Dự án đường sắt đắt đỏ bậc nhất thế giới
Dự án đường sắt cao tốc HS2 của Anh, khởi công từ năm 2020, từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước ngoặt lớn cho hệ thống giao thông quốc gia. Với mục tiêu kết nối London và Birmingham, cùng tầm nhìn mở rộng đến Manchester và Leeds, đây là tuyến đường sắt liên thành phố đầu tiên được xây dựng ở phía Bắc thủ đô trong hơn 100 năm qua.
HS2 được thiết kế với tốc độ tối đa lên tới 360 km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố lớn nhất nước Anh xuống còn chưa đầy 50 phút. Ngoài việc gia tăng năng lực vận tải, tuyến đường còn hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của nước Anh trong dài hạn.
Tuy nhiên, những kỳ vọng ban đầu dần bị lu mờ bởi chuỗi trễ hẹn và đội vốn kéo dài suốt nhiều năm. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của HS2 – nối London với West Midlands – sẽ hoàn thành vào năm 2026. Nhưng tới cuối năm 2023, thời điểm hoàn tất đã bị dời sang 2029 rồi 2033, trước khi tiếp tục bị hoãn thêm một lần nữa mà chưa xác định mốc thời gian mới.
Nguyên nhân chính đến từ thay đổi thiết kế, phát sinh kỹ thuật trong thi công hầm ngầm, cộng thêm chi phí vật liệu và nhân công leo thang sau đại dịch Covid-19. Theo tờ The Business Times, chi phí của toàn dự án đã tăng gần gấp ba so với ban đầu, từ mức 37,5 tỷ bảng năm 2013 lên hơn 100 tỷ bảng (khoảng 136 tỷ USD), khiến HS2 trở thành một trong những tuyến đường sắt cao tốc đắt đỏ nhất thế giới.
CRCC “ra giá” rẻ hơn một nửa và bị từ chối
Điểm đáng chú ý là trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) từng gửi đề xuất thực hiện HS2, cam kết có thể giảm chi phí xuống chỉ còn khoảng 17–21 triệu USD/km – thấp hơn đáng kể so với mức chi phí trung bình tại châu Âu, dao động từ 25–39 triệu USD/km. CRCC dẫn chứng kinh nghiệm thi công hơn 20.000 km đường sắt cao tốc tại Trung Quốc và khẳng định có thể triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả.
Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chính phủ Anh chấp nhận. Theo tờ Building, lý do được đưa ra là vì Anh coi đường sắt cao tốc là hạ tầng chiến lược quốc gia, cần được kiểm soát chặt chẽ bởi doanh nghiệp trong nước hoặc các đối tác đồng minh. Ngoài ra, việc từ chối còn nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng nội địa, tạo việc làm cho người dân Anh và đảm bảo giá trị gia tăng lưu lại trong nền kinh tế quốc gia.
Thay vì chọn nhà thầu Trung Quốc, Anh đã quyết định sử dụng công nghệ từ Nhật Bản và Pháp, với các đoàn tàu do Hitachi và Alstom sản xuất. Hệ thống điều khiển tàu sẽ tích hợp công nghệ ETCS thế hệ mới cùng tín hiệu kỹ thuật số, hứa hẹn nâng cao độ chính xác và an toàn trong vận hành. Quá trình thi công cũng áp dụng các máy khoan hầm (TBM) để đảm bảo tiến độ và an toàn kỹ thuật.
Dù có sự đầu tư lớn về công nghệ và hạ tầng, HS2 vẫn là tâm điểm của nhiều tranh cãi chính trị tại Anh do chi phí phình to và hiệu quả chưa rõ ràng. Các nhánh mở rộng tuyến đến Manchester và Leeds đã bị cắt bỏ, giới hạn phạm vi chỉ còn từ London đến Birmingham. Bộ trưởng Giao thông Anh thừa nhận “hàng tỷ bảng tiền thuế đã bị lãng phí do các quyết định sai lầm và sự điều chỉnh liên tục trong phạm vi dự án”.
CRCC là một trong những tập đoàn xây dựng tổng hợp mạnh và lớn nhất trên thế giới, xếp hạng thứ 42 trong Fortune Global 500. Ở nước ngoài, tập đoàn này đã xây dựng hơn 9.000 km đường sắt, chiếm 80% tổng khối lượng công trình đường sắt của Trung Quốc tại nước ngoài.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 24/6 vừa qua, đại diện CRCC cùng lãnh đạo các tập đoàn hạ tầng lớn khác của Trung Quốc bày tỏ mong muốn tham gia các dự án đường sắt và giao thông quy mô lớn ở Việt Nam. Trong số đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được nhắc đến như một trong những mục tiêu dài hạn của tập đoàn.
Trước đó, tại thành phố Côn Minh (Trung Quốc) cuối năm 2024, Chủ tịch CRCC cũng từng bày tỏ mong muốn đầu tư tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, kết nối trực tiếp với Trung Quốc.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/dai-bang-trung-quoc-ngam-ngui-nhin-du-an-duong-sat-cao-toc-dat-do-nhat-the-gioi-cham-tien-do-7-nam-doi-von-gap-3-lan-1388281.html