6 tháng đầu năm 2025 đánh dấu một giai đoạn bứt phá ngoạn mục của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Sau những năm chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát và suy giảm nhu cầu toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam đã trở lại đầy mạnh mẽ, khẳng định bản lĩnh và khả năng thích ứng, đóng góp tích cực vào đà phục hồi và tăng tốc của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ riêng trong tháng 6, cả nước đã có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng vọt 61,4% so với tháng trước và hơn 60% so với cùng kỳ năm 2024. Cùng với đó, có tới 14,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, mức tăng chưa từng thấy, lên tới 79,5% so với tháng trước và gần gấp đôi so với cùng kỳ. Đây không chỉ là những con số ấn tượng, mà còn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin thị trường đang trở lại, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và dòng vốn đầu tư tư nhân đang được tái khơi thông.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 91,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lao động đăng ký đạt hơn 591,1 nghìn người, tăng gần 14%. Thêm vào đó, hơn 61,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên 152,7 nghìn doanh nghiệp, đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bình quân mỗi tháng có tới 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới hoặc tái gia nhập thị trường, con số đầy khích lệ cho sức sống và kỳ vọng của cộng đồng doanh nhân trong bối cảnh mới.
Doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2025 phân theo một số lĩnh vực hoạt động
Các ngành dịch vụ vẫn là tâm điểm thu hút doanh nghiệp mới. Trong 6 tháng, khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% số doanh nghiệp thành lập mới, tăng mạnh 14,5% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống; bất động sản; vận tải, kho bãi đều ghi nhận mức tăng doanh nghiệp mới từ 4,6% đến 15,8%, cho thấy nhu cầu tiêu dùng, du lịch, logistics và thị trường nhà ở đang dần hồi phục.
Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ, với gần 12 nghìn doanh nghiệp mới, tăng 19,1%, phản ánh rõ xu hướng đầu tư vào sản xuất công nghiệp phục vụ cả xuất khẩu và nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên, bên cạnh làn sóng gia nhập thị trường, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp rút lui. Trong 6 tháng, có hơn 80,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, hơn 34 nghìn doanh nghiệp chờ giải thể và 12,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất giải thể. Bình quân mỗi tháng có hơn 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, chi phí vốn, giá nguyên liệu đầu vào và áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế vẫn là những bài toán khó. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với yêu cầu chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, sạch, ứng dụng công nghệ số… đòi hỏi nguồn lực lớn.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui tăng chậm hơn so với tốc độ gia nhập thị trường, phản ánh xu thế “đào thải tự nhiên” trong một môi trường kinh doanh ngày càng khắt khe nhưng cũng đầy tiềm năng. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm vượt 2,77 triệu tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nguồn lực thực chất từ khu vực tư nhân đang được kích hoạt mạnh mẽ.
Cục Thống kê nhận định, kết quả 6 tháng đầu năm đã cho thấy niềm tin và sự năng động của doanh nghiệp Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, linh hoạt hơn, sáng tạo hơn và kết nối tốt hơn với xu thế toàn cầu. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để khu vực doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt, tạo sức bật cho nền kinh tế trong nửa cuối năm và những năm tiếp theo.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-phuc-hoi-manh-me-tiep-suc-cho-tang-truong-kinh-te/33991910