Ban kiểm soát Công ty CP Apatit Tam Đỉnh vừa có báo cáo xác minh sơ bộ về những “lùm xùm” xảy ra tại công ty này.
Các ông Vũ Cương Lĩnh (trái) và Phạm Văn Lương. Đồ họa: Long Nguyễn.
Thiệt hại 15 tỉ đồng vì chi trả sai, chi trả thừa
Báo Lao Động có nhiều bài viết liên quan đến những “lùm xùm” tại Công ty CP Apatit Tam Đỉnh Lào Cai.
Theo đó, ngày 20.6.2025, ông Trần Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty đã ký quyết định đình chỉ công tác cùng lúc các ông: Phạm Văn Lương – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành mỏ; Lê Viết Dũng – Trưởng Ban Tổng hợp kiêm Tổ trưởng tổ Bồi thường Giải phóng mặt bằng (tổ GPMB) và Nguyễn Văn Truyền – Phó ban Tổng hợp kiêm Tổ phó đền bù GPMB.
Quyết định này dựa trên phản ánh của ông Vũ Cương Lĩnh, cổ đông, đồng thời là thành viên HĐQT.
Các ông Lương, Truyền sau đó đều có đơn gửi cơ quan chức năng, khẳng định không làm sai, và là nạn nhân của sự vu cáo. Họ đồng thời đưa bằng chứng thể hiện sự mờ ám trong hoạt động vận chuyển, mua bán giữa Công ty Tam Đỉnh và Công ty CP giao nhận Kho Vận Vidifi-Interserco Lào Cai giai đoạn 2021-2023.
“Tôi bị vu cáo vì đã cố gắng tố giác, ngăn chặn những hành vi bất thường trong việc mua bán quặng của một số cá nhân tại đây”, ông Lương cho hay.
Sau khi báo đăng, nhóm phóng viên có buổi làm việc với ông Vũ Cương Lĩnh. Ông cung cấp kết quả xác minh sơ bộ của Ban kiểm soát Công ty Tam Đỉnh cùng nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan.
Theo kết quả xác minh của Ban kiểm soát, quá trình thực hiện đền bù GPMB tại hồ thải số 01, các ông Lương, Truyền đã không làm theo quy định của Công ty.
Hai ông này đã khai man 18 hồ sơ, dẫn đến chi trả sai và thừa đối với những trường hợp không đủ điều kiện. Thiệt hại ước tính 15 tỉ đồng.
Còn ông Lê Viết Dũng được cho là chỉ làm việc hành chính, không trực tiếp kiểm đếm, đền bù tại thực địa và không tư lợi nên bị đình chỉ vì “thiếu tinh thần trách nhiệm”.
Tài liệu ông Lĩnh cung cấp thể hiện, ngày 5.3.2024, Công ty Tam Đỉnh ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Văn Bàn (cũ) – gọi tắt TTPTQĐ – về việc GPMB phục vụ dự án 2 hồ thải tại mỏ quặng Tam Đỉnh (khu giáp ranh xã Văn Bàn và Chiềng Ken, tỉnh Lào Cai).
Theo cam kết, việc GPMB sẽ kết thúc và TTPTQĐ phải bàn giao mặt bằng sạch cho Công ty Tam Đỉnh trong quý II/2024.
Phần kết luận thể hiện trách nhiệm của các ông Lương, Truyền trong việc gây thiệt hại 15 tỉ đồng. Ảnh: Long Nguyễn.
Tại hồ thải số 02, việc GPMB diễn ra nhanh chóng. Sự bất thường xảy ra tại hồ thải số 01, nơi 53 hộ dân có quyền lợi liên quan khu đất khoảng 31ha.
Ông Lĩnh cho biết, số liệu tổng hợp tháng 6.2025 của TTPTQĐ Văn Bàn cho thấy, tổng kinh phí bồi thường chỉ khoảng 35,6 tỉ đồng. Nhưng các ông Truyền, Lương đã thông đồng với các hộ dân để khai khống kinh phí đền bù, thậm chí đã tự ý “chi ngoài” cho các hộ dẫn đến tổng số tiền vọt lên 46,9 tỉ đồng.
Ông Lĩnh dẫn ra một số trường hợp, như hộ của ông Vù Seo Thống được nhận đền bù tới 2 lần.
Lần 1 ngày 17.3.2023, ông Thống đã nhận đủ 1,93 tỉ đồng và đồng ý giải phóng mặt bằng. Nhưng trong đợt đền bù vừa rồi lại tiếp tục được giải ngân thêm gần 2,5 tỉ đồng nữa. Thậm chí, sau khi nhận tiền đền bù (lần 2), gia đình ông Thống phải chia lại cho ông Truyền 670 triệu đồng.
“Tôi đã nhiều lần yêu cầu Tổ đền bù cung cấp thông tin về tiến độ và thực tiễn công việc, nhưng ông Lương không thực hiện. Thiệt hại hiện nay, Công ty đã cho 7 ngày để khắc phục nhưng các ông Lương, Truyền không làm đầy đủ. Điều này buộc chúng tôi phải có những hành động pháp lý cao hơn, có thể là đuổi việc, hoặc mời các cơ quan chức năng vào điều tra, xử lý”, ông Lĩnh nói.
Người bị cáo buộc nói gì?
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Lương bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định việc GPMB ngoài thực địa không đơn giản như những câu chữ trong hợp đồng.
Ông cho biết, cam kết của TTPTQĐ là trong quý II/2024 việc GPMB sẽ hoàn tất. Nhưng thực tế, thời gian này chỉ vừa đủ để giải quyết các vấn đề ở hồ 02, vì các hộ dân có đầy đủ giấy tờ, chứng nhận.
Còn tại hồ thải số 01, việc thương lượng với dân rất khó khăn. Dân chỉ có cây cối, tài sản trên đất, chứ không có pháp lý đất đai, số hộ cũng không cố định vì lúc thì dân đòi đứng chung tên, lúc lại đòi tách hộ…
Chính vì lẽ đó, đến tháng 12.2024 ông Vũ Cương Lĩnh đã thay mặt HĐQT triệu tập Tổ đền bù lên văn phòng Công ty để “chỉ đạo miệng” việc chi thêm cho các hộ dân nhằm thúc đẩy tiến độ.
Cũng theo ông Lương, vì khó khăn nên đến tận tháng 4.2025, TTPTQĐ mới ra được dự thảo phương án bồi thường trị giá gần 37 tỉ đồng cho 55 hộ dân. Đồng thời, đơn vị cũng không thường xuyên cử cán bộ tham gia vào quá trình thương thảo, đền bù mà thường để Tổ đền bù tự chủ động công việc.
“Vào tháng 4.2025, TTPTQĐ Văn Bàn gửi cho tôi bản kê có 55 hộ dân và hướng dẫn chi tiết áp giá, số tiền khoảng 36,9 tỉ đồng. Theo tinh thần “chi thêm” như đã được ông Lĩnh chỉ đạo, tôi cân tính có 15 hộ trong diện với tổng số tiền cần thêm là 10 tỉ đồng, mới ra con số 46,9 tỉ đồng, và con số này đã được Chủ tịch HĐQT duyệt phương án chi trả. Tôi cũng chưa bao giờ được biết về con số 53 hộ dân và 35,6 tỉ đồng như Ban Kểm soát đưa ra”, ông Lương nói.
Khai trường của Công ty Apatit Tam Đỉnh tại Lào Cai. Ảnh: Duy Tùng.
Về việc hộ Vù Seo Thống, ông Lương khẳng định, việc đền bù năm 2023 là do ông Nguyễn Văn Điềm thực hiện. Khi ông Điềm nghỉ, ông Lương tiếp quản lại, đã không được ông Điềm bàn giao hồ sơ đầy đủ, nên không thể biết hộ này đã từng nhận đền bù.
“Khi tôi trình phương án lên HĐQT, trong đó có cả hộ ông Thống, sao không thấy bất cứ ai có ý kiến? Lại chờ đến khi tôi làm xong thì bắt lỗi”, ông Lương thắc mắc.
Sau khi đã chi trả đền bù xong xuôi thì xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, nên các ông đã chủ động gặp 15 hộ dân để thu lại. Đây là số tiền “chi thêm” cho các hộ, chứ không phải tiền được chia chác hay tư lợi.
“Hiện chúng tôi đã đã thu hồi được 7,7 tỉ đồng (trên tổng số 10 tỉ đồng), số còn lại gặp khó khăn vì có hộ dân không đồng thuận. Tôi không hiểu con số 15 tỉ đồng thiệt hại là dựa vào căn cứ nào. Bản báo cáo của Ban kiểm soát có nhiều số liệu không đúng thực tế. Tôi đã gửi đơn lên HĐQT bác bỏ kết luận này và sẵn sàng làm việc với bất kỳ cơ quan chức năng nào”, ông Lương khẳng định.
Xác minh của phóng viên, ông Trương Vy Việt Hạnh – Trưởng Ban kiểm soát, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty Tam Đỉnh.
Theo Luật sư Đỗ Như Thành (Đoàn LS TP Hà Nội), điều này vi phạm quy định hoạt động doanh nghiệp cổ phần. Bởi thành viên HĐQT không được phép là thành viên Ban kiểm soát.
“Từ sự “phạm quy” của Ban kiểm soát dẫn đến bản kết quả điều tra là vô hiệu và sẽ không thể làm căn cứ cho bất cứ hoạt động pháp lý nào, dù là xử lý nội bộ”, vị luật sư khẳng định.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/dien-bien-moi-vu-loat-lanh-dao-cong-ty-apatit-tam-dinh-bi-dinh-chi-cong-tac/33842718