Điều gì chờ đón ba trụ cột ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong nửa cuối năm?

Điều gì chờ đón ba trụ cột ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trong nửa cuối năm?

Các chuyên gia đến từ VPBankS đưa ra đánh giá cũng như dự báo triển vọng sắp tới của ba ngành trụ cột trên thị trường chứng khoán Việt Nam là ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.

Sợi dây liên kết chặt chẽ giữa bất động sản và ngân hàng

Tại chương trình VPBankS Talk #5, chia sẻ về nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, ông Ngô Hoàng Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VPBankS cho rằng, khi đánh giá sức khỏe của thị trường bất động sản thường xem xét 5 yếu tố gồm: lượng giao dịch, giá thị trường, nguồn cung và hai yếu tố ít được nhắc đến là thu hồi nợ đã xóa sổ và cho vay thế chấp mua nhà.

Ông Ngô Hoàng Long chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải

số liệu CBRE công bố cho thấy thị trường sơ cấp nhìn chung không quá hấp dẫn, đặc biệt tại TPHCM (cũ). Tuy nhiên, gần đây có nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành để hỗ trợ nguồn cung. 

Theo thống kê, hiện có 788 dự án trên cả nước gặp vướng mắc. Tính đến cuối tháng 5/2025, đã có 136 dự án được gỡ vướng. Ông Long cho rằng cần tiếp tục theo dõi tiến độ này, đặc biệt tại TPHCM vì đây là chỉ báo sớm quan trọng về nguồn cung tương lai.

Bộ Xây dựng cũng công bố số dự án căn hộ mới được cấp phép, đây là chỉ báo sớm nhất về nguồn cung tương lai, thay vì các chỉ số như số căn hoàn thành hay đủ điều kiện giao dịch.

Trong năm 2023, có 67 dự án mới được cấp phép với khoảng 25,000 căn hộ; năm 2024 là 79 dự án, tương đương hơn 38,000 căn hộ; đến quý 1/2025 tiếp tục duy trì đà tích cực với 26 dự án mới, tăng so với 19 dự án ở cùng kỳ 2024. Ông Long dự báo nguồn cung nhà ở mới tại Hà Nội năm 2025 sẽ ổn định, còn TPHCM sẽ cải thiện rõ nét. Dự báo này có thể được điều chỉnh tích cực hơn nữa nếu tiến trình gỡ vướng thực hiện hiệu quả.

Về giá, tương ứng với nguồn cung cải thiện, dự báo giá trong năm 2025 sẽ ổn định hơn.

Đối với yếu tố cho vay mua nhà, dù số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy quý 1/2025 có khoảng 33,500 giao dịch, giảm 6.3% so với quý 1/2024, nhưng số liệu từ VPBank lại cho thấy bức tranh khác. Lấy ví dụ về danh mục cho vay của một ngân hàng (vốn hóa trong top 5 toàn thị trường) có 60% là tài trợ thị trường sơ cấp và 40% cho thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, tăng trưởng cho vay quý 1/2025 tăng 4.3 điểm phần trăm, nhanh hơn quý 1/2024.

Về thu hồi nợ đã xóa sổ, ông Long nhấn mạnh đây là chỉ báo thuần túy cho thị trường thứ cấp. Dữ liệu tại một ngân hàng cho thấy sự tích cực trùng khớp với các giai đoạn thị trường bất động sản sôi động.

2024 là năm tích cực trong hoạt động thu hồi nợ, do đó tạo nền so sánh cao cho năm 2025. Dù vậy, trong quý 1/2025 vẫn ghi nhận mức thu hồi nợ tăng đến 128% so với cùng kỳ. Nghiên cứu 4 năm gần đây cho thấy, số liệu quý 1 thường phản ánh chính xác xu hướng cả năm.

Một số liệu đáng chú ý khác ông Long đề cập đến là tổng dư nợ giải ngân cả nước kết thúc quý 2 đạt trên 291 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2024.

Theo ông Long, không có gì thúc đẩy tín dụng mạnh bằng một thị trường bất động sản sôi động. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thường đồng pha với thời điểm bất động sản khởi sắc. VPBankS dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 sẽ đạt 16%, cao hơn mức 15% của năm ngoái.

Hiện tại, tỷ lệdư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) của nhiều ngân hàng đang tiệm cận ngưỡng quy định, nên sẽ phải tăng tốc huy động vốn. Do đó, dư địa để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất là khá hạn chế. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã đi ngang trong 2 tháng gần đây.

Về biên lãi ròng (NIM), bình quân năm nay sẽ giảm 11 điểm cơ bản do chi phí vốn tăng trong khi lợi suất tài sản sinh lãi không tăng tương ứng. VPBankS dự báo lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng tăng 20%.

NIM ngân hàng tiếp tục chịu áp lực

Nhiều cú hích lớn cho ngành chứng khoán

Chia sẻ về triển vọng ngành chứng khoán, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS cho rằng, trong hơn một năm trở lại đây, cổ phiếu ngành chứng khoán nhìn chung giao dịch khá trầm lắng so với vai trò vốn có, nhưng đây chính là thời điểm “vàng” để quay trở lại và quan tâm đến nhóm này.

Ông Đào Hồng Dương chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải

Đầu tiên, tính đến cuối năm 2024, vốn hóa thị trường đạt khoảng 7.2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 62 – 63% GDP của Việt Nam. Số tài khoản chứng khoán tích lũy đến cuối năm 2024 khoảng 9.2 triệu tài khoản.

Theo Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu là vốn hóa đạt 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030, số tài khoản đạt 9 triệu vào năm 2025 và 11 triệu vào năm 2030.

Dựa trên lộ trình này, VPBankS tính toán rằng quy mô vốn hóa của thị trường trong giai đoạn 2025 – 2030 cần tăng trưởng kép khoảng 13% mỗi năm để đạt mục tiêu, với giả định tăng trưởng GDP ở mức thận trọng.

Đây là một yếu tố quan trọng cho thấy các chính sách và cơ quan quản lý sẽ có xu hướng thúc đẩy thị trường phát triển theo đúng định hướng, tạo động lực lớn cho tăng trưởng chung của ngành.

Động lực cực kỳ quan trọng khác là việc Việt Nam tiến rất gần đến sự kiện nâng hạng lên thị trường Mới nổi thứ cấp theo FTSE. Cơ quan quản lý cũng bày tỏ sự tự tin rằng đến tháng 9/2025 Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Ngoài yếu tố kể trên, ông Dương đề cập các động lực quan trọng khác, bao gồm định giá hấp dẫn, khối ngoại đã tạo đáy bán ròng.

Ông Đào Hồng Dương chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: Huy Khải

Về động lực nội tại, ngành chứng khoán có ba yếu tố then chốt, đặc biệt với nhóm cổ phiếu niêm yết. Thứ nhất là tăng trưởng thu nhập, với cấu trúc lợi nhuận đã thay đổi khi lãi từ cho vay ngày càng giữ vai trò quan trọng. Thứ hai là cổ tức và lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) từ cuối 2025 đến 2026 sẽ cải thiện, gắn liền với lượng phát hành trái phiếu phi ngân hàng bứt phá do đáo hạn lượng lớn vào cuối năm 2025. Thứ ba là sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động môi giới nhờ khối ngoại quay lại và kỳ vọng nâng hạng.

Ngoài ra, thị trường margin bùng nổ cũng là động lực to lớn cho ngành chứng khoán, nhưng dự báo sẽ có sự phân hóa rõ rệt vào giai đoạn 2025 – 2026, với ưu thế hơn cho các công ty chứng khoán còn nhiều dư địa cho vay.

VPBankS dự báo tổng lợi nhuận sau thuế quý 2/2025 của ngành chứng khoán (tổng hợp 10 công ty chứng khoán đang nghiên cứu) ước tính khoảng 3,657 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2024, mức khá cao so với các ngành khác.

Đối với ngành chứng khoán, ông Dương đề xuất ba nhóm cổ phiếu phù hợp với khẩu vị rủi ro khác nhau của nhà đầu tư, gồm (1) những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cao và đang duy trì mức ROE tối ưu, tốc độ tăng trưởng ổn định; (2) nhóm phục hồi từ khó khăn dành cho nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn; (3) doanh nghiệp top đầu đang tối ưu chi phí và cơ cấu nguồn vốn dành cho nhà đầu tư muốn độ an toàn cao hơn.

Huy Khải

FILI

– 10:04 10/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/dieu-gi-cho-don-ba-tru-cot-ngan-hang-bat-dong-san-chung-khoan-trong-nua-cuoi-nam-145-1326532.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *