Bài cập nhật
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Phần lớn doanh thu BĐS ghi nhận vào 2026-2027, nhà máy kính hoa siêu trắng ưu tiên xuất sang châu Âu
Loạt nội dung quan trọng gồm kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2025 CTCP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) thông qua vào sáng 19/04 tại Hà Nội.
Sáng ngày 19/04/2025, tính đến 8h56, ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Đạt Phương ghi nhận sự tham gia của 99 cổ đông, đại diện hơn 36.5 triệu cổ phần, tương đương hơn 58% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đủ điều kiện tổ chức.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Đạt Phương diễn ra sáng 19/04 tại Hà Nội – Ảnh: Thế Mạnh
|
Thảo luận
Nhà máy kính hoa siêu trắng có công nghệ và thị trường khác Viglacera
Cập nhật tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn và tình hình triển khai nhà máy kính hoa siêu trắng?
Chủ tịch HĐQT Đạt Phương Lương Minh Tuấn: Tổng mức đầu tư của dự án kính vẫn là 2,000 tỷ đồng. Giai đoạn này tỷ giá có thay đổi với trước đây, nhưng chúng tôi đã có dự phòng. Sau khi đưa vào vận hành, doanh thu kỳ vọng 1,200-1,500 tỷ đồng/năm. Với mức đầu tư trên thời gian hoàn vốn khoảng 5-6 năm. Dự kiến đến hết quý 2/2026 sẽ đưa sản phẩm vào giai đoạn đốt nóng và bắt đầu ghi nhận doanh thu.
Nguyên liệu đầu vào có nguồn cát tại Phong Điền ở nơi đặt nhà máy. Chúng tôi đã mang mẫu đi thử nghiệm tại nhiều nước cho thấy hàm lượng sắt rất thấp, một yếu tố quan trọng cho sản xuất kính siêu trắng. Hiện tại, chúng tôi đã được tỉnh cho phép khai thác chung một mỏ với diện tích hơn 3ha, đủ để sản xuất hơn 15 triệu m2 kính mỗi năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đang đề xuất Chính phủ chỉ định thêm cho chúng tôi một mỏ mới với diện tích khoảng 169ha, đủ đáp ứng nhu cầu trong 30-40 năm tới. Tại khu vực đó, cũng có một đơn vị là Việt Phương đã tuyển được cát để bán, nên nguồn cung rất thuận lợi.
Công nghệ và thị trường của chúng tôi khác với Viglacera. Viglacera làm kính nổi siêu trắng phục vụ xây dựng, còn chúng tôi làm kính hoa siêu trắng cho tấm pin năng lượng. Chúng tôi chọn tập đoàn Khải Thịnh làm đối tác cung cấp dây chuyền. Gần như toàn bộ dây chuyền sản xuất là robot, con người chỉ tham gia ở khâu KCS, đóng gói và một vài công đoạn nhất định. Công nghệ có hệ số bức xạ nhiệt đạt khoảng 94%, tức là cùng một diện tích kính có thể phát năng lượng nhiều hơn đáng kể so với các thế hệ trước.
Chiến lược đầu tư vào nhà máy kính hoa siêu trắng Đạt Phương?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Nhà máy xác định thị trường chính là trong nước và xuất khẩu trọng tâm sang châu Âu. Lý do là nhu cầu về năng lượng ở châu Âu rất lớn, đặc biệt sau cuộc chiến Nga – Ukraina. Bên cạnh đó, châu Âu tiên phong loại bỏ điện than, giảm điện hạt nhân và thúc đẩy năng lượng sạch. Do đó, thị trường kính năng lượng mặt trời trên toàn thế giới rất lớn, tốc độ tăng trưởng hàng năm cao.
Tại Việt Nam, quy hoạch điện VIII và chính sách khuyến khích lắp điện mặt trời mái nhà cũng mở ra dư địa phát triển. Hiện nay, công ty Flat Glass (Hồng Kông, Trung Quốc) chiếm khoảng 35% thị phần cung cấp kính cho các đơn vị sản xuất pin mặt trời trong nước, do đó tiềm năng để các nhà sản xuất mới tham gia thị trường là rất rõ ràng.
Về sản phẩm, nhà máy có khả năng tùy chỉnh một phần hoặc toàn bộ công suất để sản xuất kính xây dựng, kính ô tô. Chúng tôi cũng dự trù phương án sản xuất kính cán siêu trắng tạo hoa văn để phục vụ nội thất như vách kính khách sạn, bởi thị trường này ở Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu sản phẩm.
Đối thủ cạnh tranh lớn nhất hiện nay vẫn là các doanh nghiệp Trung Quốc, chiếm khoảng 90% thị phần kính nói chung và kính năng lượng mặt trời trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi có những lợi thế nhất định. Thứ nhất về nguyên liệu: Việt Nam có nguồn silicat ổn định, chất lượng tốt. Trong khi đó, Trung Quốc phải sử dụng cát biển, mất nhiều công đoạn hoặc nghiền đá thạch anh để sản xuất. Thứ hai về thuế: thuế nhập khẩu kính từ Trung Quốc vào châu Âu hiện là hơn 9%, trong khi từ Việt Nam chỉ khoảng 3%. Riêng chênh lệch thuế suất này đã là một lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Công nghệ không có sự khác biệt lớn giữa hai nước. Tuy nhiên, điểm bất lợi của Việt Nam là giá khí đốt vẫn cao hơn Trung Quốc trong thời gian qua.
Thị trường Mỹ không phải mục tiêu chính, bởi sản lượng của nhà máy so với quy mô nhu cầu châu Âu còn khá nhỏ. Do vậy, các chính sách thuế đối ứng từ Mỹ không phải là yếu tố chúng tôi tập trung đánh giá sâu.
Kế hoạch đầu tư khai thác mỏ và chế biến nguyên liệu?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Chúng tôi sẽ đầu tư nhà máy tuyển rửa khai thác cát làm nguyên liệu cho kính, phần dư sẽ tiếp tục chế biến sâu thành các sản phẩm giá trị cao hơn như bột luyện dùng trong điện tử, hoặc cát mộng nhựa cho ngành cơ khí chính xác. Dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị, dự kiến được phê duyệt trong quý 2 năm nay. Nếu triển khai thuận lợi, có thể mang lại doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm từ phần chế biến. Hình thức đầu tư có thể thông qua các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái của Đạt Phương như Đạt Phương Xuân Trà, hiện đang có tiềm lực để thực hiện các dự án mở rộng.
Ảnh hưởng của chính sách Mỹ – Trung tới mảng kính?
Ông Đỗ Xuân Diện – Thành viên HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán của Đạt Phương: Hiện nay, Trung Quốc không xuất được kính sang Mỹ nên sẽ quay sang các thị trường khác như châu Âu, nơi chúng ta đang xuất khẩu kính. Điều này tạo ra cạnh tranh nhưng cũng là cơ hội nếu sản phẩm của Đạt Phương đủ chất lượng.
Nếu chính sách của Mỹ đi vào chi tiết và có lợi cho hàng hóa sản xuất 100% tại Việt Nam. Kính của Đạt Phương sản xuất toàn bộ tại Việt Nam khi vào Mỹ sẽ không bị áp thuế như hàng Trung Quốc gia công ở Việt Nam. Nếu đáp ứng được tỷ lệ giá trị gia tăng như yêu cầu thì có thể tận dụng được cơ hội lớn từ thị trường Mỹ.
Doanh thu bất động sản (BDS) phần lớn ghi nhận vào năm 2026-2027
Mảng bất động sản của Đạt Phương Hội An năm 2024 lỗ sau thuế 27.4 tỷ đồng. Vậy kế hoạch lãi 52.6 tỷ đồng năm 2025 có cơ sở gì không?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Năm vừa rồi chúng tôi không hoàn thành doanh thu vì không bán được hàng. Hạ tầng đã hoàn thiện, một số căn nhà đã xây xong, nghiệm thu đầy đủ nhưng vướng thủ tục định giá đất nên không đủ điều kiện bán, dẫn đến không có doanh thu và kết quả là lỗ.
Kế hoạch năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành định giá đất và đủ điều kiện bán hàng trong quý 2. Hiện tại, cơ bản ban đầu định giá đã được duyệt, chúng tôi đang đẩy nhanh các bước tiếp theo. Khi đủ điều kiện, chúng tôi có thể bán khoảng một nửa sản phẩm ở giai đoạn đầu. Nhưng doanh thu bất động sản chỉ được ghi nhận khi bàn giao nhà, nên phần lớn sẽ rơi vào năm 2026-2027. Năm nay có thể bắt đầu ghi nhận một phần nếu bán được và bàn giao kịp một số căn.
Kế hoạch bán hàng dự án Casamia Balanca và triển vọng lợi nhuận giai đoạn 2023–2025?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Dự án Casamia Balanca dự kiến bắt đầu bán hàng vào quý 2, mục tiêu bán khoảng 50% lượng sản phẩm trong năm nay. Hiện Công ty chưa phê duyệt giá bán các sản phẩm liền kề và biệt thự.
Thông tin về dự án Thăng Bình, Quảng Nam?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Dự kiến tháng 5, 6 năm nay sẽ hoàn thiện các thủ tục cần thiết để triển khai trở lại. Trước đây, việc thu hồi chủ trương đầu tư là do vướng mắc từ quy định mới liên quan đến chuyển đổi mô hình BT (xây dựng – chuyển giao), khiến hình thức đầu tư không còn phù hợp. Tuy nhiên, tỉnh đã quyết định trả lại dự án cho Đạt Phương tiếp tục thực hiện mà không phải đưa ra đấu thầu lại.
Tác động của sáp nhập đơn vị hành chính đến bất động sản DPG?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Về việc sáp nhập các đơn vị hành chính là vấn đề để nhà đầu tư tự đánh giá. Trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều nhà đầu tư ở đây rất am hiểu. Ví dụ như khi Quảng Nam sáp nhập về Đà Nẵng chẳng hạn, bất động sản lên hay xuống thì các nhà đầu tư đều hiểu rõ.
Xây lắp không còn là nguồn tạo ra lợi nhuận đột biến
Ông đánh giá thế nào về triển vọng ngành xây dựng hạ tầng cầu đường giai đoạn tới và sự chuẩn bị của Đạt Phương để đón đầu cơ hội này?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Giai đoạn 2025-2030 là thời điểm rất tốt với ngành xây dựng hạ tầng cầu đường. Quan điểm phát triển của Chính phủ hiện nay là “hạ tầng đi trước, một bước phát triển”, nên đầu tư công cho lĩnh vực này chắc chắn sẽ rất mạnh mẽ.
Trong một ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro như xây dựng, việc giữ được hiệu quả và lợi nhuận không hề dễ, nhưng chúng tôi đã làm được.
Kế hoạch ký mới hợp đồng và backlog năm 2025 của Đạt Phương ra sao? Xây lắp có còn vai trò chủ lực?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Ngay trong quý 1 năm nay, chúng tôi đã đấu thầu mới và cơ bản hoàn thành kế hoạch với giá trị khoảng 3,000-4,000 tỷ đồng. Khối lượng này đủ để triển khai công việc hiện tại và trong phần còn lại của năm, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều dự án mới.
Về backlog, năm 2023, Công ty đã ghi nhận lượng backlog cao kỷ lục. Tuy nhiên, không có cái gọi là “điểm rơi” lợi nhuận cố định vào một năm cụ thể. Lợi nhuận được ghi nhận theo tiến độ thực hiện hợp đồng, dự án triển khai đến đâu thì ghi nhận doanh thu đến đó. Thời gian thực hiện các hợp đồng hiện nay ngắn hơn trước, đa số kéo dài đến 2023-2024, chỉ một phần nhỏ sang năm 2025, trừ khi gặp vướng mắc về mặt bằng.
Về lĩnh vực xây lắp, vẫn có sự tăng trưởng nhưng biên lợi nhuận không cao như trước do mức độ cạnh tranh gay gắt trong ngành. Vì vậy, xây lắp không còn là nguồn tạo ra lợi nhuận đột biến, mà chỉ ghi nhận lợi nhuận trung bình, phù hợp với thị trường.
Vai trò của Đạt Phương tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Về nhân sự, định hướng và tiếp cận, chúng tôi đã chuẩn bị từ sớm. Tôi cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao là cơ hội lớn, bởi Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng, sản xuất, ngoại trừ một số hạng mục đòi hỏi công nghệ đặc biệt phải chuyển giao từ nước ngoài.
Lý do nào khiến biên lợi nhuận năm 2025 của Đạt Phương Hội An ở mức thấp dù doanh thu tăng?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kế hoạch năm nay của Đạt Phương Hội An đạt 61 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế gần 60 tỷ đồng và sau thuế hơn 52 tỷ đồng. Tuy có vẻ lợi nhuận thấp, chưa đến 10%, nhưng con số này không phản ánh đúng bản chất.
Doanh số năm 2025 chủ yếu đến từ việc ghi nhận các dự án xây nhà đã triển khai từ các năm trước. Trong khi đó, các chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản phát sinh kể cả từ những tồn đọng trước đây vẫn phải tính hết vào năm nay. Nên nếu bán được 2,000-2,500 tỷ đồng sản phẩm, nhưng doanh thu ghi nhận chỉ khoảng 600 tỷ. Biên lợi nhuận đã được tính toán trên cơ sở tổng chi phí vận hành toàn doanh nghiệp, kể cả phần dồn từ các năm trước.
Chủ tịch DPG phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội – Ảnh: Thế Mạnh.
|
Tiến độ phê duyệt giá đất dự án Cồn Tiến hiện ra sao?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: UBND tỉnh Quảng Nam đã khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ việc phê duyệt giá đất cho các giai đoạn còn lại của dự án Cồn Tiến trong vòng 12 tháng trước khi nhập tỉnh. Hiện tại, chúng tôi mới được phê duyệt giá đất cho hai đợt đầu. Phần còn lại đang được đẩy nhanh để có thể kịp tiến độ bán hàng theo kế hoạch năm nay.
Tổng tiền sử dụng đất cần nộp cho toàn bộ diện tích dự án khoảng 10,000 tỷ đồng. Theo Quyết định 68 của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 20/03/2025, giá trị đất đợt 1 là 898 tỷ đồng, đơn giá 9.4 triệu đồng/m2. Trước đó, Quyết định 919 ngày 10/04/2024 định giá đợt 1 là 901 tỷ đồng, đơn giá 9.423 triệu đồng/m2. Chênh lệch này do quy định pháp lý và các chi phí liên quan. Từ 2025, doanh nghiệp sẽ bị tính thêm 5.4% nếu chậm nộp tiền sử dụng đất. Dự kiến, Công ty sẽ phải nộp thêm khoảng 200 tỷ, nâng tổng số lên khoảng 1,100 tỷ đồng.
Tình hình xử lý khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (tỉnh Quảng Nam)?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Theo kiến nghị gửi UBND tỉnh Quảng Nam vào tháng 5/2024, đến thời điểm thu hồi chủ trương đầu tư, Công ty đã rót khoảng 250 tỷ đồng vào dự án, chủ yếu là chi phí tư vấn và giải phóng mặt bằng, hiện được ghi nhận vào hàng tồn kho trên báo cáo tài chính. Dự kiến, trong tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, Đạt Phương sẽ quay trở lại triển khai khu phức hợp đô thị Dốc Dừa – Bình Dương như định hướng ban đầu.
Đánh giá về hợp tác với Tập đoàn Hilton trong dự án khách sạn?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Với doanh nghiệp trong nước, tự vận hành khách sạn là rất khó, nhất là về mặt marketing toàn cầu. Việc hợp tác với Hilton – một trong những tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới giúp Đạt Phương tiếp cận nguồn lực toàn cầu mà nếu làm riêng sẽ không thể có được.
Công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong vận hành và quản lý dự án ra sao?
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu, nhưng cần tiếp cận thực tế, tránh hình thức. Chúng tôi đang bắt đầu với mảng tài chính, thay thế dần các phần mềm cũ. Phần mềm mới là do đội công nghệ của Đạt Phương tự phát triển, chi phí rất ít. Kể cả phần mềm dùng cho việc bỏ phiếu tại Đại hội cũng do nội bộ phát triển, không mua bên ngoài.
Kết thúc đại hội tất cả tờ trình đều được thông qua.
Trước đại hội
Kế hoạch lợi nhuận 2025 tăng 27%, doanh thu kỷ lục
Năm 2025, Đạt Phương đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4,755.5 tỷ đồng và lãi ròng 284.4 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 27% so với thực hiện 2024. Kế hoạch tập trung vào việc hoàn thiện các dự án đang triển khai, đặc biệt là mảng bất động sản. Công ty cũng kỳ vọng bước tiến mới từ dự án nhà máy kính hoa siêu trắng dự kiến hoàn thành năm 2026.
Kế hoạch mảng bất động sản, Đạt Phương sẽ tiếp tục hoàn thiện quyết toán các dự án Khu đô thị Võng Nhi và Đồng Nà. Dự án Cồn Tiến sẽ hoàn tất pháp lý và mở bán 120 căn biệt thự từ cuối quý 2/2025, đặt mục tiêu tiêu thụ 50%. Khách sạn Casamia Hội An sẽ hoàn thành và vận hành từ 2026, trong khi dự án khách sạn Đồng Nà chuẩn bị khởi công cùng năm sau khi ký hợp đồng quản lý với Tập đoàn Hilton. Các dự án khác cũng đang được xúc tiến thủ tục như Cụm công nghiệp Điền Lộc và Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải.
Nhìn lại, Đạt Phương đã có một năm 2024 với nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và việc mở rộng sang lĩnh vực sản xuất kính hoa siêu trắng. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất đạt 3,577.5 tỷ đồng và lãi ròng 223.9 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 10% so với năm trước. Dù chỉ hoàn thành 78% kế hoạch doanh thu và 88% kế hoạch lợi nhuận, Công ty vẫn ghi nhận năm thứ 4 liên tiếp lập kỷ lục mới về doanh thu.
Kết quả kinh doanh 10 năm qua của Đạt Phương |
Điểm nhấn mới trong năm là việc mở rộng sang lĩnh vực sản xuất kính hoa siêu trắng. Đáng chú ý, vào tháng 7/2024, CTCP Kính Đạt Phương đã ký hợp đồng trị giá 45 triệu USD với Tập đoàn Khải Thắng (Trung Quốc) để cung cấp dây chuyền cho nhà máy tại Huế. Giai đoạn đầu công suất 400 tấn/ngày, dự kiến mở rộng lên 1,200 tấn/ngày trong giai đoạn 2.
Cổ tức 10% bằng tiền năm thứ 6 liên tiếp, quay lại phát hành cổ phiếu thưởng
Với kết quả đạt được, HĐQT trình chia cổ tức 2024 bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, tương đương chi 63 tỷ đồng – năm thứ 6 liên tiếp duy trì mức này từ 2019. Phần lớn cổ tức sẽ “chảy” vào nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch HĐQT Lương Minh Tuấn đang nắm giữ 32.58% vốn – tương đương 20.5 tỷ đồng, riêng ông Tuấn trực tiếp sở hữu 15.94%, là cổ đông lớn nhất.
Đáng chú ý, Công ty dự kiến quay lại phát hành cổ phiếu thưởng sau 4 năm gián đoạn. Theo kế hoạch, DPG sẽ phát hành thêm gần 37.8 triệu cp, tỷ lệ 60% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được nhận thêm 60 cp mới). Nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC riêng kiểm toán 2024, thời gian thực hiện trong năm 2025. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ sẽ tăng từ 630 tỷ lên gần 1,008 tỷ đồng.
Đạt Phương từng thưởng cổ phiếu với tỷ lệ cao trong các năm 2017 (153%), 2018 (50%) và 2019 (40%), nhưng ngưng chia thưởng trong 4 năm sau đó (2020-2023).
Tại đại hội, HĐQT cũng sẽ trình bổ sung thêm nhiều ngành nghề kinh doanh mới liên quan đến xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, khai khoáng và công trình công ích…
– 12:00 19/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/dhdcd-dat-phuong-phan-lon-doanh-thu-bds-ghi-nhan-vao-2026-2027-nha-may-kinh-hoa-sieu-trang-uu-tien-xuat-sang-chau-au-737-1298024.htm