Doanh nghiệp ‘đứng ngồi không yên’ vì thiếu lao động

Ghi nhận thực tế tại tuyến đường E1, E3, B1, B3 – Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) những ngày đầu tháng 7, đâu đâu cũng thấy biển tấm biển đỏ, xanh đặt ở những vị trí bắt mắt với dòng chữ: “Tuyển gấp công nhân”, “Cần tuyển 50 lao động phổ thông”…

Doanh nghiệp đưa ra các chế độ ưu đãi để thu hút công nhân, lao động vào làm việc. 

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng trong phát triển công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 1 khu kinh tế, hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Riêng tại Khu công nghiệp Phố Nối A – một trong những “trung tâm sản xuất” lớn của tỉnh, hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động ngày đêm, từ điện tử, cơ khí đến chế biến thực phẩm, dệt may. Thế nhưng, phía sau vẻ sôi động ấy là một nỗi lo âm ỉ đang ngày càng trở nên cấp bách: thiếu hụt lao động.

Treo biển đỏ vẫn không tuyển nổi người

Ghi nhận thực tế tại tuyến đường E1, E3, B1, B3 – Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) những ngày đầu tháng 7, đâu đâu cũng thấy biển tấm biển đỏ, xanh đặt ở những vị trí bắt mắt với dòng chữ: “Tuyển gấp công nhân”, “Cần tuyển 50 lao động phổ thông”, “Liên tục tuyển dụng” “Phỏng vấn đi làm ngay”. Nội dung tuyển dụng gần như giống nhau: Lao động phổ thông, không yêu cầu kinh nghiệm; lương cơ bản từ 5 đến 10 triệu đồng, chưa kể phụ cấp, thưởng tháng 13, hỗ trợ ăn ở, xe đưa đón và đầy đủ các chế độ bảo hiểm. Nhưng đáp lại sự “mở lòng” ấy của doanh nghiệp lại là sự thưa thớt trong dòng người nộp hồ sơ.

Chị Nguyễn Thị N, phiên dịch cho Giám đốc một Công ty Trung Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Phố Nối A cho biết, doanh nghiệp cần tuyển thêm 50 – 90 lao động có tay nghề và phổ thông nhưng đăng tin hơn một tháng rồi vẫn chưa tuyển được quá 20 người. Thiếu lao động khiến doanh nghiệp lo lắng thực sự. Bởi không tuyển được thêm công nhân, đồng nghĩa với việc các công nhân cũ sẽ phải làm tăng giờ để đáp ứng đơn hàng.

Tuy nhiên việc tuyển người quá khó khăn trong thời điểm này. Chị N cũng cho biết thêm, hiện nay người lao động có xu hướng “nhảy” việc. Tức là làm vài ngày, nếu không thấy phù hợp thì sẽ lại chuyển nên công ty rất vất vả để giữ chân người lao động. Đôi khi cũng vì thiếu lao động mà các dây chuyền không thể mở rộng, thậm chí có những đơn hàng phải từ chối vì không đủ người làm.

Bảng tuyển dụng được đặt ở những vị trí bắt mắt để chiêu lao động vào làm việc.

Không chỉ những doanh nghiệp đang vận hành gặp khó, mà ngay cả các nhà máy đang xây dựng cũng lo ngay ngáy vì nguy cơ không có nhân công khi đi vào vận hành. Dọc tuyến đường B3, hàng loạt công trình nhà xưởng mới đang khẩn trương hoàn thiện. Nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng vọt trong vài tháng tới, nhưng nguồn cung lao động vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

Tình trạng thiếu hụt lao động không chỉ ảnh hưởng tới các công ty trực tiếp sản xuất mà các trung tâm môi giới việc làm cũng theo giảm thu nhập, do lượng người tìm đến trung tâm thưa vắng.

Theo chị Vũ Kiều Loan, xã Như Quỳnh (Hưng Yên) làm việc tại Công ty Nhân lực Việt – đơn vị chuyên cung ứng lao động cho các Khu công nghiệp ở Hưng Yên cho biết: Trước đây trung bình mỗi tháng tôi cung ứng được khoảng 70 lao động cho các nhà máy ở Phố Nối A. Nay, con số đó tụt xuống chỉ còn hơn 30 người/tháng.

Theo lý giải của chị Loan, do trên địa bàn có hàng chục công ty môi giới, tuyển dụng lao động cùng hoạt động, cộng với việc tại tỉnh có nhiều doanh nghiệp mới ra đời nên người lao động có nhiều lựa chọn hơn. Trong khi đó, tâm lý người trẻ hiện nay lại ngại ràng buộc, họ thường chọn làm thời vụ rồi nghỉ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh Hưng Yên cần bổ sung hàng nghìn lao động cho các dự án mới và mở rộng. Qua những tấm biển tuyển dụng lao động được dựng la liệt tại các công công ty trong Khu công nghiệp Phố Nối A cho thấy một phần thực trạng khá trầm trọng.

Anh Trần Hải Âu – Giám đốc Công ty cơ khí P&P chuyên mạ các thiết bị, đồ dùng từ sắt, đồng… tại Khu công nghiệp Phố Nối A cho biết, dù là doanh nghiệp nhỏ nhưng Công ty của anh cũng thiếu khoảng 10-15% lao động phổ thông và tay nghề. Việc thiếu lao động ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp trong việc đáp ứng đơn hàng; khả năng mở rộng sản xuất cũng gặp khó khăn.

Việc thiếu lao động không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất mà còn khiến nhiều doanh nghiệp chậm tiến độ, đối mặt với nguy cơ phạt hợp đồng và mất uy tín với đối tác quốc tế. Ngoài ra, nếu nhiều doanh nghiệp thiếu lao động thì khả năng hấp thụ nguồn hàng, chuyển dịch sản xuất sẽ gặp khó khăn – anh Âu phân tích.

Cùng chung tâm trạng, một Giám đốc một doanh chuyên sản xuất cơ khí tại Khu công nghiệp Phố Nối A chia sẻ: “Doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở thêm nhà xưởng mới, nhưng giờ đang loay hoay tìm người để vận hành máy móc. Có khi tuyển được người rồi, nhưng chỉ làm vài tuần là nghỉ vì công ty khác lương cao hơn. Cứ như thế thì rất khó duy trì sản xuất ổn định”.

Nan giải bài toán cung không đủ cầu

Bảng tuyển dụng lao động tại một công ty ở Hưng Yên. 

Tỉnh Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng và Quảng Ninh nên những năm qua đã phát triển nhanh, mạnh khu, cụm công nghiệp. Tỉnh liên tục đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến đặt nhà máy, doanh nghiệp.

Riêng trong 6 đầu năm 2025, Hưng Yên sau hợp nhất thu hút thêm 205 dự án đầu tư, với tổng số vốn tương đương trên 5,9 tỷ USD. Trong đó có 123 dự án trong nước, với số vốn cấp mới và tăng thêm trên 4,5 tỷ USD; 82 dự án đầu tư nước ngoài FDI với số vốn cấp mới và tăng thêm trên 1,4 tỷ USD.

Tỉnh Hưng Yên hiện có 3.880 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 40,8 tỷ USD. Do có số lượng án lớn như vậy, vì thế, lượng lao động phổ thông và tay nghề đang là vấn đề hóc búa đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ và nhóm doanh nghiệp FDI với các dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại.

Bảng tuyển dụng lao động tại một công ty ở Hưng Yên.

Qua tìm hiểu, tại một số địa phương trên cả nước như Bắc Ninh, Bình Dương (cũ), nhiều doanh nghiệp cũng đang trong cơn khát nguồn lao động, đặc biệt lao động chất lượng cao. Việc “thừa thầy, thiếu thợ” bắt nguồn từ việc phân luồng đào tạo trong giáo dục; quan niệm của nhiều gia đình không muốn con em đi học nghề mà chọn con đường học đại học nên đã dẫn đến cảnh éo le, doanh nghiệp mỏi mắt tìm lao công nhân.

Song việc thiếu lao động tại nhiều doanh nghiệp cũng đặt ra một vấn đề khác nữa là một số chủ doanh nghiệp chưa có chính sách thu hút và giữ chân công nhân một cách hiệu quả. Có những doanh nghiệp sử dụng lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, dẫn đến tâm lý không yên tâm nên cứ thấy đâu lương cao là xin vào làm việc.

Do đó, trong quá trình thu hút doanh nghiệp đầu tư, các địa phương cũng cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường để giữ thế cạnh tranh và bảo đảm các chỉ số thành phần về đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bài và ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-dung-ngoi-khong-yen-vi-thieu-lao-dong/33542056

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *