Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sáng 13/5, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến: Hiện nay có 88 doanh nghiệp có yếu tố vốn Nhà nước, bao gồm: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có hai thành viên trở lên, doanh nghiệp có yếu tố vật chất của Nhà nước hoặc vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
“Tôi cho rằng, tất cả những doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước đều phải nằm trong phạm vi quản lý của Nhà nước. Khi Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì chủ đầu tư, tổ chức đại diện chủ sở hữu cần được xác định rõ ràng, minh bạch, đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước“, đại biểu Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hoà. (Ảnh: Media Quốc hội).
Trong chiến lược đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cần làm rõ thời điểm nào thì doanh nghiệp được quyền đầu tư, được giao quyền và ai chịu trách nhiệm với phần vốn nhà nước được giao.
Ngoài ra, cần rà soát lại cơ chế quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Nếu không có quy định chặt chẽ, sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư ngoài ngành, rủi ro cao. Cần xác định rõ: lĩnh vực nào doanh nghiệp được đầu tư, lĩnh vực nào không và ai là người phê duyệt, giám sát.
“Ví dụ, trong ngành ngân hàng, liệu có cho phép các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đầu tư vào bất động sản hay không? Cần đánh giá kỹ lưỡng và có quy định rõ ràng“, đại biểu Hoà cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, không phải doanh nghiệp nào cũng không được đầu tư vào bất động sản – phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, từng mô hình doanh nghiệp cụ thể.” Có doanh nghiệp đủ điều kiện, đủ năng lực thì có thể cho phép; còn những doanh nghiệp không đủ điều kiện thì không nên làm, tránh thất thoát vốn Nhà nước“, đại biểu Hòa nói thêm.
Về nguyên tắc đầu tư, có ý kiến cho rằng nếu Nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp thì coi như Nhà nước là “chủ sở hữu” thực sự, có quyền điều hành như pháp nhân của doanh nghiệp. Nhưng theo ông Hòa, quan điểm này chưa đúng. Việc Nhà nước đầu tư không có nghĩa là toàn quyền điều hành, mà phải dựa trên nguyên tắc hợp đồng và cơ chế pháp lý rõ ràng. Việc đầu tư phải được phân định rõ giữa phần vốn và quyền điều hành để tránh xung đột lợi ích và lạm quyền.
“Vì vậy cần giới hạn rõ vốn Nhà nước là tài sản của Nhân dân, không phải là của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Việc đầu tư phải dựa trên các chính sách và mục tiêu phát triển đất nước. Trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu và họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước Nhân dân, đặc biệt là với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm phần lớn hoặc chi phối“, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hoà, luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp cần quy định rõ về phạm vi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và cũng cần làm rõ rằng, Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm được, hoặc không muốn làm vì hiệu quả thấp nhưng lại có tính thiết yếu cho xã hội, đảm bảo an ninh, an sinh cho Nhân dân.
Ví dụ như lĩnh vực y tế công, giáo dục cơ bản, hoặc các công trình hạ tầng lớn phục vụ phát triển quốc gia.
Hiện nay, có nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không mặn mà đầu tư, chẳng hạn như xây dựng cơ bản, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Đây là những lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả kinh tế không cao, nên Nhà nước cần đứng ra đầu tư, đồng thời đảm bảo vai trò dẫn dắt phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc đầu tư, cần có chiến lược rõ ràng. Doanh nghiệp có vốn Nhà nước cần có quyền huy động vốn, vay vốn, thực hiện các dự án đầu tư một cách linh hoạt. Đồng thời, phải phân quyền rõ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc phê duyệt các dự án, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Tôi đề nghị rằng, vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thành viên, của Chủ tịch công ty cần được xác định rõ ràng, tránh tình trạng chồng chéo, phụ thuộc hoặc thiếu độc lập trong quá trình ra quyết định.
Cần xác định rõ cơ chế phân quyền đầu tư, ai là người có quyền quyết định, ai chịu trách nhiệm, đặc biệt trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhưng hoạt động theo mô hình công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn có nhiều thành viên“, đại biểu Hòa cho biết.
Việc gì DNNN được làm thì giao cho DN tư nhân cùng làm
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau), nhiều doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ triền miên, trong khi nếu Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách cho các thành phần kinh tế tư nhân tham gia thì doanh nghiệp tư nhân lại làm ăn có lãi và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh. (Ảnh: Media Quốc hội).
“Nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ một phần là do doanh nghiệp tư nhân không được làm, tạo nên sự độc quyền. Đây là điều hết sức bất cập, vì thế cần phải cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào những việc doanh nghiệp Nhà nước làm”, đại biểu Thanh nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam – cũng đề xuất, trong quá trình phát triển hiện nay doanh nghiệp Nhà nước phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt phải lấy hiệu quả làm thước đo. Còn doanh nghiệp tư nhân cần được tạo điều kiện, không bị cản trở bởi các rào cản hành chính hoặc sự cạnh tranh không công bằng.
“Nếu có những dự án tốt, có tiềm năng, sức lan tỏa lớn thì không nên phân biệt doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. Hãy để họ cùng tham gia, cùng đầu tư và phát triển vì lợi ích chung. Chúng ta cần một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn để xây dựng một xã hội công bằng, hiện đại và bền vững”, đại biểu Thân nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Media Quốc hội).
“Gần đây, Nghị quyết 68 hay các chủ trương mới về công nghệ, chuyển đổi số…là những định hướng rất quan trọng. Nhưng cũng cần cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách rõ ràng để thực hiện hiệu quả. Nếu chỉ dừng lại ở định hướng thì sẽ rất khó đi đến hành động cụ thể”, đại biểu Thân nói thêm.
Nguồn: https://cafef.vn/dbqh-doanh-nghiep-nha-nuoc-co-duoc-dau-tu-bat-dong-san-chung-khoan-188250513142446745.chn