Doanh nghiệp ‘bí thở’ vì thủ tục chồng chéo trong khu công nghiệp

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu công nghiệp (KCN), vẫn đang đối mặt với không ít vướng mắc về mặt pháp lý.

Tại Hội thảo nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra vào ngày 14/7, ông Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi Hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho biết: Các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu công nghiệp (KCN), vẫn đang đối mặt với không ít vướng mắc về mặt pháp lý.

“Những thách thức này không chỉ làm phát sinh chi phí, kéo dài thời gian, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, kế hoạch kinh doanh và niềm tin của nhà đầu tư”, ông Chung nói.

Theo ông, có 3 vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp đầu tư KCN đang gặp phải, đó là vướng mắc trong thủ tục đầu tư, vướng mắc liên quan đến chính sách thuế và một số vướng mắc về hải quan

Thủ tục đầu tư tại khu công nghiệp chồng chéo, thiếu nhất quán

Liên quan tới thủ tục đầu tư tại KCN, ông Chung nhận định: Mặc dù quy trình cấp phép đầu tư tại khu công nghiệp đã có nhiều cải tiến, song vẫn tồn tại những điểm nghẽn, đặc biệt là sự chồng chéo và thời gian xử lý kéo dài của một số thủ tục quan trọng, gây khó khăn đáng kể cho các nhà đầu tư.

Thủ tục đầu tư tại khu công nghiệp chồng chéo, thiếu nhất quán. (Ảnh minh họa/CD)

Thứ nhất, các luật hiện nay đang có sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường.

Ví dụ, việc thẩm định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo Luật Đất đai, thẩm định thiết kế cơ sở theo Luật Xây dựng, và thẩm định báo cáo tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường thường diễn ra độc lập, không có sự phối hợp chặt chẽ về mặt thời gian và nội dung.

“Điều này buộc nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước lặp lại, nộp hồ sơ trùng lặp, hoặc chờ đợi lẫn nhau giữa các khâu, làm chậm đáng kể tiến độ triển khai dự án”, ông Chung nói.

Thứ hai, thời gian xử lý một số thủ tục, cụ thể như thủ tục tiếp cận đất đai, thủ tục đánh giá tác động môi trường, thủ tục phòng cháy chữa cháy, thủ tục giấy phép xây dựng bị kéo dài và thiếu minh bạch.

Ví dụ, việc thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và nghiệm thu về PCCC là những thủ tục bắt buộc và có ý nghĩa quan trọng trước khi đưa công trình vào hoạt động. Tuy nhiên, các quy định về PCCC thường xuyên thay đổi, yêu cầu kỹ thuật cao và đôi khi chưa thực sự phù hợp với thực tiễn các loại hình công trình khác nhau.

Quá trình thẩm duyệt, nghiệm thu đôi khi còn chậm trễ, thiếu sự hướng dẫn cụ thể và thống nhất từ cơ quan PCCC, buộc doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, làm chậm tiến độ bàn giao và vận hành công trình.

Với những vướng mắc nêu trên, ông Nguyễn Hồng Chung kiến nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch, đặc biệt là sự hài hòa giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. Mục tiêu là tạo ra một quy trình liên thông, rút ngắn tối đa thời gian cho nhà đầu tư.

Đồng thời, tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ liên quan đến đất đai (giải phóng mặt bằng, xác định giá đất) và xây dựng (thẩm định thiết kế, cấp phép). Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ và công khai thời gian xử lý hồ sơ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa toàn bộ quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ để tăng cường minh bạch, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ công quyền. Phát triển các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, đảm bảo tính tiện lợi và hiệu quả.

“Tôi cũng mong muốn Xây dựng cơ chế “một cửa liên thông” thực chất và hiệu quả hơn nữa tại các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế”, ông Chung nhấn mạnh.

Vướng mắc liên quan đến chính sách thuế và hải quan

Vướng mắc thứ hai là các doanh nghiệp đầu tư KCN đang gặp phải đó là các chính sách thuế. Ông Chung nhận định, các quy định về thuế, mặc dù đã được cải thiện, nhưng đôi khi còn thiếu rõ ràng và có sự thay đổi, tạo ra rủi ro và gánh nặng cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: LC)

Ví dụ, thủ tục hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vẫn còn phức tạp và thời gian giải quyết kéo dài. Tình trạng này gây ứ đọng vốn lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tư và triển khai dự án.

“Điều này không chỉ gây khó khăn về tài chính mà còn làm giảm niềm tin và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư”, ông Chung nhấn mạnh.

Vướng mắc thứ ba liên quan tới thủ tục hải quan. Ông Chung nêu, việc phân loại hàng hóa và xác định mã số HS còn nhiều trường hợp chưa thống nhất, dễ gây tranh chấp và bị truy thu thuế. Điều này tạo ra rủi ro pháp lý và tài chính không lường trước cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều loại vật tư, máy móc thiết bị phức tạp.

Bên cạnh đó, quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đôi khi còn quá chặt chẽ, chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng công nghệ có hiệu quả kinh tế nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và an toàn.

Ông Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi Hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: LC)

Với những vướng mắc liên quan tới thuế và hải quan, ông Nguyễn Hồng Chung kiến nghị làm rõ hơn các quy định về điều kiện hưởng ưu đãi thuế, tránh cách hiểu khác nhau, đảm bảo tính ổn định và dự đoán được của chính sách để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế VAT, rút ngắn thời gian hoàn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn, giúp họ tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Tiếp tục cải cách thủ tục hải quan theo hướng hiện đại hóa, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cần nghiên cứu nới lỏng và linh hoạt hơn nữa các quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, công nghệ và môi trường, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Chung kiến nghị tổ chức đối thoại công – tư thực chất, thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ, nâng cao năng lực, đạo đức và thái độ phục vụ của cán bộ làm công tác cấp phép, đầu tư, thuế, hải quan; đảm bảo phối hợp đồng bộ khi giải quyết thủ tục hành chính.

“Việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự chủ động, đồng hành và phản biện xây dựng từ chính cộng đồng doanh nghiệp”, ông Chung nhấn mạnh.

Việt Vũ-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-bi-tho-vi-thu-tuc-chong-cheo-trong-khu-cong-nghiep/33684754

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *