Capital, các nhà hoạch định chính sách có thể thúc đẩy IPO của các công ty lớn như các ngân hàng Nhà nước lớn, các công ty viễn thông hoặc các công ty con của các tập đoàn để tăng quy mô thị trường và tính đa dạng của ngành.
Trên thực tế, sau khi Vinpearl chính thức niêm yết hồi tháng 5, nhiều tên tuổi đáng chú ý như TCBS, F88 cũng đang rục rịch IPO và tiến tới lên sàn chứng khoán. Xa hơn, thị trường có thể kỳ vọng thêm những cái tên như THACO AUTO, Bách Hóa Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee, VPS, Viettel IDC, Misa, VNPay, Long Châu,… Theo ước tính của Dragon Capital, chứng khoán Việt Nam có thể đón làn sóng IPO quy mô đến 47 tỷ USD trong 3 năm tới.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng vốn hóa thị trường lên 100% GDP vào năm 2025. Theo Dragon Capital, để đạt được mục tiêu này, có thể cần cả sự tăng giá và niêm yết mới. Việc nâng hạng có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho mục tiêu đó bằng cách thúc đẩy giá và làm cho việc phát hành cổ phiếu mới khả thi hơn.
Nguồn: https://cafef.vn/co-the-ban-chua-biet-von-hoa-san-hose-lap-ky-luc-moi-du-vn-index-chua-ve-dinh-1500-188250708220650744.chn