Để hạnh phúc người tiêu dùng trở thành thước đo của lợi nhuận doanh nghiệp
Lợi nhuận doanh nghiệp và hạnh phúc người tiêu dùng – hai yếu tố tưởng chừng song hành – lại không phải lúc nào cũng cùng nhịp bước. Vậy, điều gì quyết định sự cân bằng giữa hai giá trị ấy?
Quầy đông lạnh tại một siêu thị ở phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp – Ảnh minh họa
|
Khi lợi nhuận và hạnh phúc cùng hướng
Trong một số ngành, lợi nhuận không chỉ là con số tài chính mà còn là kết quả của sự hài lòng từ khách hàng. Ngành thực phẩm hữu cơ là minh chứng rõ nét. Theo khảo sát của Nielsen, gần 90% người Việt sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm “xanh – sạch”, vì cảm giác “đáng đồng tiền”.
Khảo sát này cũng cho thấy, hiện 24% người tiêu dùng sử dụng thực phẩm hữu cơ mỗi ngày, và phần lớn còn lại cũng duy trì với tần suất đều đặn trong tuần. Chị Lan, một người nội trợ ở Hà Nội, chia sẻ: “Dùng thực phẩm hữu cơ, tôi thấy bữa ăn ngon hơn, sức khỏe gia đình tốt lên, tinh thần cũng nhẹ nhàng hơn”.
Áp lực từ người tiêu dùng ngày càng kỹ tính buộc doanh nghiệp nâng chuẩn và chính đó lại mở ra dư địa tăng trưởng. Một doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn ghi nhận biên lãi gộp quý 1/2025 đạt 46.7%, nhờ tập trung sản phẩm chất lượng cao.
Không chỉ thực phẩm hay tiêu dùng thiết yếu, ngay cả những ngành đậm tính công nghệ như smartphone, viễn thông cũng đang chuyển động theo hướng tương tự. Anh Minh – người tiêu dùng tại TPHCM – cho biết, anh sẵn sàng chi thêm cho chiếc smartphone hiệu năng tốt: “Không chỉ để dùng cho thích, mà còn hỗ trợ công việc, giải trí trọn vẹn hơn”.
Các nhà mạng 5G cũng chuyển từ cạnh tranh giá sang chất lượng phủ sóng và dịch vụ hậu mãi, cho thấy lợi nhuận và trải nghiệm người dùng có thể đồng hành khi doanh nghiệp đặt khách hàng làm trung tâm.
Lợi nhuận đến từ sự hạn chế
Ở chiều ngược lại, không phải lúc nào lợi nhuận cũng là kết quả của việc phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Trong một số ngành, cơ chế thị trường hạn chế lựa chọn và thông tin bất cân xứng khiến người tiêu dùng gần như không có quyền mặc cả.
Ngành sách giáo khoa là một ví dụ điển hình. Với nội dung chuẩn hóa, phụ huynh gần như không có lựa chọn thay thế. Giá sách tăng 3-4 lần từ năm học 2020-2021, doanh thu ngành đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Anh Khánh, phụ huynh tại Bắc Ninh, than thở: “Một bé học lớp 1, phụ huynh thường phải mua 2 bộ sách – 1 để con dùng ở lớp, 1 để ở nhà phụ đạo thêm. Giá sách cao, khổ lại to, nặng, giấy đẹp nhưng đôi khi không thực sự cần thiết”.
Báo cáo tài chính năm 2024 từ một nhà xuất bản lớn cho thấy, doanh thu vượt 3,100 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 400 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay. Nhưng với phụ huynh như anh Nam ở Quảng Ngãi, lại nhìn con số ấy bằng một ánh nhìn khác: “Lợi nhuận lớn chứng tỏ quy mô thị trường, nhưng cũng là áp lực tài chính lớn đối với hàng triệu gia đình, nhất là khi kèm theo sách tham khảo, sách bài tập”.
Ngành điện cũng tương tự. Khi EVN chiếm khoảng 37% tổng công suất nguồn điện của cả nước, người dùng không thể chọn nhà cung cấp khác. Giá điện tăng 4.8% từ tháng 5/2025, mỗi hộ dân phải chi nhiều tiền hơn mỗi tháng. Phần lớn người tiêu dùng chỉ có thể cắt giảm nhu cầu chứ không thể đổi sang một dịch vụ hợp túi tiền hơn.
Anh Nhân, nhân viên văn phòng tại Đà Nẵng, cho rằng: “Ngành điện đúng là đặc thù, nhưng nếu có cơ chế cho tư nhân cạnh tranh, họ có thể mang điện đến tận nhà bằng năng lượng tái tạo và công nghệ lưu trữ mới. Đừng đánh giá thấp sáng tạo của khu vực tư”. Ở một góc nhìn khác, anh Tuân – nhà đầu tư trên thị trường – chia sẻ: “Cạnh tranh là động lực cải tiến. Ngành nào cũng cần cơ chế cho sự so sánh và lựa chọn, vì đó là cách duy nhất để bên cung cố gắng nhiều hơn”.
Lợi nhuận vấp phải tranh cãi xã hội
Một số ngành lại tạo lợi nhuận từ những sản phẩm gây tranh luận xã hội như thuốc lá, bia rượu, game online… đối mặt với lo ngại về sức khỏe cộng đồng và hành vi tiêu dùng.
Một tổng công ty thuốc lá ghi nhận lãi sau thuế hơn 1,500 tỷ đồng trong năm 2024, bình quân 4 tỷ đồng mỗi ngày. Nhưng chị Thu, công nhân may ở Đồng Nai, băn khoăn: “Lợi nhuận này có bù nổi chi phí y tế và sức khỏe cộng đồng không?”. Tuy nhiên, chính sách tăng thuế thuốc lá từ 2,000 đồng lên 10,000 đồng/bao trong 5 năm tới cho thấy nỗ lực điều chỉnh từ áp lực xã hội. Dự báo, sản lượng toàn ngành thuốc lá có thể giảm tới 50% sau năm 2026.
Ngành đồ uống cũng không tránh khỏi áp lực. Việt Nam tiêu thụ 4.4 tỷ lít bia trong năm 2024. Một “ông lớn” trong ngành đạt lợi nhuận 6,500 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn thời điểm trước dịch. Song hành là các chính sách mạnh tay như tăng thuế, xử phạt hành vi có nồng độ cồn khi lái xe . Dù vậy, vẫn có những góc nhìn đa chiều. Anh Bình, nhân viên ngân hàng tại Cần Thơ, cho rằng: “Nếu dùng đúng mực, bia rượu là chất xúc tác xã giao, giúp con người cởi mở, chia sẻ nhiều hơn trong công việc”.
Trong khi đó, chị Bích, kế toán ở Hải Phòng, nhìn câu chuyện từ góc độ pháp lý: “Miễn tuân thủ quy định và đóng thuế đầy đủ, thì doanh nghiệp cũng đã góp phần cho xã hội rồi”. Một nhân viên IT như anh Việt ở TPHCM thì nhấn mạnh yếu tố thị trường: “Có cầu thì sẽ có cung. Nếu không bán ở đây, sẽ có đơn vị khác nhập về”.
Những chia sẻ trên cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng định đoạt được tính chính danh của lợi nhuận mình tạo ra. Trong những ngành nhạy cảm, lợi nhuận không chỉ là kết quả kinh doanh, mà còn là thước đo của sự chấp nhận xã hội – thứ mà không phải lúc nào cũng đến từ báo cáo tài chính.
Tựu trung, lợi nhuận doanh nghiệp và hạnh phúc người tiêu dùng không phải lúc nào cũng song hành. Khi chất lượng và sự minh bạch được đặt lên hàng đầu, cả 2 bên đều có lợi. Nhưng ở những thị trường hạn chế lựa chọn hay gây tranh cãi, khoảng cách giữa 2 giá trị này dễ nới rộng.
Tôn trọng quyền lựa chọn của người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà còn là nền tảng cho một thị trường bền vững, nơi hạnh phúc thực sự bắt nguồn từ sự tự do và tôn trọng.
– 13:26 01/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/de-hanh-phuc-nguoi-tieu-dung-tro-thanh-thuoc-do-cua-loi-nhuan-doanh-nghiep-737-1323355.htm