Doanh nghiệp chờ “bước chuyển 90 ngày”

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: TL

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng 10-15% so với tháng 4/2025, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần.

Tương tự, với ngành cảng biển, trong ngắn hạn, SSI Research đánh giá Công ty Cổ phần Gemadept, với sản lượng hàng hóa đến Mỹ hiện chiếm khoảng 15% tổng sản lượng sẽ được hưởng lợi từ hoạt động tích trữ hàng hóa, giúp sản lượng tăng mạnh trong quý I và dự kiến tiếp diễn trong quý II.

Tuy nhiên, cả 2 trường hợp đều chỉ mang tính chất nhất thời và phân hóa từng ngành. Về dài hạn, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp và cả nền kinh tế cần tính đến mô hình tăng trưởng mới.

Báo cáo của S&P Global cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm đáng kể trong tháng 4/2025, đảo ngược xu hướng tăng trong tháng 3. Hơn nữa, tốc độ suy giảm là mạnh và nhanh nhất trong gần 2 năm. Người trả lời khảo sát cho biết số lượng đơn đặt hàng mới giảm phản ánh tác động của việc áp dụng thuế quan của Mỹ và sự biến động của tình hình thị trường quốc tế.


 
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới thậm chí còn giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới trước những tuyên bố về thuế quan. Lần giảm thứ 6 liên tiếp của số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài là đáng kể nhất kể từ tháng 6/2023. Thuế quan và tình trạng giảm số lượng đơn đặt hàng mới đã khiến sản lượng quay đầu giảm trở lại sau khi tăng trong tháng 3. Đây là mức giảm mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 1/2023.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết việc áp thuế của Mỹ đã đẩy ngành sản xuất Việt Nam vào tình trạng suy giảm trong tháng 4, khi các công ty đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu và sản lượng. Hơn nữa, khả năng tiếp tục xảy ra gián đoạn cho ngành sản xuất do thuế quan bổ sung khiến niềm tin kinh doanh giảm xuống một trong những mức thấp nhất từng được ghi nhận.

Ông Bùi Văn Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, cho rằng, ngay từ vòng đánh thuế đầu tiên, mức thuế áp lên Việt Nam đã cao hơn rất nhiều nước khác, tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.


 
Nhìn xa hơn về cả nền kinh tế, ông Huy nhận định mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào FDI và xuất khẩu. Với nhiều ngành có biên lợi nhuận mỏng, việc áp thêm thuế khoảng 10-20% trở lên, đặc biệt từ mức 20% trở lên, gần như sẽ ăn mòn hết lợi nhuận. Ở mức thuế khoảng 20% trở lên, việc xuất khẩu sang Mỹ được xem là khó khăn, thậm chí không xuất được qua Mỹ. 

Vì thế, theo ông Huy, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp có thể tìm hướng để dịch chuyển và đa dạng thị trường xuất khẩu, việc này sẽ phụ thuộc vào từng mặt hàng cụ thể. Các thị trường tiềm năng có thể là EU, Trung Đông… tuy không rộng lớn bằng thị trường Mỹ nhưng có thể phần nào bù đắp được tổn thất. 

“Mô hình tăng trưởng trong tương lai sẽ không phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu, đa dạng hóa các thị trường. Cùng với đó, cần phát triển các ngành nghề có hàm lượng trí thức và công nghệ cao”, ông Huy nói.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú mới đây cho biết, 21 ngân hàng đã đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi 500.000 tỉ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Gói tín dụng có lãi suất ưu đãi tối thiểu 1% so với lãi suất cho vay hiện hành và áp dụng trong ít nhất 2 năm. Đây là động thái nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Cũng ở góc nhìn tăng trưởng, Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng vốn dĩ công thức tăng trưởng cho các quốc gia nhỏ như Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng nguồn lực nội địa giá rẻ để tích lũy vốn và công nghệ; tuy nhiên, tiến trình này có lẽ cần được điều chỉnh.

Trong ngắn hạn, PHS tin rằng Chính phủ sẽ đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng cường đầu tư tư nhân và đầu tư công, ổn định mặt bằng lãi suất và đưa ra thêm các gói hỗ trợ cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp FDI nhằm giữ chân nhà đầu tư và duy trì niềm tin của họ.

Bên cạnh đó, quá trình đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều tín hiệu tích cực khi Việt Nam rất chủ động đàm phán thuế quan, nhằm hiện thực hóa các hợp đồng thương mại trị giá 36 tỉ USD. Theo báo cáo chiến lược tháng 5/2025 của SSI Research, các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì cái nhìn lạc quan về triển vọng lợi nhuận năm 2025, dù có nhiều lo ngại xoay quanh các chính sách thuế mới từ Mỹ. 

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-cho-buoc-chuyen-90-ngay/32365231

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *