CC1 dứt áo khỏi Chương Dương
Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (UpCoM: CC1), một trong những nhà thầu chủ lực của Dự án Sân bay Long Thành, vừa đăng ký thoái toàn bộ 10.453.374 cổ phiếu tại Công ty CP Chương Dương (HOSE: CDC). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 17/7 đến 15/8/2025 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Động thái này sẽ đưa tỷ lệ sở hữu của CC1 tại Chương Dương từ 23,77% về 0%. Với giá thị trường ngày 14/7 khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu, ước tính tổng giá trị thoái vốn vào khoảng 156,8 tỷ đồng. Mục đích giao dịch được công bố là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Điểm đáng chú ý là ông Võ Quốc Khánh, hiện là Thành viên HĐQT của CDC, đồng thời là đại diện phần vốn góp của CC1 tại doanh nghiệp này. Việc thoái vốn của CC1 có thể kéo theo sự thay đổi về nhân sự cấp cao trong HĐQT của Chương Dương thời gian tới.
Động thái rút lui của CC1 diễn ra chỉ ít tuần sau khi Chương Dương hoàn tất đợt chào bán hơn 21,98 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 11.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 241,8 tỷ đồng. Số tiền này được công ty phân bổ để: Trả nợ vay cá nhân nhằm góp vốn vào công ty con – CTCP Chương Dương Homeland; Mua lại trái phiếu đến hạn hoặc trước hạn;Cơ cấu lại các khoản vay ngân hàng ngắn hạn.
Đáng nói, Chương Dương Homeland hiện đang phát triển một dự án nhà ở xã hội tại phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, với quy mô 1,4 ha và tổng vốn đầu tư lên đến 1.348 tỷ đồng – một dự án được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ đà phát triển hạ tầng quanh sân bay Long Thành. Dự án dự kiến triển khai pháp lý và thi công từ quý I/2024 đến quý I/2026 và bàn giao vào đầu năm 2026.
Đến hết quý 1/2025, nợ vay của CC1 sắp chạm mức 6.050 tỷ đồng, gồm hơn 3.769 tỷ đồng vay ngắn hạn. BIDV là chủ nợ lớn nhất trong ngắn hạn với khoản vay hơn 1.393,7 tỷ đồng, trong khi VDB là chủ nợ lớn nhất trong dài hạn (hơn 1.300 tỷ đồng).
Tuy nhiên, việc CC1 – một cổ đông lớn – chọn không tham gia đợt tăng vốn, đồng thời rút toàn bộ vốn khỏi CDC, cho thấy sự khác biệt về chiến lược phát triển. Trong bối cảnh Chương Dương tập trung vào bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội, CC1 dường như đang ưu tiên dòng vốn cho những dự án gắn trực tiếp với năng lực cốt lõi và các gói thầu đầu tư công.
Nhà thầu gạo cội của ACV, cổ phiếu vẫn chờ cất cánh
CC1 là một trong những doanh nghiệp xây dựng kỳ cựu nhất Việt Nam, với hơn 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công hạ tầng – từ điện lực, giao thông, đến bệnh viện và nhà ga. Đặc biệt, trong giai đoạn 2023–2025, CC1 nổi bật trong hệ sinh thái các dự án do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Tại ‘đại dự án’ Sân bay Long Thành, CC1 là nhà thầu chính của gói thầu 4.8 với giá trị hơn 11.000 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh nghiệp là thành viên của Liên danh Vertu trúng gói 5.10 thi công và lắp đặt nhà ga hành khách sân bay Long Thành – gói thầu lớn nhất toàn dự án, trị giá 35.828 tỷ đồng. Gần đây nhất, họ còn trúng gói 11.5 trị giá 3.144 tỷ đồng.
Ngoài Long Thành, CC1 cũng là thành viên liên danh trúng gói thầu số 12 xây dựng Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, giá trúng hơn 9.034 tỷ đồng vào quý III/2023. Theo thống kê đến giữa năm 2025, CC1 đã trúng ít nhất 58 gói thầu trên cả nước, với tỷ lệ thành công 2/3 các gói đã tham gia.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CC1 (Tổng Công ty Xây dựng số 1) có nhiều biến động đáng chú ý trong thời gian gần đây. Mã này từng đạt đỉnh 52 tuần ở mức 23.800 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2025 – tăng khoảng 30% so với đầu tháng 5, dù thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7/2025, diễn biến giá chuyển sang tích cực rõ nét hơn khi CC1 bật tăng từ vùng 25.000 đồng lên đỉnh 31.000 đồng vào ngày 11/7, tương ứng mức tăng hơn 24% chỉ trong vòng hai tuần. Đà tăng này ghi nhận sự đồng thuận của dòng tiền, với phiên giao dịch cao điểm vượt 31.000 cổ phiếu, phản ánh kỳ vọng ngắn hạn từ nhà đầu tư cá nhân.
Sự bứt phá của CC1 trùng thời điểm công bố thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Chương Dương (CDC), làm dấy lên nhận định rằng doanh nghiệp đang chủ động cơ cấu lại danh mục, tái phân bổ nguồn lực về các dự án hạ tầng cốt lõi như sân bay Long Thành – nơi họ trúng thầu hàng loạt gói trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, sau nhịp tăng mạnh, cổ phiếu bắt đầu hạ nhiệt trong các phiên gần đây khi thanh khoản giảm và xuất hiện áp lực chốt lời. Diễn biến này phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh mô hình kinh doanh xây lắp vốn có biên lợi nhuận thấp, đòi hỏi dòng vốn lớn nhưng chưa tạo được cú hích tài chính rõ rệt.
Dẫu vậy, trong ba năm gần đây, CC1 đã có dấu hiệu chuyển hướng từ nhà thầu thuần túy sang vai trò nhà đầu tư hạ tầng. Cuối quý I/2025, doanh nghiệp nắm giữ gần 42 triệu cổ phiếu tại 8 đơn vị liên kết, giá trị hơn 1.314 tỷ đồng – tăng mạnh so với đầu năm. Đây có thể là tiền đề cho một chiến lược tái định vị dài hạn, trong đó việc thoái vốn tại CDC là bước đi khởi đầu.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-thi-cong-san-bay-long-thanh-thoai-sach-von-tai-chuong-duong-1391005.html