ĐHĐCĐ PGBank: Mục tiêu lợi nhuận 2025 tăng 135%, tăng vốn lên 10,000 tỷ đồng

ĐHĐCĐ PGBank: Mục tiêu lợi nhuận 2025 tăng 135%, tăng vốn lên 10,000 tỷ đồng

Sáng ngày 24/04/2025, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, UPCoM: PGB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vố điều lệ, bầu mới HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025-2030.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của PGBank được tổ chức sáng ngày 24/04/2025 tại Hà Nội.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2025 tăng 135%

 

PGBank đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng tài sản tăng gần 25%, đạt 91,226 tỷ đồng. Huy động vốn tăng gần 18% lên 78,449 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng hơn 17% lên 48,653 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1,001 tỷ đồng, gấp gần 2.4 lần kết quả 2024.

Ông Nguyễn Văn Hương – Tổng Giám đốc PGBank chia sẻ thêm, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh 2025, bản thân nội tại các khối phòng ban, cán bộ nhân viên và Ban lãnh đạo đã có sự thảo luận và đánh giá các cơ hội, thách thức và tiềm năng có thể đạt được.

Đầu tiên, về tăng trưởng quy mô, PGBank cần tăng trưởng quy mô ngay từ đầu năm bởi vì quy mô tài sản sinh lời tăng càng sớm thì mức độ tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận sẽ nhanh hơn thay vì tăng vào cuối năm.

Thứ hai là mảng thu ngoài lãi, nếu khai thác tốt thì không có giới hạn nào cho mảng doanh thu này như: Hoạt động ngoại hối, dịch vụ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh và các dịch vụ khác. PGBank hiện rất tiềm năng trong mảng này khi đã mở ra 91 điểm giao dịch trên 19 tỉnh thành của cả nước. Đây là động lực đế PGBank có thể đạt được con số tham vọng cho doanh thu.

Trên cơ sở tăng doanh thu từ tổng tài sản tăng thêm và các hoạt động thu phí, PGBank đặt mục tiêu tăng 45% doanh thu thuần năm 2025.

Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ tinh giản quy trình, lược bớt các khâu trung gian, tối ưu hoạt động,  tăng năng suất lao động của các khâu vận hành hoạt động kinh doanh, từ đó đưa tỷ lệ CAR xuống, từ đó tạo ra lợi nhuận. 

Cuối cùng, PGBank phải sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng nợ như năm 2024 vừa qua. Năm 2025, Ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản nợ lớn, tồn đọng lâu năm, tổng thu dự kiến là 1,445 tỷ đồng.

Như vậy, Ngân hàng hoàn toàn tự tin về mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1,000 tỷ năm 2025. 

Chia cổ tức cổ phiếu 10%, tăng vốn lên 10,000 tỷ đồng

Năm 2024, PGBank có hơn 425 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế và trích lập các quỹ, Ngân hàng có gần 578 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, PGBank dự kiến dùng 500 tỷ đồng để chia cổ tức và còn lại gần 78 tỷ đồng sau khi chia.

Hiện, vốn điều lệ tính đến 31/12/2024 của PGBank là 4,200 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ thực hiện tiếp phương án tăng vốn thêm 800 tỷ đồng chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ 2024 thông qua. Sau khi thực hiện xong, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 4,200 tỷ đồng lên 5,000 tỷ đồng.

Năm 2025, PGBank dự kiến phát hành thêm 50 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 10% để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Nguồn phát hành từ lợi nhuận chưa phân phối theo BCTC 2024.

Đồng thời, PGBank cũng chào bán thêm 450 triệu cp ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ chào bán 9:11, tỷ lệ thực hiện quyền 11:9 (1 cp được hưởng 1 quyền mua, 11 quyền mua được mua 1 cp mới) với giá bán là 10,000 đồng/cp. Cổ phiếu chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện cả 2 phương án trong năm 2025.

Nếu phát hành thành công cả 2 phương án, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng lên mức 10,000 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm sẽ được dùng để cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Nguồn: VietstockFinance

Chia sẻ thêm về lộ trình tăng vốn, ông Đào Phong Trúc Đại – Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, với lộ trình đến năm 2030 tăng vốn điều lệ lên 20,000 tỷ đồng, PGBank không có một giới hạn nào trong việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông nước ngoài.

PGBank cũng đang tìm kiếm các cổ đông chiến lược có chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Ngân hàng. Đương nhiên, việc tăng vốn cũng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Người mới Tập đoàn Thành công vào HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030

Danh sách thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025-2030 của PGBank

ĐHĐCĐ cũng đã bầu ra HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025-2030. Theo danh sách mới công bố, HĐQT PGBank gồm 5 thành viên: Bà Cao Thị Thúy Nga, ông Nguyễn Văn Hương, ông Vương Phúc Chính, ông Đinh Thành Nghiệp và ông Nguyễn Văn Tý (độc lập).

Có thể thấy trong HĐQT mới này còn giữ 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính và bà Cao Thị Thúy Nga nhưng không có tên của Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng và Phó chủ tịch Đào Phong Trúc Đại.

Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng và Phó Chủ tịch Đào Phong Trúc Đại đều vừa giữ vị trí từ sau ĐHĐCĐ bất thường tháng 10/2023.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tý sinh năm 1957. Ông từng giữ chức Trưởng BKS CTCP Đầu tư PV-INconess và hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Mai Động và Chuyên viên đầu tư CTCP Tập đoàn Thành Công.

Ông Nguyễn Văn Hương sinh năm 1980, có nhiều năm đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao tại nhiều ngân hàng, từ tháng 9/2024 đến nay giữ chức vụ Tổng Giám đốc PGBank.

BKS nhiệm kỳ mới gồm 4 thành viên: Ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Đinh Thuỵ Trâm và bà Hạ Hồng Mai. Trong đó, 3 thành viên cũ và bổ sung thêm bà Đinh Thuỵ Trâm – Phó Trưởng Kiểm toán nội bộ của PGBank.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Cát Lam

FILI

– 17:05 24/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/dhdcd-pgbank-muc-tieu-loi-nhuan-2025-tang-135-tang-von-len-10000-ty-dong-737-1300804.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *