ĐHĐCĐ Vietbank: Niêm yết trễ nhất vào 2026

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Vietbank: Niêm yết trễ nhất vào 2026

Sáng ngày 26/04/2025, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên nhằm trình kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ và niêm yết cổ phiếu.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vietbank được tổ chức sáng ngày 26/04/2025 (Ảnh chụp màn hình)

Thảo luận:

Ngân hàng cho biết kế hoạch và mục tiêu cụ thể đưa cổ phiếu VBB niêm yết tại sàn HOSE?

Ông Nguyễn Hữu Trung: ĐHĐCĐ năm trước đã cho phép HĐQT thực thi việc niêm yết cổ phiếu VBB trên HOSE tại thời điểm thị trường thuận lợi. Đối với các điều kiện niêm yết trên sàn HOSE, Vietbank đã đáp ứng đầy đủ theo luật dựa trên kết quả kinh doanh, chỉ số tài chính, quản trị điều hành.

Tuy nhiên, năm 2024 bối cảnh thị trường và môi trường kinh tế chưa thuận lợi. Khi đưa cổ phiếu lên niêm yết phải muốn tối ưu hóa giá trị cổ phiếu, cần làm sao niêm yết vào thời điểm có lợi cho cổ đông và ngân hàng. Theo đó, vietbank chậm lại một bước, tiếp tục xem xét trong năm 2025 hoặc trễ nhất vào 2026.

Chiến tranh thương mại và thuế quan đã làm đảo lộn thị trường chứng khoán, Ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi và đưa cổ phiếu VBB lên sàn HOSE vào thời điểm phù hợp nhất. Vì vậy trong tờ trình cũng đã trình cổ đông. Trong bối cảnh này, tiếp tục tập trung phát triển kinh doanh, củng cố giá trị ngân hàng, để khi lên sàn sẽ tối ưu hóa giá trị cổ phiếu, mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông. 

Tỷ lệ an toàn vốn là chỉ tiêu quan trọng trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động, hệ số CAR của Ngân hàng là bao nhiêu, Ban lãnh đạo đánh giá thế nào trong điều kiện nhiều ngân hàng khác tăng vốn?

Ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Chủ tịch HĐQT: Hệ số CAR là mục tiêu then chốt trong bối cảnh yêu cầu quản trị rủi ro ngày càng khắt khe. Đây là yếu tố bắt buộc về mặt tuân thủ mà còn là lợi thế cạnh tranh. Tính đến cuối năm 2024, CAR của Vietbank là 11.73%, cải thiện rõ rệt so với năm 2023. Đây là mức ổn định, phản ánh Ngân hàng từng bước nâng cao năng lực tài chính và ứng phó tốt với rủi ro.

Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng vốn chủ động trong năm 2025, tận dụng lợi nhuận giữ lại từ kinh doanh để tái đầu tư, trình thông qua phương án để tạo nền tảng tài chính, triển khai các chiến lược trong trung dài hạn.

Năm 2024 tăng trưởng tín dụng 16% vượt xa mức tăng tiền gửi 5%, chiến lược huy động tiền gửi trong 2025 là gì để đảm bảo hiệu quả chi phí vốn?

Bà Trần Tuấn Anh: Mục tiêu tăng huy động vốn quan trọng trong các TCTD trong giai đoạn hiện nay để tăng trưởng quy mô và đáp ứng tăng trưởng dư nợ.

Ngân hàng tập trung phân khúc khách hàng vừa và nhỏ (SME), huy động số tiền nhanh và lớn, tối ưu hóa cơ cấu nguồn vốn. Đầu năm, xây dựng lại chương trình thu hút khách hàng, tăng 85% so với năm 2024. Đây là mục tiêu phát triển khách hàng để mang thêm nguồn tiền gửi về, làm sao tăng trưởng CASA. Mục tiêu này được đặt ra để hỗ trợ tăng trưởng dư nợ 20%.

Đối với kênh truyền thống, tiếp tục đa dạng hóa tiền gửi tại quầy, nâng cao chất lượng, đơn giản hóa thủ tục trình tự. Song song đó, ưu tiên kênh công nghệ số, giúp tiết giảm chi phí. Năm nay tiếp tục đầu tư app bán lẻ để thu hút nguồn vốn.

Để đảm bảo kế hoạch huy động, Vietbank tiếp tục liên kết với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, làm sao thu hút nguồn vốn giá rẻ. Mặt khác, phát hành giấy tờ có giá kỳ hạn dài, giúp tiết giảm chi phí và nâng quy mô tổng tài sản.

Ngân hàng tiếp tục rà soát lại mạng lưới hoạt động, phân bổ lại các đơn vị về địa phương chưa có điểm hoạt động sau khi sắp xếp, bố trí lại các tỉnh, thành. Với sự phát triển mạng lưới và phân bổ lại, giúp Ngân hàng thu hút thêm tiền gửi tại các địa phương trước đây chưa có mặt.

Quý 1, Vietbank đã huy động khởi sắc hơn, tăng huy động đạt 9.6% và đạt hơn 50% kế hoạch huy động năm 2025.

Vietbank đã tăng vốn thành công lên 7,139 tỷ đồng trong 2024 và có kế hoạch tăng tiếp trong năm 2025 lên 11,000 tỷ đồng. Tăng vốn sẽ hỗ trợ ra sao cho tăng trưởng tín dụng?

Ông Dương Nhất Nguyên – Chủ tịch HĐQT: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% với điều kiện NHNN cho phép room tăng trưởng, sẽ là mục tiêu và kế hoạch mà HĐQT đặt ra tăng trưởng về quy mô và phát triển kinh doanh.

Tăng vốn trong năm 2025 sẽ giúp cho Vietbank cải thiện hệ số CAR khoảng 13%, theo đó nâng cao khả năng huy động vốn mà mở rộng danh mục tín dụng cho năm 2025 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, giúp Vietbank nâng xếp hạng tín nhiệm theo chuẩn mực quốc tế. Thêm nữa, tăng vốn cũng là điều kiện cần thiết để mở rộng mạng lưới, chi nhánh và tiếp cận khách hàng. Ngân hàng cũng có thêm nguồn lực để đầu tư chuyển đổi số, quản trị rủi ro, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, tối ưu hóa vốn nhưng vẫn phải đảm bảo thanh khoản của Ngân hàng.

Lợi nhuận để lại của năm 2024 cũng sẽ là cấu phần quan trọng nguồn lực tăng vốn trong năm nay.

Ngân hàng đã đạt tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2024, ban lãnh đạo làm rõ hơn động lực chính tăng trưởng lợi nhuận tham vọng 55% cho năm 2025?

Bà Trần Tuấn Anh – Tổng Giám đốc: Với kết quả năm 2024 lần đầu tiên đạt mốc lợi nhuận 1,131 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2023. Đây là nỗ lực của cả tập thể Vietbank.

Ban điều hành cũng rất áp lực khi xây dựng mục tiêu lợi nhuận tăng 55% cho năm 2025. Mục tiêu này đã xây dựng dựa trên dự báo kinh tế khởi sắc. Tuy nhiên, quý vừa qua đã có chiến tranh thương mại xảy ra và áp thuế, đây là khó khăn thách thức còn chờ đợi đàm phán thuế quan như thế nào.

Từ khó khăn đó, đây cũng là áp lực với ban điều hành khi đặt mục tiêu tăng 55%. Năm nay, Vietbank quyết tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng này. Với tốc độ tăng trưởng dư nợ, yêu cầu tăng từ đầu năm, tăng khoảng 20%, và còn phụ thuộc vào NHNN, đóng góp tăng thu nhập lãi thuần trong giai đoạn năm nay.

Vietbank cũng đã rà soát tăng hệ số sinh lời/tổng tài sản và cơ cấu lại danh mục, làm sao để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển trong giai đoạn tới cũng tập trung vận hành, kiện toàn bộ máy. Được sự chấp thuận HĐQT, ngân hàng mở rộng kênh phân phối từ hội sở đến trung tâm kinh doanh, thúc đẩy bán hàng. Đây là mục tiêu để đạt kế hoạch lợi nhuận.

Song song đó, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trong hoạt động. Bên cạnh kênh truyền thống tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, còn nâng cao hình ảnh.

Chỉ tiêu thu nhập ngoài lãi cũng được đặt ra tăng trường, bán chéo sản phẩm để đảm bảo mục tiêu. Đồng thời tiết giảm các chi phí không cần thiết, đầu tư vào công nghệ, đơn giản hóa thủ tục để tối ưu hóa chi phí. Trên cơ sở đó, ngoài tăng trưởng quy mô kinh doanh, cũng cơ cấu lại tài sản có sinh lời, kiện toàn bộ máy, còn phải kiểm soát chất lượng nợ quá hạn. Tập trung xử lý nợ xấu để tối ưu hóa hoạt động.

NHNN cũng đã có kiến nghị luật hóa Nghị quyết 42, tạo tiền đề cho TCTD xử lý nợ.

Mục tiêu lợi nhuận tăng 55%

Năm 2025, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục, tuy nhiên sự gia tăng các hoạt động điều chỉnh thuế quan từ các quốc gia sẽ tạo nên sự không đồng đều trong lợi thế cạnh tranh. Nền kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tốt trong năm 2025 với tỷ lệ tăng trưởng GDP kỳ vọng ở mức 6.5-7%.

Chính sách thương mại và xu hướng giảm của lãi suất toàn cầu tạo nên dư địa lớn để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách theo hướng tiếp tục nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tín dụng cho các đơn vị của nền kinh tế. Các tiêu chuẩn về quản lý tiếp tục được nâng cao nhằm điều tiết theo hướng giảm thiểu rủi ro, ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.

Tỷ giá USD/VND dự báo ít biến động trong năm 2025 và sẽ được điều tiết chủ động theo tình hình kinh tế vĩ mô. Quý 4/2024, mặt bằng lãi suất huy động VND đã thấp hơn các năm trước. Lãi suất cho vay điều chỉnh giảm và có độ trễ so với lãi suất huy động. Dự báo trong năm 2025, lãi suất huy động VND và lãi suất cho vay sẽ theo xu hướng giảm nhẹ và ổn định, qua đó biên lợi nhuận của các Ngân hàng sẽ không có nhiều biến động bất thường.

Theo đó, Vietbank đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 180,000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tổng huy động bao gồm giấy tờ có giá đạt 132,000 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ đạt 112,000 tỷ đồng, tăng 20%. Tỷ lệ nợ xấu (theo Thông tư 31/NHNN) kiểm soát dưới 2.5%.

Ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1,750 tỷ đồng, tăng 55% so với kết quả 2024.

Tăng vốn điều lệ lên 10,920 tỷ đồng qua 2 đợt  

Trong năm 2024, Vietbank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 4,777 tỷ đồng lên 7,139 tỷ đồng. Năm 2024, Vietbank có hơn 1,131 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, Ngân hàng còn gần 824 tỷ đồng lợi nhuận chưa phối dùng để tăng vốn điều lệ.

Năm 2025, Vietbank dự kiến tăng thêm 3,780 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Đợt 1, Vietbank dự kiến phát hành hơn 107 triệu cp (tỷ lệ 15%) cho cổ đông hiện hữu, với mệnh giá 10,000 đồng/cp. Nguồn thực hiện từ vốn chủ sở hữu (lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2024).

Số cổ phần phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 2-3/2025.

Tổng mệnh giá phát hành 1,071 tỷ đồng, vốn điều lệ của Ngân hàng sau đợt 1 sẽ tăng lên 8,210 tỷ đồng.

Đợt 2, Vietbank dự kiến phát hành thêm gần 271 triệu cp (tỷ lệ 33% so với vốn điều lệ đã tăng sau đợt 1) cho cổ đông hiện hữu (bao gồm cổ đông góp vốn mới). Với giá phát hành 10,000/cp, tổng giá trị cổ phiếu phát hành đợt 2 hơn 2,709 tỷ đồng.

Số cổ phần phát hành trong đợt này cũng không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 3-4/2025.

Nếu phát hành thành công cả 2 đợt, vốn điều lệ của Vietbank có thể tăng từ 7,139 tỷ đồng lên gần 10,920 tỷ đồng.

Nguồn: ViestockFinance

Toàn bộ vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sử dụng cho đầu tư tài sản cố định, hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, phát triển mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động, sinh lợi cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.

Có thể niêm yết vào năm 2025 hoặc 2026

ĐHĐCĐ thường niên 2024 đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu Vietbank (VBB) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) khi thời điểm thị trường thuận lợi.

Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, 2023 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Vietbank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành để thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, năm 2024, bối cảnh thị trường và môi trường kinh tế chưa thuận lợi. Thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ lạm phát, chính sách lãi suất và diễn biến kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, làm gia tăng rủi ro khi niêm yết. Do đó, Ngân hàng sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp hơn, có thể vào năm 2025 hoặc 2026, nhằm đảm bảo mức định giá cổ phiếu tối ưu khi lên sàn.

Đại hội lần này, Vietbank cũng trình Phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm tại Ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng ban hành ngày 18/01/2024.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Cát Lam

FILI

– 11:07 26/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/dhdcd-vietbank-niem-yet-tre-nhat-vao-2026-737-1300066.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *