Cựu nhân viên ngân hàng điều hành mô hình lừa đảo ponzi 140 triệu USD, 300 nạn nhân dính bẫy lợi nhuận tới 18%/năm giờ trắng tay

Tờ Fortune đưa tin, một nhân viên ngân hàng sống tại bang Georgia, Mỹ đang bị cáo buộc điều hành một mô hình Ponzi (hình thức lừa đảo đầu tư) trị giá hàng tram triệu USD. Chiêu thức được người này thực hiện là thông qua các quảng cáo nhắm mục tiêu trên các kênh truyền thông cánh hữu và bảo thủ, lợi dụng trào lưu gọi là “Nền kinh tế yêu nước” (Patriot Economy).

Thứ 5 tuần này, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã đệ đơn kiện, cáo buộc Edwin Brant Frost IV và công ty của ông, First Liberty Building & Loan, trong nhiều năm qua đã trả tiền cho nhà đầu tư cũ bằng cách kêu gọi tiền từ nhà đầu tư mới – đặc điểm điển hình của một mô hình Ponzi.

Theo đơn kiện dân sự được nộp tại tòa án liên bang ở Atlanta, SEC cáo buộc Edwin Brant Frost IV và công ty cho vay tư nhân First Liberty Building & Loan đã điều hành một mô hình Ponzi tinh vi trị giá khoảng 140 triệu USD.

Các nhà chức trách cho biết ông Frost, 67 tuổi, đã nhắm mục tiêu cụ thể vào các nạn nhân thông qua mạng lưới các kênh truyền thông cánh hữu. Trang web (nay đã đóng cửa) của công ty tài chính ở Georgia này từng quảng bá rằng họ được “nghe đến trên” các chương trình truyền thông bảo thủ như của Erick Erickson, Hugh Hewitt và Charlie Kirk. First Liberty bất ngờ ngừng hoạt động vào cuối tháng trước và đăng một thông báo trên website rằng các khoản đầu tư, thanh toán và chương trình của công ty hiện “tạm thời bị đình chỉ vô thời hạn”.

“First Liberty đang hợp tác với các cơ quan liên bang nhằm thực hiện việc đóng cửa công ty một cách trật tự”, thông báo viết. “Nhân viên của First Liberty không được phép đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về tình hình hiện tại, và không ai trong công ty có thể nghe điện thoại hoặc trả lời email”.

Các nỗ lực liên hệ với ông Frost đều không thành công.

Theo đơn kiện, ông Frost và First Liberty đã huy động ít nhất 140 triệu USD từ việc bán các thỏa thuận tham gia cho vay và trái phiếu kỳ hạn cho ít nhất 300 nhà đầu tư. Mô hình bị cáo buộc bắt đầu từ năm 2014, khi Frost kêu gọi vốn từ bạn bè và người thân. Ban đầu, họ được chào mời các thỏa thuận tham gia cho vay – hợp đồng mà nhà đầu tư góp vốn để tài trợ cho một khoản vay duy nhất và mỗi người sở hữu một phần lợi nhuận. Sau đó họ được mời mua trái phiếu kỳ hạn – về bản chất là các “giấy ghi nợ”, tức là họ cho công ty vay tiền. Frost bị cáo buộc nói với các nhà đầu tư rằng tiền sẽ được dùng để cấp các khoản vay cầu nối ngắn hạn với lãi suất cao.

Frost và First Liberty bị cáo buộc đã nói với nhà đầu tư rằng 100% tiền từ các hợp đồng vay và trái phiếu sẽ được sử dụng để cho vay cầu nối, và nhà đầu tư sẽ hưởng lợi từ việc thu hồi vốn và lãi suất. Chương trình “bạn bè và người thân” hứa hẹn mức sinh lời từ 14% đến 18%, còn trái phiếu thì mang lại lợi nhuận hằng năm từ 8% đến 13%. SEC cho biết Frost còn nói miệng rằng ông không trích bất kỳ khoản phí nào từ tiền của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo SEC, gần như tất cả những tuyên bố này đều là sai sự thật. Đơn kiện nêu rõ kể từ năm 2021, First Liberty bắt đầu vận hành như một mô hình Ponzi, với khoảng 80% lãi và thanh toán cho nhà đầu tư được trả bằng tiền của nhà đầu tư mới – dấu hiệu rõ ràng của mô hình Ponzi.

“Lời hứa về mức sinh lời cao luôn là tín hiệu cảnh báo mà nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi đổ tiền vào”, ông Justin C. Jeffries, Phó Giám đốc Cơ quan thực thi của Văn phòng khu vực SEC tại Atlanta tuyên bố. “Đáng tiếc là chúng tôi đã chứng kiến kịch bản này nhiều lần – những kẻ xấu dụ dỗ nhà đầu tư bằng các cam kết lợi nhuận quá hấp dẫn – và kết cục thường không tốt đẹp”.

Năm 2024, SEC cho biết Frost đã mở rộng phạm vi tiếp cận của công ty tài chính bằng cách bán trái phiếu kỳ hạn công khai qua đài phát thanh, trang web công ty, podcast và các chương trình khác. Công ty tự quảng bá là một phần quan trọng của cái gọi là “nền kinh tế yêu nước”.

Tuy nhiên, theo SEC, kế hoạch này thực ra đã bắt đầu đổ vỡ. First Liberty bị cáo buộc hoạt động thua lỗ hằng năm kể từ năm 2021 đến 30/5/2025 và thực chất vận hành như một mô hình Ponzi. Cơ quan quản lý còn cho biết Frost bị cáo buộc đã đánh lừa các nhà đầu tư hiện tại về độ an toàn của khoản đầu tư để tiếp tục lấy thêm tiền từ họ.

Trong thời gian thực hiện kế hoạch bị cáo buộc, SEC nói rằng Frost đã sống xa hoa bằng tiền của nhà đầu tư.

Frost bị cáo buộc đã chi 230.000 USD để thuê nhà nghỉ dưỡng ở Kennebunkport, bang Maine, và 140.000 USD mua trang sức. Ông ta cũng bị cáo buộc dùng tiền nhà đầu tư để mua một chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá 20.800 USD và chi 335.000 USD tại một cửa hàng bán tiền xu quý hiếm. Ngoài ra, ông ta còn bị cáo buộc dùng 2,4 triệu USD từ tiền nhà đầu tư để trả thẻ tín dụng và quyên góp 570.000 USD cho các chiến dịch chính trị.

SEC cho biết, chỉ 9 ngày sau khi nhân viên điều tra phỏng vấn Frost, ông này đã rút 100.000 USD từ các tài khoản công ty chứa tiền nhà đầu tư và viết séc trị giá 210.875 USD cho một doanh nghiệp chuyên bán vàng. Hiện tài sản của Frost đã bị đóng băng.

Các tin nhắn gửi đến Erick Erickson, Hugh Hewitt và Charlie Kirk chưa nhận được phản hồi.

Trên website, First Liberty viết: “First Liberty hy vọng sẽ cung cấp thêm thông tin và cập nhật trong thời gian tới liên quan đến tiến trình đóng cửa công ty một cách trật tự”.

Theo: Fortune

Nguồn: https://cafef.vn/cuu-nhan-vien-ngan-hang-dieu-hanh-mo-hinh-lua-dao-ponzi-140-trieu-usd-300-nan-nhan-dinh-bay-loi-nhuan-toi-18-nam-gio-trang-tay-188250711145713549.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *