Doanh nghiệp kín tiếng ‘họ Vin’ gây bất ngờ lớn sau thương vụ “xả kho” kỷ lục

Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UPCoM: VEF) vừa công bố bức tranh tài chính rực rỡ trong quý II/2025, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ hoạt động bán hàng tại dự án Vinhomes Cổ Loa.

Vinhome cổ loa
Phối cảnh tổng thể dự án Vinhomes Global Gate

Trong kỳ, doanh thu thuần của VEF đạt 4.861 tỷ đồng, gấp gần 20 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính cũng bật tăng lên 581 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với quý II/2024. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cán mốc 349 tỷ đồng, tăng trưởng 220%.

Cú bứt phá về lợi nhuận đến từ việc VEF bắt đầu ghi nhận doanh thu từ việc chuyển nhượng và bán sản phẩm tại dự án Vinhomes Cổ Loa (tên thương mại Vinhomes Global Gate), dự án trọng điểm mà doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên dự án này đóng góp thực chất vào kết quả kinh doanh của công ty sau nhiều năm đầu tư.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu thuần vọt lên 44.565 tỷ đồng, gấp 86 lần cùng kỳ. Doanh thu tài chính ghi nhận 2.408 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt 15.250 tỷ đồng, mức tăng hơn 8.300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả ấn tượng của VEF trong quý đầu năm đã góp phần tạo nên khoản lợi nhuận khổng lồ trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu thuần quý 1/2025 đạt mức kỷ lục 44.560 tỷ đồng, cao gấp hàng chục nghìn lần so với mức 268 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần như toàn bộ đến từ thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản Vinhomes Global Gate cho Công ty CP Thời đại mới T&T – một đơn vị có liên quan đến Masterise Group.

Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của VEF sụt giảm mạnh, từ mức hơn 105.000 tỷ đồng đầu năm xuống còn 36.243 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm hàng tồn kho – phần lớn đến từ các dự án Vinhomes Cổ Loa và 148 Giảng Võ – từ 22.157 tỷ đồng còn 3.796 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiền mặt và các khoản phải thu ngắn hạn cũng lần lượt giảm 895 tỷ đồng và 49.066 tỷ đồng.

Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả của VEF giảm đáng kể – từ hơn 101.000 tỷ đồng đầu năm còn 24.221 tỷ đồng cuối quý II. Sự sụt giảm lớn nhất đến từ khoản “người mua trả tiền trước ngắn hạn”, giảm từ 63.090 tỷ đồng xuống chỉ còn 27 tỷ đồng. Ngược lại, vốn chủ sở hữu đã tăng gần gấp 3 lần, đạt 12.022 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, VEF ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với thời điểm hồi đầu năm.

Một điểm đáng chú ý khác trong quý là việc VEF chi trả cổ tức tiền mặt cực “khủng” lên tới 435% (tức 43.500 đồng/cổ phiếu), tương đương tổng chi hơn 7.247 tỷ đồng. Riêng cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC), với tỷ lệ nắm giữ 83,32%, đã nhận về hơn 6.000 tỷ đồng cổ tức.

Đáng lưu ý, trước khi doanh thu từ bất động sản được ghi nhận, VEF chủ yếu sống nhờ nguồn thu từ lãi cho vay, với khoảng 11.000 tỷ đồng đang được cho các đối tác vay với lãi suất 12%/năm. Khoản lãi này từng là “xương sống” tài chính trong nhiều năm.

Chốt phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu VEF ghi nhận mức giá 186.100 đồng/cổ phiếu – tăng gần 33% so với đầu năm. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của công ty ước đạt khoảng 31.000 tỷ đồng.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-kin-tieng-ho-vin-gay-bat-ngo-lon-sau-thuong-vu-xa-kho-ky-luc-1392064.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *