DDG gấp rút đàm phán giãn nợ sau cảnh báo thanh khoản từ kiểm toán

Ngưng trích khấu hao 17 tỷ đồng: “Điểm trừ” lớn khiến kiểm toán ngoại trừ

Trong văn bản gửi đến cổ đông và các bên liên quan vừa công bố của Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG), căn cứ vào Báo cáo kiểm toán độc số 553/BCKT/TC/2025/AASCS ngày 14/5/2025, đơn vị kiểm toán AASCS (Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam) đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, xuất phát từ việc DDG tạm dừng khấu hao một số tài sản cố định có tổng nguyên giá hơn 17,1 tỷ đồng.

ddg.jpg
Đơn vị kiểm toán cảnh báo rằng hệ số khả năng thanh toán hiện hành đang ở mức thấp đáng báo động, đòi hỏi DDG phải có các giải pháp mạnh mẽ nhằm cơ cấu lại tài chính

Cụ thể, trong năm 2024, thực hiện Quyết định số 0201/2024/QĐ-DDG ngày 31/5/2024, DDG đã ngừng trích khấu hao cho một số nhà xưởng và máy móc thiết bị thuộc các dự án chưa hoặc không phát sinh doanh thu trong kỳ. Các dự án này gồm: Điện rác 5MW Biwase, dự án sản xuất khí CO₂, Lò hơi Đồng Tiến Long An và Lò hơi 6T YFY.

Tuy nhiên, theo AASCS, việc tạm ngưng khấu hao không phù hợp với chuẩn mực kế toán hiện hành. Nếu Công ty tuân thủ đúng quy định, chi phí khấu hao sẽ tăng, kéo theo lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận chưa phân phối giảm đáng kể. Chính điều này đã khiến báo cáo tài chính hợp nhất bị điều chỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh năm 2024 và dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất – kinh doanh.

AASCS nhấn mạnh rằng vấn đề này không chỉ làm sai lệch chỉ tiêu lợi nhuận mà còn ảnh hưởng đến tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính hợp nhất theo các chuẩn mực và quy định hiện hành.

Một điểm đáng chú ý khác nằm ở khoản phải thu gần 46 tỷ đồng từ ông Nguyễn Văn Hợp – cá nhân có liên quan trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần tại công ty con là Công ty CP CL.

Cụ thể, trong năm 2024, DDG ghi nhận khoản thu từ việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP CL với tổng giá trị lên tới 80,8 tỷ đồng, qua đó làm tăng lợi nhuận trước thuế của năm thêm gần 55,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm toán (cuối tháng 4/2025), Công ty mới chỉ thu về được hơn 34,98 tỷ đồng, trong khi số còn lại ở mức gần 46 tỷ đồng vẫn đang treo nợ, được thể hiện dưới dạng khoản phải thu ngắn hạn trong báo cáo tài chính.

Để đảm bảo cho khoản nợ này, ông Nguyễn Văn Hợp đã thế chấp 2,59 triệu cổ phiếu Công ty CP CL. Tuy vậy, kiểm toán vẫn xem đây là rủi ro lớn về dòng tiền, khi phần thu chưa thực hiện chiếm tỷ trọng lớn và có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính trong kỳ tới.

Hệ số thanh toán xuống thấp, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản: Dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục

Đáng lo ngại hơn, AASCS tiếp tục đưa ra ý kiến nhấn mạnh về rủi ro tài chính khi tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản ngắn hạn của DDG chỉ đạt hơn 202,6 tỷ đồng, trong khi tổng nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã lên đến 320,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong số đó có tới 539 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn bị quá hạn chưa thanh toán – một con số gây áp lực rất lớn đến thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

AASCS cảnh báo rằng hệ số khả năng thanh toán hiện hành đang ở mức thấp đáng báo động, đòi hỏi DDG phải có các giải pháp mạnh mẽ nhằm cơ cấu lại tài chính. Về phía Công ty, DDG cho biết đang trong quá trình đàm phán với các tổ chức tín dụng và trái chủ, đồng thời xem xét phương án tái cơ cấu kỳ hạn nợ, giãn thời gian thanh toán và phát hành trái phiếu mới để đảo nợ.

Với loạt điều chỉnh nêu trên, lợi nhuận sau thuế của DDG đã đảo chiều hoàn toàn. Trong báo cáo tự lập, doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng hơn 15 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán, kết quả cuối cùng là lỗ ròng hơn 63 tỷ đồng – chênh lệch tới gần 78 tỷ đồng.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ddg-gap-rut-dam-phan-gian-no-sau-canh-bao-thanh-khoan-tu-kiem-toan-1379624.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *