Doanh nghiệp thủy sản băn khoăn việc ‘vướng’ thuế vì gia nhiệt phụ phẩm

Cùng là phụ phẩm thủy sản, nhưng phần được loại ra từ nguyên liệu qua gia nhiệt (hấp, luộc) và phần loại ra từ nguyên liệu tươi lại chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) khác nhau. Điều này, gây ra không ít khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp, thậm chí làm giảm khả năng cạnh tranh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh…

Cùng là phụ phẩm thủy sản, nhưng qua gia nhiệt lại bị đánh thuế. Ảnh: KA

Số liệu từ Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết tổng khối lượng phụ phẩm ngành thủy sản thải ra từ hoạt động sản xuất, chế biến mỗi năm ước đạt khoảng 1,3 – 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng lượng thủy sản của cả nước.

Hiện phụ phẩm ngành thủy sản mang lại giá trị khoảng 275 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong khi tiềm năng có thể đạt 4-5 tỉ đô la Mỹ nếu được đầu tư công nghệ khai thác để chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Áp thuế phụ phẩm thủy sản có hợp lý?

Giữa con số giá trị hiện tại và tiềm năng như trên, có thể thấy việc sử dụng phụ phẩm ngành thủy sản còn chưa hiệu quả. Phần lớn phụ phẩm hiện mới chỉ được tận dụng làm nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi, thay vì chế biến thành sản phẩm giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, bài viết này muốn đề cập đến một bất cập đang gây khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản trong quá trình tiêu thụ phụ phẩm.

Trao đổi với KTSG Online, đại diện một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản (đề nghị không nêu tên), cho biết cùng là tôm thẻ chân trắng, nhưng phụ phẩm (đầu, vỏ…) từ sản phẩm đông lạnh (chưa qua gia nhiệt) được miễn thuế VAT, trong khi phụ phẩm từ sản phẩm đã hấp, luộc bị áp mức thuế là 10%.

“Phụ phẩm cuối cùng vẫn chỉ là đầu, vỏ tôm, không tạo thêm giá trị gia tăng nào, tại sao lại đánh thuế?”, vị này đặt câu hỏi, đồng thời cho biết điểm khác biệt duy nhất là thời điểm tách phụ phẩm: một loại được lặt đầu, bóc vỏ khi tôm còn tươi; một loại thực hiện sau khi đã hấp, luộc.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Cafatex, cho biết tùy đơn hàng hoặc yêu cầu từ nhà nhập khẩu, có trường hợp doanh nghiệp phải lặt đầu, bóc vỏ trước khi luộc hoặc ngược lại. “Nhưng việc áp thuế với phần phụ phẩm sau luộc là không hợp lý, bởi cuối cùng vẫn là phụ phẩm, không sử dụng làm thực phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, không tạo ra thêm giá trị gia tăng nào”, ông nói.

Bất cập nêu trên cũng được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong ngành- phản ánh đến cơ quan quản lý.

Trong văn bản phản ánh, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký VASEP, cho biết hướng dẫn của cơ quan thuế địa phương quy định các loại “phế phẩm, phụ phẩm” được xác định là hàng thủy, hải sản “chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản thông thường” như làm sạch, phơi, sấy khô, bóc vỏ, xay, cắt, ướp muối, bảo quản lạnh… sẽ thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế VAT.

Trong khi đó, các loại phụ phẩm đã qua gia nhiệt ( hấp, luộc) lại bị áp thuế VAT phổ thông là 10%.

Tuy nhiên, VASEP cho rằng cách áp thuế như trên lại mâu thuẫn với quy định tại mục b.1 khoản 3 điều 4 của Thông tư 83/2014/TT-BTC ngày 26-6-2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện thuế VAT theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam.

Cụ thể, thông tư nêu rõ: “…phế phẩm, phụ phẩm của sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản như: trấu, tấm, cám, đầu vỏ tôm, đầu cá, xương cá, nội tạng… đều là sản phẩm ‘chưa chế biến thành sản phẩm khác’ hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, không phải kê khai, tính thuế VAT ở khâu thương mại”.

Việc đánh thuế có thể khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: KA

Thêm chi phí và nhân lực

Theo đánh giá của VASEP, cách đánh thuế hiện nay đang tạo ra những bất cập đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp buộc phải bố trí thêm nhân lực để phân loại phụ phẩm tươi và phụ phẩm từ nguyên liệu đã qua gia nhiệt- dù thực chất chúng giống hệt nhau, chẳng hạn đều là đầu, vỏ tôm. Việc phải tách riêng từng loại phụ phẩm để lập hóa đơn riêng cũng khiến doanh nghiệp tốn thêm thời gian, chi phí.

Từ phía người mua, không ít khách hàng từ chối mua cùng loại phụ phẩm (ví dụ đầu, vỏ tôm) với hai mức thuế khác nhau (0% và 10%) từ một doanh nghiệp.

Ông Kịch của Cafatex, cho rằng phụ phẩm là nguồn thu thêm, giúp doanh nghiệp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chính khi xuất khẩu. “Nhờ đó, doanh nghiệp có thể bán được nhiều hơn, tăng doanh thu, lợi nhuận và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn cho nhà nước”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, khi phụ phẩm bị áp thuế, chi phí tăng lên, kéo theo giá thành sản phẩm chính cũng tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh. Điều này, có thể khiến doanh thu, lợi nhuận giảm, dẫn đến khoản thuế doanh nghiệp nộp cho ngân sách cũng bị ảnh hưởng theo.

Nói rõ hơn về vấn đề này, theo ông Kịch, phần lớn phụ phẩm của doanh nghiệp được bán cho người chăn nuôi– vốn là nông dân, cá thể nhỏ lẻ- không thể xuất hóa đơn VAT. Do đó, doanh nghiệp có thể phải hạ giá bán để bù mức VAT 10%, làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Nếu không hạ giá mà cộng thêm 10% VAT vào giá bán, tức người chăn nuôi sẽ phải chịu giá mua cao hơn, khiến chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào cho ngành xuất khẩu.

Còn nếu khách hàng không đồng ý mức giá mới, họ có thể chuyển sang dùng nguyên liệu thay thế, buộc doanh nghiệp phải xử lý phụ phẩm như chất thải, vừa tốn chi phí, vừa gây lãng phí tài nguyên.

Rõ ràng, các phụ phẩm chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường nên được miễn kê khai, tính thuế VAT ở khâu thương mại. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản phát triển ổn định, bền vững, nhất là trong bối cảnh thủy sản Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nước đối thủ khi xuất khẩu.

Trung Chánh

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-thuy-san-ban-khoan-viec-vuong-thue-vi-gia-nhiet-phu-pham/33829412

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *