Công ty CP Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ ô tô PTM – công ty con của Haxaco Group vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với bức tranh kinh doanh trái chiều: doanh thu tăng trưởng mạnh, nhưng lợi nhuận lại giảm do chi phí vận hành và hàng tồn kho tăng vọt.
Cụ thể, trong quý II/2025, doanh thu thuần của PTM đạt hơn 391,1 tỷ đồng, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng tới 59,5%, khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 13%, đạt 58,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó bị thu hẹp, phản ánh hiệu quả sinh lời thấp hơn trước.
Áp lực từ chi phí vận hành tiếp tục đè nặng lên kết quả tài chính của doanh nghiệp. Chi phí tài chính trong kỳ, hoàn toàn là lãi vay tăng gấp đôi lên gần 3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt gần 25 tỷ đồng và 16,8 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với cùng kỳ.
Nguyên nhân được xác định là do chi phí nhân sự và chi phí dịch vụ thuê ngoài tăng đột biến trong bối cảnh mở rộng hoạt động kinh doanh và cạnh tranh gay gắt.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý II/2025 của PTM giảm 24,5% so với cùng kỳ, chỉ còn 23,7 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết mức sụt giảm chủ yếu đến từ chi phí tăng cao và áp lực cạnh tranh về giá từ các đối thủ cùng ngành phân phối ô tô.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu thuần của PTM đạt 687,8 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 42 tỷ đồng, giảm 18,8%. Điều này cho thấy dù doanh số bán hàng tăng trưởng tốt, biên lợi nhuận của PTM đang bị co hẹp đáng kể do chi phí hoạt động tăng nhanh hơn doanh thu.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của PTM đạt 795,1 tỷ đồng, tăng 38,1% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 641,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hàng tồn kho của công ty tăng vọt lên 393,9 tỷ đồng – gấp 3 lần so với đầu năm và chiếm hơn 61% tài sản ngắn hạn. Cụ thể, giá trị hàng hóa tồn kho tăng mạnh từ 124,9 tỷ đồng lên 388,4 tỷ đồng, trong khi nguyên liệu và vật liệu tăng nhẹ từ 3,6 tỷ đồng lên 5,5 tỷ đồng.
Ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền của PTM lại giảm mạnh tới 70,7%, chỉ còn 46,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp không còn ghi nhận khoản tương đương tiền, trong khi tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn hầu như không thay đổi đáng kể.
Tổng nợ phải trả tính đến cuối quý II/2025 của PTM là hơn 327,2 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Toàn bộ khoản nợ này là nợ ngắn hạn, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm gần 80%, tương đương 259,3 tỷ đồng.
Tỷ lệ đòn bẩy tăng cao đang đặt ra bài toán về áp lực thanh khoản và chi phí lãi vay trong giai đoạn tới, nhất là khi hiệu suất tiêu thụ hàng tồn kho chưa được cải thiện rõ rệt.
Đáng chú ý, vào tháng 10/2024, PTM đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Công ty SAIC Motor Việt Nam – đơn vị phân phối độc quyền xe MG tại thị trường Việt Nam, đồng thời là công ty con của Tập đoàn SAIC Motor (một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc).
MG (Morris Garages) là thương hiệu ô tô có nguồn gốc từ Anh, được thành lập năm 1924, hiện thuộc sở hữu của SAIC Motor. Thương hiệu này đang từng bước xây dựng chỗ đứng tại Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc xe phổ thông và xe điện.
Việc bắt tay với SAIC Motor được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho PTM trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa kỳ vọng này, doanh nghiệp cần xử lý hiệu quả lượng hàng tồn kho lớn hiện tại, đồng thời kiểm soát tốt chi phí và dòng tiền trong bối cảnh lãi suất và chi phí đầu vào vẫn chưa thực sự hạ nhiệt.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-phan-phoi-xe-mg-ghi-nhan-doanh-thu-tang-gan-50-trong-nua-dau-nam-1392199.html