ĐHĐCĐ VNSTEEL: Áp lực dư cung ở thị trường nội địa là có
Trong bối cảnh thị trường thép dự báo tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSTEEL, UPCoM: TVN) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng 28/04 tại Hà Nội. Đại hội dự kiến thông qua kế hoạch kinh doanh giảm sút, đề xuất tiếp tục không chia cổ tức, chiến lược phát triển đến 2030 và tầm nhìn 2035, cùng bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Tính tới 8h15 ngày 28/04/2025, tổng số đại biểu tham dự là 46 cổ đông và người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông, sở hữu và đại diện cho tổng số 638.3 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 94.1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Tổng công ty. Như vậy, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VNSTEEL đủ điều kiện tiến hành.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VNSTEEL diễn ra sáng 28/04 tại Hà Nội – Ảnh: Thế Mạnh
|
Thảo luận:
Ông có thể chia sẻ về tình hình nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 3 tháng gần đây sau khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời? Trung Quốc có động thái né tránh thuế như thế nào, và VNSTEEL, cũng như các cơ quan chức năng, đang ứng phó ra sao?
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa: Như quý vị đã biết, ngày 14/02 vừa rồi, trước tình trạng lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam rất lớn – năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 11 triệu tấn thép từ Trung Quốc, trong đó riêng thép cuộn cán nóng (HRC) chiếm đến 7 triệu tấn, tương đương khoảng 67% lượng nhập khẩu từ nước này.
Trước thực trạng đó, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra và sau đó áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời, dao động từ 19.38% đến 27.85% đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu sau khi áp thuế, chúng tôi quan sát thấy có hiện tượng Trung Quốc tìm cách né tránh. Cụ thể, họ dự kiến chuyển sang xuất khẩu những loại thép có khổ rộng hơn – thay vì cuộn phổ biến khoảng 1,800mm trước đây, nay họ dịch chuyển sang loại trên 2,000mm. Lý do là ở Việt Nam hiện chưa có nhà sản xuất nào làm ra thép cuộn cán nóng với khổ rộng như vậy, mà phổ biến chỉ sản xuất khổ từ 1,650mm đến 1,800mm.
Chính vì vậy, hiện nay các đơn vị trong hệ thống VNSTEEL đang phối hợp thu thập chứng cứ để báo cáo lên Cục Phòng vệ Thương mại nhằm ngăn chặn tình trạng lẩn tránh thuế này.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng không ngồi yên. Các hiệp hội thép Trung Quốc đã thuê luật sư phản bác lại, cho rằng việc thay đổi chủng loại thép là hợp lệ, không phải hành vi lẩn tránh thuế.
Bên cạnh đó, cũng xin thẳng thắn rằng, nếu Trung Quốc kết hợp thêm nhiều yếu tố kỹ thuật để thay đổi mã HS, hợp thức hóa giấy tờ thì việc kiểm soát sẽ càng khó khăn hơn. Thương mại quốc tế hiện nay biến động phức tạp, lượng hàng hóa lưu chuyển rất lớn, nên không thể lơ là.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, siết chặt giám sát từ khâu giao nhận thương mại cho đến khâu áp dụng biện pháp phòng vệ.
Bản thân chúng ta cũng phải sẵn sàng. Việt Nam không thể thụ động, mà phải chủ động phòng vệ, mở rộng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước, chống nguy cơ gian lận thương mại, chống việc thép nước ngoài đội lốt Việt Nam để né thuế.
Tôi tin rằng, trong những năm qua, Cục Phòng vệ Thương mại đã có sự trưởng thành vượt bậc. Hy vọng rằng, nhờ các biện pháp đồng bộ, chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn để bảo vệ sản xuất nội địa trước áp lực cạnh tranh không lành mạnh.
Nguy cơ hủy niêm yết là hiện hữu
VNSTEEL đã điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 thêm 100 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu. Những yếu tố nào giúp công ty kỳ vọng đạt được mức tăng lợi nhuận này?
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa: Chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm nay của chúng tôi có mức tăng khoảng 100 tỷ đồng so với trước, từ khoảng 180 tỷ đồng lên 280 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc đặt ra mục tiêu như vậy thể hiện quyết tâm rất lớn của Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên, rất mong nhận được sự ủng hộ của quý cổ đông.
Để thực hiện được mục tiêu này, tôi xin chia sẻ bốn giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các đơn vị, cả công ty con và công ty liên kết, tập trung nguồn lực vào các đơn vị có hiệu quả, nhằm tăng lợi nhuận cho toàn hệ thống.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý các khoản lỗ lũy kế còn tồn đọng, trong đó có việc đưa vào vận hành các dự án nhà máy mới, giúp tăng thêm nguồn thu.
Thứ ba, các đơn vị phải thực hiện chương trình tiết giảm chi phí, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Thứ tư, mặc dù thị trường hiện nay rất khó khăn, chúng tôi xác định phải chấp nhận theo cơ chế giá thị trường, nhưng cũng chủ động tìm mọi giải pháp nâng cao sản lượng tiêu thụ.
Nhờ đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ được cải thiện, dù biết rằng áp lực thị trường là rất lớn.
Vì sao BCTC của VNSTEEL năm nay tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ và bị đưa vào diện cảnh báo trên sàn chứng khoán? Kế hoạch khắc phục tình trạng này ra sao? Công ty có lộ trình nào hướng tới việc chuyển sàn niêm yết trong tương lai hay không?
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa: Tôi xin giải thích lý do vì sao BCTC năm nay tiếp tục có ý kiến ngoại trừ. Có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, liên quan đến công tác quyết toán cổ phần hóa. Công tác quyết toán cổ phần hóa của Tổng công ty đã kéo dài từ năm 2011 đến nay, tức là đã hơn 14 năm. Bộ Công Thương hiện vẫn đang chủ trì xử lý, và chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn tất theo chỉ đạo. Nếu giải quyết xong, chúng tôi sẽ loại trừ được ý kiến ngoại trừ này.
Thứ hai, liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Hiện nay, việc xử lý dự án này đang được Chính phủ xem xét. Vì số liệu tài chính liên quan đến dự án chưa thể xác định dứt điểm nên kiểm toán viên buộc phải đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Như vậy, tổng cộng có hai lý do dẫn tới việc BCTC bị ngoại trừ. Chúng tôi đang tập trung giải quyết dứt điểm hai vấn đề này trong năm nay. Nếu thành công, những ý kiến ngoại trừ sẽ được loại bỏ và tình trạng bị đưa vào diện cảnh báo sẽ chấm dứt.
Ông Lê Song Lai – Chủ tịch HĐQT VNSTEEL: Hiện tại tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VNSTEEL vẫn còn rất cao, khoảng 94%. Theo quy định mới, công ty đại chúng niêm yết phải có tối thiểu 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chiến lược, nắm giữ tối thiểu 10% vốn điều lệ. Nếu không đáp ứng, sẽ bị hủy tư cách công ty niêm yết.
Hiện nay, chúng tôi đã nhận được cảnh báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) về khả năng bị xem xét hủy niêm yết bắt buộc. Để duy trì tư cách niêm yết, chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để xin chỉ đạo phương án xử lý. Nếu đến hết ngày 31/12/2025, tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn chưa giảm, thì nguy cơ hủy niêm yết sẽ trở thành hiện thực. Chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để duy trì tư cách niêm yết.
Dự kiến giảm lỗ 100 tỷ đồng ở các công ty con
Vừa rồi Tổng Giám đốc có chia sẻ về việc cắt giảm lỗ ở một số công ty con. Xin ông cho biết chiến lược cụ thể trong bối cảnh thị trường thép còn nhiều khó khăn như hiện nay?
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa: Liên quan đến câu hỏi về việc cắt giảm lỗ, hiện nay trong tổng công ty, chúng tôi còn một số khoản lỗ lớn tại một số đơn vị thành viên. Đáng chú ý nhất là Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung. Đây là một công ty nằm trong 112 dự án tồn đọng của Bộ Công Thương. Năm ngoái, Chính phủ đã có quyết định chuyển chủ đầu tư dự án ra ngoài VNSTEEL, tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của công ty này đã kéo dài suốt 3 năm, gây ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh hợp nhất của tổng công ty.
Chúng tôi đã trích lập toàn bộ dự phòng cho khoản này, nhưng mục tiêu bây giờ là tập trung khôi phục lại sản xuất, ổn định tình hình. Hôm qua, công ty đã chính thức tái khởi động sản xuất, bắt đầu nỗ lực từng bước để giảm số lỗ tồn đọng. Kế hoạch năm nay, dự kiến sẽ giảm lỗ khoảng 100 tỷ đồng, góp phần cải thiện đáng kể kết quả tài chính của tổng công ty.
Đơn vị thứ hai là CTCP Thép Việt Ý (VISCO), nơi VNSTEEL nắm giữ 40% vốn. Hai năm trước, khoản lỗ tại đây còn rất lớn, nhưng sang năm 2023 đã giảm xuống còn hơn 30 tỷ đồng, và năm 2024 dự kiến tiếp tục giảm mạnh, phấn đấu chỉ còn lỗ khoảng 30 tỷ. Các giải pháp tôi đưa ra là phải đạt được những mục tiêu này.
Còn việc thị trường khó khăn thì ai cũng thấy rõ. Trong bối cảnh đó, chúng tôi vẫn phải kiên trì chiến đấu. Các giải pháp mà chúng tôi tập trung triển khai là vừa bám sát thị trường, vừa kiểm soát tín dụng nội bộ, đồng thời quản lý chi phí thật chặt chẽ. Chúng tôi tập trung phân tích từng khoản chi phí, cắt giảm các chi phí còn cao bất hợp lý, tăng cường quản trị nội bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có nâng cao hiệu quả sử dụng nhân sự và cải thiện năng suất lao động.
Những giải pháp này đã được chúng tôi thể hiện rõ trong báo cáo trình ĐHĐCĐ. Sau khi được đại hội thông qua, HĐQT sẽ giao cụ thể cho Ban Tổng giám đốc tổ chức triển khai.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp có xu hướng tinh gọn bộ máy. Vậy Thép Việt Nam (VNSTEEL) có định hướng tái cơ cấu tổ chức, nhân sự như thế nào?
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa: Liên quan đến câu hỏi về tinh gọn bộ máy tổ chức, trong chương trình làm việc của Hội đồng Quản trị, chúng tôi đã xây dựng lộ trình rà soát, sắp xếp lại bộ máy tổ chức.
Định hướng là sẽ tập trung vào các đơn vị lớn, các công ty đại chúng, để thực hiện hợp nhất, thu gọn, tinh giản đầu mối tổ chức, phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh nhân sự ở những đơn vị bộ máy còn cồng kềnh.
Ví dụ như tại CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), hiện đang có khoảng 3,000 lao động. Trên thực tế, VNSTEEL đã chủ động triển khai tinh gọn bộ máy từ nhiều năm nay, trước cả khi có yêu cầu chung từ cơ quan quản lý nhà nước. Cách đây khoảng 5 năm, TISCO đã giảm gần 2,000 lao động so với trước.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã sắp xếp lại các đơn vị sản xuất, gộp các phân xưởng, nhà máy để tinh giản bộ máy vận hành. Sắp tới, TISCO sẽ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại thêm lần nữa để tinh giản hơn nữa bộ máy, tinh gọn nhân sự, nhằm đạt hai mục tiêu: tăng hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí sản xuất.
Áp lực dư cung ở thị trường nội địa
VNSTEEL đánh giá thế nào về sức cạnh tranh của thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu đối mặt với nhiều rào cản mới? Chiến lược cạnh tranh của công ty tại thị trường trong nước thời gian tới ra sao, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá để mở rộng thị phần?
Ông Nghiêm Xuân Đa – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNSTEEL: Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 12 triệu tấn thép. Trong đó, thị trường ASEAN chiếm 26%, thị trường EU chiếm 22%, và thị trường Mỹ chiếm 13%. Riêng thị trường Mỹ, sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 1.7 triệu tấn, trong đó sản phẩm tôn chiếm hơn 700,000 tấn, tương đương khoảng 45%.
Với những động thái điều chỉnh thuế vừa qua, xuất khẩu thép vào Mỹ chắc chắn sẽ chịu tác động. Tuy nhiên, có hai xu hướng lớn chúng ta cần lưu ý:
Một là, dòng hàng xuất khẩu sẽ dịch chuyển sang các thị trường khác, trong đó ASEAN được xem là thị trường trọng điểm. Năm vừa rồi, chúng ta đã xuất sang ASEAN 3.3 triệu tấn, và vẫn còn dư địa để tiếp tục gia tăng sản lượng.
Hai là, các doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách mở rộng xuất khẩu sang các khu vực mới như Trung Đông và châu Phi.
Do đó, áp lực dư cung lên thị trường nội địa có thể có, nhưng sẽ không quá lớn như lo ngại ban đầu.
Dĩ nhiên, khi các thị trường mới chưa hấp thụ hết sản lượng, áp lực cạnh tranh trong nước sẽ gia tăng. VNSTEEL xác định chiến lược là tiếp tục giữ vững thị phần nội địa, chấp nhận cạnh tranh, đồng thời chủ động các giải pháp về quản trị chi phí, gia tăng sản lượng nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Song song đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các ưu đãi thuế từ các hiệp định thương mại tự do với EU để đẩy mạnh xuất khẩu thép sang châu Âu – một thị trường rất tiềm năng.
VNSTEEL sẽ chủ động thích ứng linh hoạt, đảm bảo duy trì sản lượng, thị phần, đồng thời kiểm soát tốt hiệu quả tài chính trong bối cảnh mới.
VNSTEEL không chia cổ tức năm 2024 nhằm tập trung tích lũy cho đầu tư phát triển. Định hướng đầu tư mở rộng sắp tới sẽ hỗ trợ như thế nào cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp?
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa: Chúng ta đều biết rằng trong suốt gần 10 năm vừa qua, hệ thống cơ sở sản xuất của VNSTEEL gần như không có sự tăng thêm về công suất. Các nhà máy của chúng ta, như đã nêu trong báo cáo của HĐQT, hầu hết đều đã được đầu tư từ 20 năm trước. Ngoại trừ một số đơn vị như Tôn Phương Nam mới có đầu tư cách đây khoảng 10 năm, còn lại đa phần các nhà máy đều đã cũ.
Do đó, năng lực sản xuất của chúng ta hiện nay gần như đã bão hòa. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường đầu tư, với hai mục tiêu: một là duy trì công suất hiện tại, hai là đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chứ không thể chỉ tiếp tục duy trì theo dây chuyền công nghệ cũ.
Trong báo cáo thường niên, chúng tôi đã trình bày rõ về kế hoạch đầu tư khoảng 542 tỷ đồng cho ba dự án lớn. Thứ nhất là dự án đầu tư mở rộng tại Thép Nhà Bè, thứ hai là mua lại công ty Tôn Phương Nam, và thứ ba là triển khai một dự án mới, có thể là đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh liên kết. Xin báo cáo với quý cổ đông rằng, khoản đầu tư này là hết sức cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của VNSTEEL trong vòng 5-10 năm tới.
Năm ngoái, VNSTEEL từng lên kế hoạch thoái vốn tại CTCP Thép VICASA – VNSTEEL (VCA) nhưng năm nay tạm hoãn. Xin lãnh đạo chia sẻ lý do của sự điều chỉnh kế hoạch này?
Tổng Giám đốc Nghiêm Xuân Đa: Liên quan đến việc thoái vốn, năm ngoái chúng tôi đã thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, thực tế thị trường có những biến động ngoài mong đợi. Khi triển khai kế hoạch, giá trị bất động sản có xu hướng tăng mạnh, nhưng ngay sau đó lại giảm đột ngột. Đây là yếu tố thị trường, chúng tôi không thể can thiệp hay dự báo chính xác.
Theo quy định, khi thoái vốn, chúng tôi phải thực hiện các bước định giá, phê duyệt phương án và tổ chức bán đấu giá công khai theo đúng quy trình pháp luật. Vì vậy, khi giá thị trường biến động, kế hoạch thoái vốn buộc phải tạm dừng để rà soát, cập nhật lại các phương án giá trị tài sản.
Ngoài ra, tổng công ty cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quỹ đất theo yêu cầu của Chính phủ. Khi thực hiện thoái vốn, tất cả các tài sản, đặc biệt là đất đai, phải được rà soát và hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan. Chúng tôi thực hiện nghiêm túc quy định này và sẽ tiếp tục triển khai công tác thoái vốn trong năm nay, phù hợp với các nghị định và hướng dẫn mới của Nhà nước.
Trước đại hội
Đảo chiều lợi nhuận sau 2 năm lỗ, vẫn không chia cổ tức
Năm 2024, VNSTEEL ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 37,061 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023 và vượt 18% kế hoạch đề ra. Lãi trước thuế đạt 357 tỷ đồng, vượt sâu 198% kế hoạch năm, trái ngược so với khoản lỗ 252 tỷ đồng của năm trước. Lãi ròng đạt 286 tỷ đồng, đánh dấu khoản lãi đầu tiên sau 2 năm thua lỗ liên tiếp.
Kết quả kinh doanh 10 năm qua của VNSTEEL |
Dù có lãi, VNSTEEL đề xuất không chia cổ tức cho năm 2024. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Công ty không chia cổ tức, sau đợt chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 3% cho năm 2022. Công ty cho biết, phương án giữ lại lợi nhuận nhằm tích lũy phục vụ đầu tư phát triển, trong bối cảnh dự báo năm 2025 thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh toàn ngành cũng như riêng VNSTEEL. Việc đảm bảo ổn định tài chính được công ty đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Về kế hoạch tài chính 2025, VNSTEEL dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 34,000 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện 2024. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 280 tỷ đồng, giảm mạnh 22% so với năm trước. Ban lãnh đạo đánh giá kế hoạch thận trọng này là cần thiết trước những rủi ro lớn mà ngành thép có thể phải đối mặt trong năm tới.
Kỳ vọng tăng trưởng kép 17% lợi nhuận, duy trì top 3 ngành thép Việt Nam
Tại Đại hội, VNSTEEL cũng trình và được cổ đông thông qua chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Công ty tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước chi phối (tối thiểu 51%), với mục tiêu giữ vững vị thế top 3 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Về chỉ tiêu sản lượng, sản lượng thép cán dài dự kiến đạt 2.51 triệu tấn trong năm 2025, tăng lên 3.56 triệu tấn vào 2030 và 4.2 triệu tấn vào 2035. Sản lượng thép cán dẹt kỳ vọng đạt 995 ngàn tấn năm 2025, lên 1.4 triệu tấn năm 2030 và đạt 1.7 triệu tấn năm 2035.
Về tài chính, tổng doanh thu mục tiêu đạt 43,500 tỷ đồng vào năm 2030, tương ứng tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân (CAGR) khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn 2025-2030. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng từ 180 tỷ đồng năm 2025 lên 400 tỷ đồng năm 2030, đạt mức CAGR khoảng 17% mỗi năm.
Một nội dung quan trọng khác được thông qua là việc miễn nhiệm ông Trần Hữu Hưng khỏi vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 và bầu bổ sung ông Trần Tiến Tùng, sinh năm 1973, hiện là chuyên viên Ban Đầu tư 5 – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay thế.
Bài cập nhật
– 10:50 28/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/dhdcd-vnsteel-ap-luc-du-cung-o-thi-truong-noi-dia-la-co-737-1302297.htm