Giá HRC chạm đáy, thách thức và cơ hội song hành
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 4 tháng đầu năm 2025, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu ngành thép xây dựng với sản lượng tiêu thụ đạt 1,61 triệu tấn, chiếm 37,67% thị phần, bỏ xa các đối thủ như VNSteel (11,6%), Thép Việt Đức (5,4%) hay Vinakyoei và POSCO.
Đây là thành quả của chiến lược đầu tư bài bản vào quy mô và năng lực sản xuất, đặc biệt thông qua Khu liên hợp gang thép Dung Quất giai đoạn 1, cùng nỗ lực tăng tốc tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của VNDirect, giá thép cuộn cán nóng (HRC) hiện đang dao động quanh mức 500–518 USD/tấn, nằm trong vùng thấp nhất nhiều năm. Nếu giá còn giảm sâu, nhiều nhà sản xuất HRC có thể phải tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo biên lợi nhuận tối thiểu.
Việc giá HRC ở vùng thấp được cho là đang âm thầm khiến những doanh nghiệp sản xuất HRC như Hòa Phát gặp khó do biên lợi nhuận bị thu hẹp, trong khi các doanh nghiệp tiêu thụ HRC như Hoa Sen lại hưởng lợi nhờ được cải thiện biên lợi nhuận.
Lợi nhuận cao nhất từ 2022, nhờ Dung Quất 2 tăng tốc thần tốc
Dù vậy, theo báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, Hòa Phát vẫn được dự báo đạt lợi nhuận quý II/2025 lên tới 4.300 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ quý II/2022.
Động lực đến từ việc giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 chính thức vận hành và đạt tới 84% công suất thiết kế chỉ trong tháng đầu. Với mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, đây là dự án trọng điểm giúp Hòa Phát nâng tổng công suất HRC lên 2,8 triệu tấn trong năm 2025 và gấp đôi lên 5,6 triệu tấn vào 2026.
Tại Đại hội cổ đông thường niên tháng 4, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long khẳng định: “HRC của Hòa Phát làm đến đâu bán hết đến đó. Chúng tôi tự tin vào chất lượng sản phẩm và chiến lược tiêu thụ”.
Một điểm tích cực khác đến từ động thái bảo vệ thị trường của Chính phủ. Ngày 4/7/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1958/QĐ-BCT, bác bỏ đề xuất cam kết của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) liên quan đến vụ điều tra chống bán phá giá HRC nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Điều này cho thấy rõ ràng quyết tâm chống thép giá rẻ tràn vào Việt Nam, qua đó gián tiếp bảo vệ thị phần và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nội địa như Hòa Phát, Formosa – những đơn vị đầu tư hàng trăm nghìn tỷ cho ngành thép Việt.
Không dừng lại ở Quảng Ngãi, Hòa Phát đang chuẩn bị triển khai Khu liên hợp gang thép tại tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư 86.000 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP Thép Hòa Phát Phú Yên làm chủ đầu tư, đặt tại khu công nghiệp Hòa Tâm, diện tích 520ha, công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 3 triệu tấn và hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ ngày được chấp thuận đầu tư. Với sự bổ sung này, Hòa Phát đang xây dựng nền tảng để trở thành nhà sản xuất thép cán nóng hàng đầu Đông Nam Á trong tương lai gần.
Hạt nhân không thể thiếu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam?
Mỗi khi nhắc đến dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, người ta thường nói đến Vingroup – nhà đầu tư tiềm năng trong mô hình PPP, hay Thaco – doanh nghiệp sản xuất phương tiện và có kinh nghiệm trong logistics.
Nhưng ẩn sau các tên tuổi tuyến đầu đó là một mắt xích âm thầm nhưng then chốt: thép – vật liệu “xương sống” của toàn bộ hạ tầng. Và trong lĩnh vực này, Hòa Phát chính là cái tên gần như duy nhất đủ sức gánh vác.
Theo ước tính, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ cần tối thiểu 10 triệu tấn thép, bao gồm thép ray, thép hình, thép dầm và thép đặc chủng. Đó là con số khổng lồ mà chỉ Hòa Phát – với công suất dự kiến 15 triệu tấn/năm vào cuối 2025 – mới có thể đáp ứng một cách chủ động, ổn định và theo chuẩn quốc tế.
Ngày 29/5/2025, Hòa Phát đã ký hợp đồng với SMS Group (Đức) để cung cấp dây chuyền sản xuất thép ray và thép hình công suất 700.000 tấn/năm, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý I/2027.
Loại thép ray dùng cho đường sắt tốc độ cao không phải thép thông thường. Nó đòi hỏi:
• Sản xuất từ quặng nguyên chất, gần như không tạp chất.
• Thanh thép dài tới 100m, độ bền – độ thẳng – độ dẻo cao.
• Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế khắt khe (EN13674, AREMA…).
Với bước đi này, Hòa Phát trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Đông Nam Á có thể sản xuất thép ray tốc độ cao, và là ứng viên sáng giá số 1 để cung ứng cho đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Ngoài ra, Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh định hướng nội địa hóa vật liệu nền tảng, đặc biệt với các dự án quan trọng cấp quốc gia như đường sắt cao tốc. Đây không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là bài toán an ninh năng lực sản xuất trong dài hạn.
Chủ tịch HĐQT Hòa Phát – ông Trần Đình Long – từng khẳng định: “Chúng tôi không chỉ sản xuất thép, mà còn cam kết thay thế những loại thép cao cấp mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. Với dây chuyền hiện đại và đội ngũ kỹ thuật chất lượng, Hòa Phát đủ sức cung cấp vật liệu tốt nhất cho mọi công trình trọng điểm quốc gia”.
Sự tin tưởng này là kết quả của quá trình đầu tư nghiêm túc và dài hạn: từ Dung Quất 1, Dung Quất 2 cho đến dự án thép tại Phú Yên – nơi Hòa Phát chuẩn bị triển khai khu liên hợp gang thép công suất 6 triệu tấn/năm, tổng vốn 86.000 tỷ đồng.
Khác với các mặt hàng thép tiêu dùng hay xây dựng, thép ray là sản phẩm kỹ thuật cao, có chu kỳ sử dụng dài và ổn định đơn hàng. Một khi dự án cao tốc Bắc – Nam được khởi công, thép ray sẽ là một trong những nguyên liệu đầu tiên và tiêu thụ liên tục hàng năm.
Hòa Phát không chỉ đứng trước cơ hội cung cấp cho dự án trong nước, mà còn mở ra cánh cửa xuất khẩu sang các nước khu vực, nơi vẫn phải nhập thép ray từ Trung Quốc, Nhật, Hàn với giá cao.
Tầm quan trọng của thép ray trong dự án biến Hòa Phát thành “cỗ máy in tiền” âm thầm, nhưng có ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng toàn tuyến.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-cam-trich-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-vao-the-kho-xu-1389532.html