Nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang áp dụng AI để tối ưu bộ máy vận hành, đặc biệt là cắt giảm nhân sự.
Công ty sách muốn thay thế 30% biên tập viên bằng AI
Đơn cử, Microsoft vừa có kế hoạch cắt giảm khoảng 6.000 vị trí việc làm trên toàn cầu, tương đương gần 3% tổng lực lượng lao động hiện có. Trước đó, Walmart cũng tuyên bố cắt giảm 1.500 nhân viên mảng công nghệ, TMĐT, quảng cáo để tận dụng AI….
Theo khảo sát công bố tháng 4 của Trung tâm nghiên cứu Pew, phần lớn người trưởng thành tại Mỹ tin rằng AI sẽ khiến nhiều ngành nghề suy giảm nhân lực nghiêm trọng trong vòng 20 năm tới. Cụ thể, 73% trong số 5.410 người tham gia khảo sát cho rằng các công việc như thu ngân, công nhân nhà máy (67%), nhà báo (59%) và kỹ sư phần mềm (48%) là những nghề có nguy cơ “biến mất” cao nhất.
Báo cáo “Tương lai việc làm năm 2025” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng chỉ ra rằng 41% doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm nhân sự vào năm 2030 do sự phát triển của AI. AI cũng có thể thay thế 92 triệu việc làm phổ biến hiện nay như lái xe công nghệ, kế toán, nhân sự, ngân hàng….
Tại Việt Nam, thông tin về việc công ty phát hành sách Vanlangbooks (Tp.HCM) cho biết sẽ cắt giảm 70% cộng tác viên dịch thuật và 30% biên tập viên gây chú ý.
Còn theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, quý 1/2025 hơn 21% ngân hàng tiếp tục cắt giảm nhân sự. Điển hình, “ông lớn” VietinBank vừa thông báo chấm dứt loạt phòng giao dịch tập trung tại Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Gia Lai, Huế…. và sẽ áp dụng số hoá để thay thế.
Nhìn chung, sự đổ bộ của làn sóng AI trong những năm gần đây đẩy nhiều nhân sự ở các vị trí, ngành nghề vào thế khó, đứng trước nguy cơ bị đào thải.
Hệ quả, nhiều người lo sợ AI sẽ khiến tình trạng sa thải hàng loạt diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều DN buộc phải tối ưu chi phí.
Liệu AI có lấy mất việc của con người?
“Câu trả lời là có. Chắc chắn AI sẽ thay thế hoặc làm giảm giá trị của những công việc mang tính lặp đi lặp lại”, đại diện Việc Làm Tốt nói. Dù vậy, theo Việc Làm Tốt, AI đồng thời cũng tạo ra vô số cơ hội mới. Bởi, AI đảm nhiệm được nhiều việc, nhưng đồng thời nhiều vai trò mới sẽ xuất hiện.
Ảnh: Sự phát triển của AI, báo cáo JDI & UEL tháng 5/2025.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng, trước đây nhân viên phải dành cả ngày để trả lời điện thoại và tin nhắn. Giờ đây, AI có thể xử lý các yêu cầu cơ bản 24/7 với tốc độ nhanh và độ chính xác cao. Điều đó không có nghĩa là công việc CSKH biến mất. Thay vào đó, ngành này cần thêm chuyên viên tối ưu chatbot, phân tích AI agent hoặc phát triển giải pháp AI chuyên biệt cho CSKH. Nhân viên CSKH vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tình huống phức tạp hoặc phục vụ khách hàng muốn tương tác trực tiếp với con người.
“ Những công việc thuần túy mang tính cơ học sẽ bị thay thế, nhưng con người vẫn giữ lợi thế ở những lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo, chiến lược và khả năng giải quyết vấn đề phức tạp , tình huống đặc biệt ”, vị này nói thêm.
Đại diện Việc Làm Tốt khuyến cáo nên nhìn nhận theo hướng tích cực: Công nghệ mở ra cơ hội cho những công việc mới và yêu cầu những kỹ năng mới.
Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, tại hội thảo mới đây ông cũng cho rằng vấn đề cốt lõi không nằm ở việc AI có thể thay thế con người, mà là liệu chúng ta có biết cách biến công nghệ này thành “đòn bẩy” cho tư duy hay không.
Ông khẳng định: “AI không thay thế con người, nhưng những người biết sử dụng AI sẽ thay thế những người không biết dùng nó”.
Đào tạo lực lượng lao động AI Agent: Không chỉ hiểu AI mà phải thực hành một cách có đạo đức
Với DN, bên cạnh bài toán áp dụng AI vào kinh doanh, các chuyên gia bài toán lớn hơn hiện nay là làm sao để đào tạo nhân sự kỹ năng ứng dụng AI vào công việc.
Thực tế, nhiều DN tại Việt Nam, có thể kể đến CTCP Besco, CTCP Công nghệ Veron Group, G.C Food, Công ty TNHH Tuấn Lộc Commodities, Jumstart Disruptive Innovation… đang đẩy mạnh lực lượng lao động AI Agent (tác nhân AI) thông qua hợp tác với các công ty công nghệ, hoặc liên kết các trường Đại học, cao đẳng nhằm chuẩn bị nhân sự AI Agent cho tương lai.
Một vấn đề được quan tâm hiện nay, nhiều người trẻ đang lạm dụng AI. Ông Hoàng Nam Tiến bày tỏ sự “choáng váng” trước thực trạng học sinh sử dụng AI để hoàn thành bài tập. ” Như thế quá nguy hiểm cho thế hệ tương lai. Thay vì làm chủ, các con của chúng ta sẽ trở thành nô lệ của trí tuệ nhân tạo”, ông nói.
Ảnh: TS Lê Hoành Sử lưu ý lực lượng lao động tương lai ngoài hiểu AI còn phải biết phát triển nó một cách có đạo đức.
Dưới góc độ giáo dục, TS Lê Hoành Sử, trưởng khoa hệ thống thông tin UEL cũng nhấn mạnh vai trò của các trường đại học cùng với DN để đào tạo lực lượng lao động thế hệ mới “Workforce 2.0”.
Ông cũng lưu ý lực lượng lao động tương lai ngoài hiểu AI còn phải đồng hành, giám sát, phát triển nó một cách có đạo đức và hiệu quả.
Về phía các công ty công nghệ, họ cũng nỗ lực đầu tư vào hệ thống AI Labs, với mục tiêu bồi dưỡng tài năng công nghệ bản địa từ nghiên cứu mô hình đến triển khai thực tiễn trong trung tâm dữ liệu.
Trong chia sẻ mới đây, đại diện mảng AI của công ty công nghệ Veron Group cho rằng việc đầu tư đào tạo đội ngũ nhân lực AI nội địa là yếu tố sống còn nếu Việt Nam muốn giảm phụ thuộc công nghệ nước ngoài.
Vị này cũng thông tin, tính đến năm 2024 thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đạt quy mô 700 – 800 triệu USD và dự kiến tăng gấp 3,5 lần vào năm 2030. Trong đó, 3 vùng trọng điểm là Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng hiện đang dẫn đầu về số lượng và tốc độ mở rộng trung tâm dữ liệu, với động lực chính là điện toán đám mây và các khoản đầu tư quốc tế.
Nguồn: https://cafef.vn/cong-ty-tai-tphcm-thay-30-nhan-su-bang-ai-cac-ngan-hang-dong-cua-pgd-loi-thoat-nao-cho-nguoi-lao-dong-188250528162433009.chn