DN Việt tăng cường tìm kiếm nguồn vốn vay tư nhân

Theo Nghị quyết 68 với chủ trương mạnh mẽ của Chính phủ nhằm phát triển doanh nghiệp (DN) tư nhân đang nhận, mục tiêu đến 2030, Việt Nam có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/nghìn dân, được xem là một tín hiệu quan trọng cho những thay đổi bước ngoặt trong thời gian tới với khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh việc cởi mở các thể chế về kinh doanh, miễn giảm thuế… nhằm kích thích các DN tư nhân tăng tốc, nguồn vốn huy động theo các chuyên gia là một trong những yếu tố then chốt. Dù vậy, với nhóm DN vừa và nhỏ, việc tiếp cận dòng vốn vay từ ngân hàng cũng như các hình thức huy động qua thị trường công khai (phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng) vẫn còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, vốn vay tư nhân (Private Debt) ngày càng nhận về nhiều quan tâm. Vốn vay tư nhân hình thức cấp vốn tín dụng cho các DN hoặc dự án không thông qua thị trường vốn truyền thống. Vốn được cung cấp bởi các tổ chức hoặc cá nhân, bao gồm quỹ đầu tư tư nhân, quỹ tín dụng, công ty bảo hiểm, hoặc các nhà đầu tư có tổ chức khác.

Thị trường vốn vay tư nhân thế giới đạt 1.500 tỷ USD vào năm 2024

Trên thế giới, thị trường vốn vay tư nhân đã và đang tăng trưởng đáng kể trong thập kỷ qua, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi các ngân hàng thắt chặt tín dụng. Theo báo cáo từ Prequin, thị trường vốn vay tư nhân toàn cầu ước tính đạt khoảng 1.500 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến có thể đạt 3.500 tỷ USD vào năm 2028.

Hình thức này đặc biệt phổ biến và thành công tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu. Ở Mỹ, vốn vay tư nhân ngày càng phổ biến với tỷ trọng hiện lên đến 67%, tập trung vào các ngành công nghệ, bất động sản, và chăm sóc sức khỏe.

Còn ở châu Âu, vốn vay tư nhân cũng tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở Anh, Đức và Pháp. Các quỹ tư nhân thường tài trợ cho DN vừa và nhỏ, với tỷ lệ nợ tư nhân trong cơ cấu vốn của các công ty này dao động từ 10-25%, tùy thuộc vào quy mô và ngành.

DN Việt tăng cường tìm kiếm nguồn vốn vay tư nhân- Ảnh 1.

Hình thức này hiện vẫn còn khá mới tại châu Á, dù rằng thống kê cho thấy ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ nợ tư nhân trong tổng nợ DN đang tăng.

Riêng Việt Nam, thị trường vốn vay tư nhân vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn vốn linh hoạt ngoài kênh ngân hàng truyền thống đang ngày càng tăng, mở ra cơ hội cho hình thức này phát triển.

Trong chia sẻ tại Hội thảo mới đây, ông Phạm Trọng Chinh – Chuyên gia thị trường của Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao – cho biết: “ Thực tế 5 năm qua rất nhiều nguồn vốn vay tư nhân, đầu tư tác động tìm đến Việt Nam nhưng họ tìm không ra DN nào phù hợp để rót vốn.  Xu hướng lựa chọn là các DN đảm bảo về ESG và đặc biệt nhấn mạnh môi trường”.

Quỹ đầu tư tiên phong Beacon cũng ghi nhận số lượng các DN tìm kiếm nguồn vốn tăng gần gấp 3 lần

Tại Việt Nam, Beacon Fund – là quỹ tiên phong về hình thức vốn vay tư nhân. Theo giới thiệu, Beacon Fund là quỹ đầu tư tư nhân dưới hình thức vốn vay đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào thúc đẩy bình đẳng giới và tạo tác động xã hội tích cực. Quỹ được thành lập vào năm 2020, là một quỹ đầu tư theo lăng kính giới đến từ Singapore.

Năm 2024, Beacon thực hiện 3 thương vụ hỗ trợ vốn cho CAS Energy (CEO Nguyễn Phạm Cẩm Tú) là công ty tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu tại Việt Nam, CTCP Tập đoàn Thực phẩm Hoa Sen – Lotus Group, chủ chuỗi các thương hiệu nhà hàng Nhật Bản được nhiều người biết đến như Marukame Udon, và Bồ Câu Services – công ty xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông hàng đầu tại Việt Nam. Mới đây, quỹ vừa “bắt tay” với Chính phủ Australia trong chương trình đầu tư cho các nữ lãnh đạo tại Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2024, Beacon đang đầu tư vào các DN tại Việt Nam như Bồ Câu Services, CAS Energy, Hoa Nắng, HAPAS, mindX, Lotus Group… Doanh thu của các DN theo báo cáo từ Beacon cũng tăng trưởng đáng kể trong năm qua.

DN Việt tăng cường tìm kiếm nguồn vốn vay tư nhân- Ảnh 2.

DN Việt tăng cường tìm kiếm nguồn vốn vay tư nhân- Ảnh 3.

Ảnh: Báo cáo tổng kết năm 2024 của Beacon Fund.

Dưới vai trò là quỹ đầu tư hình thức vốn vay tư nhân, đại diện Beacon Fund, bà Đoàn Thị Hà, Quản lý Đầu tư cho biết: “Có rất nhiều DN không có khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo, trong khi họ có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tốt. Việc không tiếp cận được với vốn ngân hàng là rào cản lớn trong kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của DN. Nếu biết tới sự lựa chọn vốn khác là vốn vay tư nhân linh hoạt trong điều kiện thế chấp, DN sẽ vững tin hơn trong kế hoạch phát triển của mình”.

Vị này cho biết, không phải là đối thủ cạnh tranh với ngân hàng, vốn vay tư nhân có một số khác biệt so với những hình thức vay truyền thống. Cụ thể,

+ Thời hạn, lãi suất, điều kiện hoàn trả khoản vay: Có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với tiềm năng và tính chất của DN, thay vì đánh giá vào tài sản thế chấp.

Trong đó, về tài sản thế chấp, với cùng khoản vay trung hạn, ngân hàng sẽ dùng bất động sản làm tài sản thế chấp, trong khi quỹ đầu tư vốn vay sẽ linh hoạt hơn thông qua khoản phải thu, hàng tồn kho, máy móc thiết bị, bảo lãnh cá nhân….

Về giá trị khoản vay, ngân hàng dựa vào giá trị của tài sản thế chấp, còn quỹ đầu tư vốn vay xác định qua các yếu tố từ tiềm năng của DN, khả năng tạo lợi nhuận, dòng tiền cũng như uy tín của DN.

Về lãi suất, ngân hàng có mức lãi suất tốt hơn của vốn vay tư nhân do rủi ro của ngân hàng thấp hơn so với quỹ.

+ Giữ quyền kiểm soát cho DN: DN không bị pha loãng cổ phần như khi gọi vốn bằng cổ phiếu/ cổ phần

+ Đa dạng hóa nguồn vốn: Giúp DN không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng hoặc thị trường vốn truyền thống.

Với sự linh hoạt và cởi mở hơn so với vốn vay truyền thống, hiện nhiều DN đang chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay tư nhân. Thống kê từ Beacon Fund ghi nhận, số lượng các DN tìm kiếm nguồn vốn từ Beacon vẫn tăng gần gấp 3 lần trong nửa cuối năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy DN đang dần chuyển sang các lựa chọn về nguồn vốn khác khi việc gọi vốn cổ phần trở nên khó khăn hơn.

Dù vậy, để tiếp cận được dòng vốn này, DN không chỉ minh chứng được tính hiệu quả mà còn phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, ESG và bình đẳng giới.

Nguồn: https://cafef.vn/dn-viet-tang-cuong-tim-kiem-nguon-von-vay-tu-nhan-188250523073443384.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *