ĐHĐCĐ Vinaseed (NSC): Lãi quý I ước đạt 49 tỷ đồng, tập trung xuất khẩu vào phân khúc thị trường cao cấp

Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh, đây là một mục tiêu rất thách thức nếu xét trong bối cảnh kết quả kinh doanh 3 năm gần đây, dù doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận gần như đi ngang.

Trong đó, riêng quý I/2025, Vinaseed ước doanh thu đạt 380 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 49 tỷ đồng, tăng khoảng 6 – 7% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay, ban lãnh đạo Vinaseed sẽ tái cấu trúc các mảng hoạt động, tập trung cho R&D và thúc đẩy quan hệ quốc tế để Công ty có sản phẩm tốt đưa ra thị trường. Về chi phí, Công ty sẽ tiến hành soát xét các chi phí như vận tải, bao bì để tận dụng các ưu thế và dựa vào các đầu mối trong Tập đoàn PAN (công ty mẹ) để tiết giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh… và áp dụng thêm nhiều biện pháp khác.

Hiện Vinaseed đã xuất khẩu sang 15 thị trường, bao gồm Úc và nhiều nước châu Âu. Một cổ đông đặt vấn đề, thị trường châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được hiệu quả do phụ thuộc nhiều vào các kênh trung gian. Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào tháng 7/2023, thị trường này rơi vào tình trạng khan hiếm và giá gạo Việt Nam đã tăng. Cổ đông đề xuất rằng, với lợi thế chủ động sản xuất giống, Công ty có thể xem xét xây dựng chuỗi giá trị tại thị trường châu Phi khi các chính phủ châu Phi cũng đang thúc đẩy chiến lược phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực.

Bà My chia sẻ, Vinaseed hiện tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp, trong khi thị trường châu Phi chủ yếu nhập khẩu gạo với giá rất rẻ. Định hướng của Tập đoàn PAN và Vinaseed là theo đuổi phân khúc sản phẩm cao cấp với chất lượng luôn được ưu tiên hàng đầu nhằm mục tiêu chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. HĐQT đang tích cực tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, tận dụng lợi thế từ năng lực chọn tạo giống đến khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng.

“Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ngoài thị trường xuất khẩu, thì thị trường nội địa vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Trong khi đó, Thái Lan đang chiếm lĩnh tới 60–70% thị phần gạo đóng gói, do vậy Vinaseed xác định sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ không chỉ thị trường nội địa mà cả các thị trường quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị thương hiệu”, bà My cho biết.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN cho biết, trong bối cảnh hiện tại, Vinaseed cần vừa duy trì doanh thu ổn định, vừa đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận thông qua việc cắt giảm chi phí không hợp lý, tái cấu trúc nhân sự và nâng cao tính đồng bộ, liên kết giữa các bộ phận. Đồng thời, tập trung vào các nền tảng cốt lõi và lựa chọn đúng người – đúng việc sẽ là chìa khóa để Vinaseed hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược một cách hiệu quả và bền vững.

Tại đại hội, cổ đông đặt ra câu hỏi với ban chủ toạ rằng Vinaseed học được bài học gì về thất bại của doanh nghiệp gạo khác trên thị trường?

Bà My giải đáp, việc thắng thua trên thương trường là chuyện bình thường và việc đó không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của Vinaseed. Công ty luôn tập trung vào làm tốt việc của mình đó là mang đến sản phẩm tốt nhất cho bà con nông dân Việt Nam.

Theo bà My, về ngắn hạn, khó khăn của đối thủ cạnh tranh có thể giúp Vinaseed được hưởng lợi phần nào, tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành nông nghiệp Việt Nam muốn vươn mình cần thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, làm ăn bài bản và song song với cạnh tranh lành mạnh là sự hợp tác để cùng nhau phát triển và vươn ra biển lớn.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Vinaseed đã thông qua cổ tức năm 2024 tỷ lệ 40% bằng tiền. Năm 2025, Tập đoàn dự kiến sẽ chia cổ tức tỷ lệ 30 – 40%.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dhdcd-vinaseed-nsc-lai-quy-i-uoc-dat-49-ty-dong-tap-trung-xuat-khau-vao-phan-khuc-thi-truong-cao-cap-post367674.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *