Quý II/2025 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp cao su lớn như Cao su Bà Rịa, Cao su Tây Ninh và Cao su Tân Biên với lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ giá bán tăng cao và lượng tiêu thụ được cải thiện, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực cho toàn ngành trong 6 tháng đầu năm.
Giá cao su thiên nhiên giao kỳ hạn trên Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (Nguồn: https://tradingeconomics.com/commodity/rubber)
Công ty CP Cao su Bà Rịa vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 50,8 tỷ đồng, tăng 93,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được nhờ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 62%, đạt 86 tỷ đồng, do sản lượng và giá bán cải thiện mạnh. Cụ thể, Công ty tiêu thụ 1.625 tấn mủ cao su, tăng 42,9% và giá bán bình quân ở mức 52,461 triệu đồng/tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, Công ty ghi nhận khoản thu đột biến hơn 40 tỷ đồng từ thanh lý tài sản, tăng 74%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Công ty báo lãi 59,8 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp ngành cao su cũng công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2025. Trong đó. Công ty CP Cao su Tây Ninh báo cáo lợi nhuận trước thuế quý II/2025 đạt 37,4 tỷ đồng (tăng 163%) và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 112,7 tỷ đồng (tăng 268,3%). Công ty CP Cao su Thống Nhất ghi nhận lợi nhuận quý II/2025 đạt 36,8 tỷ đồng (tăng 222,8%) và 6 tháng đầu năm đạt 44,7 tỷ đồng (tăng 174,2%).
Trong bức tranh chung của ngành, Công ty CP Cao su Tân Biên nổi bật với lợi nhuận quý II/2025 đạt 221,5 tỷ đồng, tăng 220% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lũy kế 6 tháng đầu năm của Công ty là 53%. Con số này cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ chủ yếu diễn ra trong quý II.
Quý II/2025, Công ty CP Cao su Hòa Bình ghi nhận lượng tiêu thụ đạt 1.172 tấn (tăng 174% so với quý II/2024), kéo theo doanh thu tăng lên mức 59,46 tỷ đồng (tăng 227%). Đà tăng này giúp lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 3,53 tỷ đồng, tăng 546% so với quý II/2024. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm của Công ty đạt 5,3 tỷ đồng, tăng 481% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 6/2025, sản lượng xuất khẩu cao su ước đạt 130 nghìn tấn với giá trị đạt 219,9 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su lần lượt đạt 680,1 nghìn tấn và 1,27 tỷ USD, giảm 6,5% về khối lượng và tăng 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.864,7 USD/tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 70%. Hai thị trường lớn tiếp theo là Ấn Độ và Hàn Quốc với thị phần lần lượt là 4,9% và 3,2%.
Theo dữ liệu của Trading Economics, giá cao su giao kỳ hạn trên Sàn Giao dịch Tokyo (TOCOM) biến động mạnh trong 6 tháng đầu năm 2025. Sau khi duy trì ở mức cao trên 190 UScents/kg trong quý I/2025, giá cao su sụt giảm mạnh vào tháng 4/2025, sau đó phục hồi trong thời gian gần đây.
Lý giải về đà giảm sâu của giá cao su sau quý I/2025, ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, nguyên nhân đến từ 2 nhóm áp lực chính. Về yếu tố vĩ mô, việc Mỹ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ tháng 4/2025 gây ra tác động trực tiếp, làm suy yếu nhu cầu từ các ngành công nghiệp chính phụ thuộc vào cao su. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sử dụng cao su chủ yếu như sản xuất lốp xe tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của ngành ô tô khiến nhu cầu sử dụng cao su thô giảm.
Về triển vọng 6 tháng cuối năm, ông Dũng đưa ra dự báo thận trọng rằng, giá cao su khó có thể bứt phá qua mốc 200 UScents/kg. Theo ông, các rủi ro về thương mại quốc tế và tình trạng dư thừa sản lượng trong ngành ô tô vẫn đang gây áp lực lớn lên nhu cầu. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ kịch bản phục hồi nếu thị trường xuất hiện các yếu tố đột biến như nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, nguồn cung tại khu vực ASEAN bị gián đoạn hoặc có những thay đổi lớn về chính sách tiền tệ.
Từ những phân tích trên, ông Dũng nhấn mạnh một chiến lược quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam, đó là cần khẩn trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và chủ động khai thác các thị trường tiềm năng như EU, nơi thị phần của Việt Nam còn rất khiêm tốn, được xem là hướng đi then chốt để bảo đảm tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-cao-su-boi-thu-nua-dau-nam/33953359