ĐHCĐ Hoàng Quân (HQC): Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn nói về 5 khó khăn lớn mà Công ty đang đối mặt

Thứ nhất, doanh thu và lợi nhuận Công ty còn thấp. Hiện HQC có nguồn vốn gần 6.000 tỷ đồng, thì lợi nhuận thường kỳ vọng vào khoảng 500 – 600 tỷ đồng. Nhưng 9 năm qua, doanh thu và lợi nhuận đều không đạt kế hoạch, lợi nhuận chỉ khoảng 100 tỷ đồng, rất nhỏ so với kỳ vọng. Doanh thu tối thiểu trong lĩnh vực bất động sản phải đạt 50% vốn điều lệ (tương ứng khoảng 3.000 tỷ đồng), nhưng con số hiện tại thấp hơn. Đây được xem là khó khăn rất lớn.

Thứ hai, giá cổ phiếu đang ở mức thấp, chỉ quanh 3.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác ở mức 20.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này phản ánh sức khỏe nội tại của Công ty. Thách thức lớn là làm thế nào để đưa giá cổ phiếu ít nhất về mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Khó khăn thứ ba là quỹ đất và mục tiêu nhà ở xã hội lớn (NOXH), HQC cam kết với Chính phủ làm 50.000 căn nhà ở xã hội, đã thực hiện 10.000 căn, còn 40.000 căn. Mục tiêu đến 2030 phải hoàn thành số còn lại, tức là 7.000 – 8.000 căn mỗi năm, trong khi yêu cầu phát triển là “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” và tích hợp hệ sinh thái.

“Để làm 40.000 căn, cần 200 ha quỹ đất, nhưng hiện HQC chỉ có 50 ha. Việc chuyển đổi đất thành thủ tục và giấy phép xây dựng cũng là một thách thức”, theo ông Tuấn.

Thứ tư là nguồn vốn đầu tư lớn, với 40.000 căn nhà ở xã hội tương ứng với khoảng 40.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Cần tối thiểu 10.000 tỷ đồng vốn vay trung dài hạn từ ngân hàng. Trong khi ngân hàng chỉ giải ngân khi dự án khả thi và có khả năng hoàn vốn. Thách thức là phải chứng minh được tính khả thi của dự án (quỹ đất, cách làm, hiệu quả, dòng vốn) để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Thách thức thứ năm là về áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn ESG vào dự án. Ông Tuấn cho rằng, áp dụng công nghệ và các tiêu chuẩn quản trị, đặc biệt là ESG vào điều hành và các dự án là một thách thức lớn. Mặc dù có thể tăng giá thành, nhưng HQC bắt buộc phải áp dụng.

Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2025, HQC đưa kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.000 tỷ đồng – mức cao nhất trong vòng 8 năm. Trong đó, khoảng 80% dự kiến đến từ dự án nhà ở xã hội Golden City tại Tây Ninh, phần còn lại đến từ các dự án khu đô thị mới Trà Vinh và HQC Tân Hương ở Tiền Giang. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng – cao nhất trong 1 thập kỷ qua và gấp hơn 2 lần năm 2024.

Giai đoạn năm 2025, HQC và các công ty thành viên thuộc Tập đoàn sẽ tiếp tục cung cấp cho thị trường 5.000 căn NOXH từ các dự án trọng điểm gồm: Golden City (Tây Ninh) với 1.642 căn hộ; 629 căn hộ thuộc dự án HQC Tân Hương (Tiền Giang); Khu đô thị mới Trà Vinh với 1.251 căn nhà phố; và Khu đô thị 13,5 ha Nam Phan Thiết với 955 nhà phố và 261 căn hộ chung cư; Khu NOXH tại Bình Minh (Vĩnh Long) 300 căn nhà phố.

HQC cũng đã chuẩn bị sẵn hơn 100 ha quỹ đất sạch, phân bổ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước trải dài từ Bắc đến Nam.

Ban lãnh đạo HQC xác định, khả năng tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là yếu tố then chốt để bổ sung vốn thi công, thúc đẩy tiến độ dự án nhà ở xã hội.

HQC cho biết, nhận được sự đồng hành từ các ngân hàng uy tín như HDBank, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank góp phần tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho người mua nhà và hỗ trợ nguồn vốn triển khai dự án.

HQC cũng trình phương án phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi 500 tỷ đồng nợ vay, tỷ lệ hoán đổi với 10.000 đồng nợ sẽ đổi thành 1 cổ phiếu phát hành mới. Đối tượng phát hành là các chủ nợ, qua đó nâng vốn điều lệ lên khoảng 6.266 tỷ đồng.

Bên cạnh việc kiên định theo đuổi sứ mệnh phát triển NOXH, HQC còn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn thu thông qua việc hợp tác với các công ty thành viên trong Tập đoàn để phát triển 3 khu công nghiệp trọng điểm gồm Hàm Kiệm I (Bình Thuận), Tuy Phong (Bình Thuận) và Bình Minh (Vĩnh Long). Đồng thời, HQC cũng lên kế hoạch triển khai các dự án nhà ở thương mại tại nhiều tỉnh, thành phố có tiềm năng như Đắk Lắk, Long An, Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long… nhằm tận dụng quỹ đất sẵn có, gia tăng hiệu quả đầu tư và từng bước nâng cao lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp.

ĐHCĐ cũng tiến hành bầu HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025-2030
HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025-2030

Thảo luận tại ĐHCĐ

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT trả lời cổ đông.

Nhìn từ khi thành lập đến nay, vốn điều lệ Công ty tăng hàng chục lần nhưng giá cổ phiếu lại đi ngược, giảm sâu, vì sao?

Đúng là có nghịch lý giữa vốn và giá cổ phiếu, trước tiên phải nói đến yếu tố do tác động thị trường, giai đoạn đầu khi niêm yết, giá cổ phiếu toàn thị trường rất cao, sau đó, xu hướng chung là giảm, HQC cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, HQC theo đuổi chương trình NOXH theo kêu gọi của Chính phủ, lúc đó, HQC đã có một số dự án nhà ở thương mại đã nộp tiền sử dụng đất nhưng cũng xin chuyển qua làm NOXH, như dự án HQC Plaza, dự án tại quận 2… Đặc thù là dự án NOXH có biên lợi nhuận thấp, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Thị trường sau đó ngưng gói 30.000 tỷ đồng cho NOXH, nặng hơn là ảnh hưởng đợt Covid và khủng hoảng năm 2022 khiến thị trường trầm lắng, nhiều DN ngừng sản xuất – kinh doanh, đòn cân nợ căng thẳng – mất thanh khoản, phá sản.

Giá cổ phiếu HQC hiện khoảng hơn 3.000 đồng/cổ phiếu, phản ánh đúng sức khỏe thực tế và giá trị nội tại doanh nghiệp tại thời điểm này.

Với các công ty liên kết, Chủ tịch có cam kết điều hành tốt để không xảy ra rủi ro mất vốn với cổ đông không, các vấn đề công nợ, minh bạch như thế nào?

Đây là vấn đề lớn mà HĐQT thừa nhận và đang tập trung xử lý. Trong gần 6.000 tỷ đồng vốn, khoảng hơn 3.000 tỷ đồng đã đầu tư vào các công ty liên kết. Những khoản đầu tư này trước đây hiệu quả thấp vì chính sách nhà ở xã hội bị gián đoạn. Từ năm 2024, Hoàng Quân mới được ngân hàng đồng tài trợ trở lại và chính sách NƠXH mới được thúc đẩy mạnh qua Nghị quyết và Luật – là tiền đề để Hoàng Quân hồi sinh.

Từ năm 2025, Công ty sẽ thực hiện chiến lược thu hồi lại vốn đầu tư bằng cách đẩy mạnh hợp tác phát triển dự án, thậm chí mua lại quỹ đất/dự án như Đắk Lắk, Cần Thơ…

Nhiều đối tác cho rằng đây là thời của HQC, bởi Chính phủ đang đẩy mạnh Chương trình 1 triệu căn NOXH, trong khi Công ty có bề dày kinh nghiệm, quỹ đất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty cũng thận trọng đánh giá với 5 thách thức nói trên.

Hoàng Quân có chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp (KCN) như thế nào trong bối cảnh dòng vốn FDI đang gia tăng?

Hiện Tập đoàn Hoàng Quân đầu tư vào hai KCN Bình Minh và Hàm Kiệm. Gần đây, Tập đoàn đã mua lại 100% một KCN mới rộng 150 ha tại Bình Thuận, đang cân nhắc đưa về HQC hoặc công ty con phù hợp. Tuy nhiên, việc phát triển KCN thời gian qua gặp khó do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và mức thuế đối ứng 46% Mỹ dự kiến áp với Việt Nam khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam chậm lại.

Hiện Chính phủ đang trong quá trình đàm phán và HQC tin tưởng sẽ đạt được mức thuế chấp nhận được. Ngay cả trong bối cảnh thuế cao, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục là nhà đầu tư lớn vào KCN Việt Nam, vì nhu cầu dịch chuyển sản xuất. HQC đang chờ kết quả đàm phán sắp tới để đưa ra quyết định chiến lược. Nếu KCN mới được triển khai hiệu quả, dự kiến có thể mang lại doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 70 tỷ đồng trong kế hoạch năm nay.

Định hướng phát triển nhà thông minh như thế nào, đặc biệt với nhóm người trẻ – lực lượng chính mua NOXH?

Khoảng 70% khách hàng của HQC là người trẻ (dưới 35 tuổi), nhóm có nhu cầu cao về nhà ở tiện ích, xanh và thông minh. Đây cũng là đối tượng trọng tâm trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội của Công ty. Trong hai năm qua, HQC đã thử nghiệm mô hình nhà ở thông minh và xanh, tuy nhiên chưa thể triển khai đại trà do nhiều yếu tố chưa phù hợp. Dù vậy, từ nhiệm kỳ này đến năm 2030, HQC sẽ tích hợp các tiêu chí “thông minh” và “xanh” theo chuẩn ESG vào sản phẩm NƠXH một cách toàn diện và có hệ thống.

Làm sao Hoàng Quân có thể phát triển bất động sản xanh, bền vững mà vẫn đảm bảo tính cạnh tranh trong bối cảnh chi phí cao?

Phát triển bất động sản xanh và thông minh là xu hướng tất yếu nhưng đi kèm là thách thức về chi phí và tiến độ xây dựng. HQC đang thuê các đơn vị tư vấn quốc tế, để tối ưu thiết kế và đưa ra giải pháp phù hợp cho từng dự án. Quan trọng hơn, áp dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng và quản trị sẽ giúp giảm chi phí, rút ngắn tiến độ, đơn giản hóa thủ tục pháp lý. Nhờ đó, giá thành cuối cùng có thể cạnh tranh, thậm chí thấp hơn sản phẩm truyền thống.

Hoàng Quân định hướng như thế nào trong mảng giáo dục và tài chính, đặc biệt là việc ứng dụng AI?

HQC coi AI (trí tuệ nhân tạo) là công cụ quan trọng trong cả giáo dục và tài chính. Về giáo dục, HQC bắt đầu từ nội bộ, đào tạo nhân viên HQC về ESG, công nghệ thiết kế, quản trị và vận hành. Đây là đào tạo bắt buộc. Trước đây, HQC từng góp vốn vào 3 trường đại học, 1 viện và nhiều trường khác, nhưng hiện nay Công ty ưu tiên hợp tác quốc tế.

Tới nay, HQC đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng vào các công ty thành viên và dự án hợp tác. Tuy nhiên, định hướng đầu tư tài chính một cách bài bản vẫn đang được xây dựng và sẽ trình bày rõ ràng tại đại hội năm 2026. Đặc biệt, với định hướng mở rộng quỹ đất, việc đầu tư tài chính sẽ đi kèm theo mô hình liên kết hoặc cấu trúc vốn phù hợp từng dự án.

HQC có kế hoạch gì để xử lý các công nợ?

Công nợ chủ yếu là các khoản HQC đầu tư vào công ty thành viên để tích lũy quỹ đất. Trước đây chưa thu hồi được do thiếu pháp lý và vốn, nhưng từ 2025 đã có đủ điều kiện để thu hồi. Công ty sẽ đẩy mạnh hợp tác hoặc nắm quyền chi phối (ví dụ: Thành phố Vàng Tây Ninh). Tất cả báo cáo tài chính đều minh bạch, tuân thủ chặt chẽ. Các khoản đầu tư mới sẽ được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Ban Tổng giám đốc nhiều năm không hoàn thành kế hoạch. Liệu năm 2025 có thay đổi nhân sự để đảm bảo hiệu quả?

Ban lãnh đạo hiện tại là “thế hệ vàng” gắn bó hơn 25 năm, đầy quyết tâm và kinh nghiệm. Tuy nhiên, một “thế hệ kim cương” trẻ trung, được đào tạo bài bản cũng đang sẵn sàng kế thừa. Chắc chắn trong năm 2025 sẽ có chuyển giao, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Phong sẽ làm cố vấn để đảm bảo sự kết hợp giữa kinh nghiệm và đổi mới.

Tình hình triển khai dự án 198 ha tại Bình Thuận hợp tác với Hải Phát (HPX) hiện nay như thế nào?

Tại roadshow năm 2018 của Hải Phát, lãnh đạo công ty này cho biết đã hợp tác với Hoàng Quân để thực hiện dự án 198 ha tại Hàm Tiến (Bình Thuận) với tổng mức đầu tư 9.831 tỷ đồng, thời gian hoàn thành từ 2018-2024 và bắt đầu ghi nhận doanh thu từ 2020 với 1.800 tỷ đồng.

Hiện cả Hoàng Quân và Hải Phát đã thống nhất tạm dừng triển khai dự án này. Tuy nhiên, hai bên vẫn giữ liên kết và sẽ tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới trong thời gian tới.

Liên kết giữa HQC và Novaland trong chương trình NOXH đến nay ra sao?

HQC và Novaland đã ký thỏa thuận hợp tác từ năm 2024 để triển khai chương trình 200.000 căn NOXH theo cam kết của Novaland với Chính phủ. Hiện hai bên đang tìm kiếm quỹ đất phù hợp. Đã có thí điểm 10 ha tại Bình Thuận và báo cáo với Đoàn công tác Quốc hội tỉnh Bình Thuận và Bộ Xây dựng.

Khoản đầu tư của HQC vào thị trường Mỹ cụ thể là gì? Có hiệu quả không?

Dự án tại Mỹ là một khu nhà ở trị giá khoảng 50 triệu USD, gồm 198 căn và đã hoàn thành, hiện đang cho thuê. Tuy nhiên, đây là khoản đầu tư bằng vốn cá nhân, không liên quan đến HQC. Hoàng Quân đang được khuyến khích tiếp tục đầu tư tại Mỹ để hỗ trợ cân bằng thương mại giữa hai quốc gia, nhưng sẽ chỉ thực hiện nếu đảm bảo hiệu quả.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dhcd-hoang-quan-hqc-chu-tich-hdqt-truong-anh-tuan-noi-ve-5-kho-khan-lon-ma-cong-ty-dang-doi-mat-post368990.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *