Doanh nghiệp thép ở Đà Nẵng vượt 1.300 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận tăng 200%

Tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lợi nhuận vẫn mỏng

Một doanh nghiệp thép hàng đầu ở Đà Nẵng – Công ty Cổ phần Kim khí Miền Trung (Cevimetal, mã CK: KMT) – vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 đầy ấn tượng. Trong ba tháng, công ty đạt doanh thu thuần lên tới 1.380,6 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2024, ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó, lợi nhuận gộp đạt 29,35 tỷ đồng, tăng 31%, cho thấy biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp được duy trì ổn định bất chấp sức ép chi phí đầu vào trong ngành thép. Điểm đáng chú ý nhất trong kỳ là lợi nhuận sau thuế quý II của Cevimetal đạt 2.626,9 tỷ đồng, tăng tới 200%, gấp hơn ba lần quý II năm ngoái.

doanh-nghiep-thep1.png
Doanh thu và lợi nhuận của Kim khí Miền Trung tăng mạnh trong quý 2/2025

Theo giải trình từ doanh nghiệp, mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến này đến từ việc công ty đẩy mạnh công tác bán hàng, doanh thu tăng 36%, lãi gộp tăng 31% nên lợi nhuận tăng.

Tuy nhiên, bức tranh tích cực ở quý II vẫn chưa đủ khỏa lấp điểm yếu cố hữu. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Cevimetal đạt 2.577,9 tỷ đồng, tăng hơn 470 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ lên 4,6 tỷ đồng, so với 4,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vẫn còn thấp so với tốc độ tăng doanh thu, cho thấy biên lợi nhuận thuần còn khá mỏng – một vấn đề đặc thù của các doanh nghiệp thép sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Dòng tiền kinh doanh âm, đầu tư tài chính chưa phát huy hiệu quả

Mặc dù lợi nhuận kế toán ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, dòng tiền thực tế lại đi theo chiều hướng ngược lại. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong nửa đầu năm 2025, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 36,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 2,88 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các khoản phải thu tăng vọt hơn 55 tỷ đồng, phản ánh công ty đẩy mạnh bán hàng nhưng lại gặp khó trong khâu thu hồi tiền mặt. Đây là rủi ro phổ biến trong ngành thép – lĩnh vực thường phải áp dụng điều khoản thanh toán giãn thời gian để giữ chân khách hàng.

Ở mảng đầu tư, Cevimetal chi ra 300 triệu đồng cho các khoản đầu tư mới nhưng chỉ thu về 19,5 triệu đồng từ cổ tức và lãi cho vay – con số quá nhỏ bé so với quy mô tài sản tài chính của doanh nghiệp. Kết quả là dòng tiền từ hoạt động đầu tư tiếp tục âm 280 triệu đồng.

kim-khi-mien-trung(1).jpg
Tân TGĐ Kim khí Đà Nẵng – ông Đoàn Công Sơn – người vừa được bổ nhiệm vào cuối tháng 7 sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Anh Hoàng xin nghỉ

Hoạt động tài chính là điểm sáng hiếm hoi, với dòng tiền thuần dương hơn 35 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã vay mới tổng cộng 1.650,5 tỷ đồng và trả nợ gốc 1.615,2 tỷ đồng, nhờ đó cân đối được phần nào dòng tiền thiếu hụt. Tuy nhiên, tổng lưu chuyển tiền thuần 6 tháng vẫn âm 1,3 tỷ đồng – so với mức âm gần 819 triệu đồng cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối kỳ, tiền mặt của doanh nghiệp còn lại 8,97 tỷ đồng, giảm so với 10,27 tỷ đồng đầu năm. Đây là mức tồn quỹ không quá thấp, nhưng so với quy mô doanh thu hàng nghìn tỷ thì là khá hạn chế.

Nợ vay lớn, nợ xấu kéo dài và rủi ro tài chính hiện hữu

Báo cáo tài chính quý II/2025 cũng phác họa rõ ràng bức tranh cơ cấu tài chính đáng lo ngại. Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của Cevimetal đạt 825,2 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 32 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, hơn 84% tổng tài sản là các khoản phải thu và hàng tồn kho, trong đó khoản phải thu khách hàng lên tới gần 700 tỷ đồng, còn tồn kho khoảng 22,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn dòng tiền của doanh nghiệp đang “nằm im” dưới dạng công nợ và hàng hóa, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

kim-khi-mien-trung2.jpg
Nợ xấu gần như không còn khả năng thu hồi của Kim khí Miền Trung

Về nguồn vốn, nợ phải trả chiếm tới 83% tổng nguồn vốn, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên đến 618,5 tỷ đồng. Với tỷ lệ đòn bẩy tài chính nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt 4,7 lần, Cevimetal nằm trong nhóm doanh nghiệp thép có rủi ro tài chính cao, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất vẫn ở vùng cao và dòng tiền đang âm.

Không chỉ gánh nặng nợ vay, Cevimetal còn đối diện với 17,3 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu từ những đối tác như Công ty TNHH Thép Việt Pháp, Công ty TNHH Phát triển Xanh TV và một số doanh nghiệp đã quá hạn thanh toán từ 6 tháng đến trên 7 năm. Khả năng thu hồi các khoản này được đánh giá là bằng 0 và đã được trích lập dự phòng toàn bộ, nhưng vẫn ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng tài sản.

Đáng lưu ý, trong danh mục đầu tư tài chính, công ty đang nắm giữ cổ phiếu HBC với giá gốc 10 tỷ đồng, nhưng đã phải trích lập dự phòng 3,5 tỷ đồng, tương đương 35% giá trị gốc. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư vào chứng khoán chưa mang lại hiệu quả và cần được rà soát lại.

Tổng công ty Thép Việt Nam – cổ đông lớn nhất – hiện nắm hơn 38,8% vốn góp của Kim khí Miền Trung.

Theo các chuyên gia, Cevimetal – doanh nghiệp thép chủ lực ở Đà Nẵng – đang đi đúng hướng trong việc mở rộng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận thông qua kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng xử lý dòng tiền âm, gánh nặng nợ vay và nợ xấu kéo dài, tăng trưởng chỉ dừng lại ở con số kế toán mà không chuyển hóa thành giá trị bền vững.

Đây là thời điểm bản lề để công ty tái cấu trúc tài chính, kiểm soát vòng quay công nợ, tối ưu danh mục đầu tư và giải quyết dứt điểm các khoản phải thu khó đòi. Nếu làm tốt, Cevimetal có thể củng cố nền móng vững chắc để bứt phá trong nửa sau năm 2025 và những năm tiếp theo.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-thep-o-da-nang-vuot-1-300-ty-dong-doanh-thu-loi-nhuan-tang-200-1393221.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *