Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP) – một doanh nghiệp thủy sản lớn tại Đà Nẵng đang phải đối mặt với những thách thức rõ rệt từ thị trường quốc tế và nội lực tài chính, dù vẫn duy trì được lợi nhuận tăng nhẹ sau nửa đầu năm.
Theo báo cáo tài chính quý II/2025, doanh thu thuần của Thủy sản Thuận Phước chỉ đạt 801,9 tỷ đồng, giảm hơn 60 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi gộp và lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lần lượt đạt 69,1 tỷ đồng và 12,4 tỷ đồng, đều suy giảm so với quý II/2024. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý II giảm còn 10,6 tỷ đồng, so với 11,9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Giải trình kết quả kinh doanh đi lùi, doanh nghiệp cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm doanh thu thị trường Mỹ – vốn là thị trường trọng điểm lâu nay. Trong quý II/2024, doanh thu từ Mỹ đạt 12,8 triệu USD, nhưng đến quý II/2025 chỉ còn 5 triệu USD. Việc hụt thu hơn 7 triệu USD khiến biên lợi nhuận thu hẹp đáng kể, trong khi chi phí tài chính lại tăng tới 29% do biến động tỷ giá.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.465,2 tỷ đồng, giảm so với 1.511,4 tỷ đồng cùng kỳ. Tuy vậy, nhờ kết quả quý I tích cực, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm vẫn tăng nhẹ, đạt 15,5 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 14,5 tỷ đồng năm ngoái.
Vấn đề nổi cộm nằm ở dòng tiền. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 317,7 tỷ đồng, gấp đôi so với mức âm 147,6 tỷ đồng cùng kỳ 2024. Doanh nghiệp thủy sản thu về hơn 1.431 tỷ đồng từ bán hàng nhưng lại chi trả tới 1.464 tỷ đồng cho nhà cung cấp, bên cạnh đó là 133 tỷ đồng chi trả cho người lao động và gần 17 tỷ đồng tiền lãi vay.
Trong khi dòng tiền đầu tư chỉ đạt 306 triệu đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính đạt 243,9 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản vay mới hơn 1.653,6 tỷ đồng, bù đắp cho 1.409,7 tỷ đồng tiền trả nợ gốc. Tuy vậy, dòng tiền thuần trong kỳ vẫn âm 73,4 tỷ đồng, kéo theo tiền và tương đương tiền cuối kỳ chỉ còn 5,6 tỷ đồng, “bốc hơi” gần như toàn bộ so với mức 61,9 tỷ đồng đầu kỳ.
Gánh nặng nợ vay ngày càng lớn
Một điểm đáng lo ngại khác trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp thủy sản này là đòn bẩy tài chính gia tăng mạnh. Tính đến ngày 30/6/2025, tổng nợ vay và thuê tài chính lên tới 1.099 tỷ đồng, tăng hơn 260 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm đến 1.018 tỷ đồng, tương đương 92,6% tổng nợ vay.
Doanh nghiệp đang vay vốn từ các tổ chức tài chính lớn như Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Công Thương… với cơ cấu vay gồm cả VND và ngoại tệ. Đặc biệt, vay bằng ngoại tệ ngắn hạn chiếm tới 657 tỷ đồng, tiềm ẩn rủi ro tỷ giá rất lớn nếu đồng USD biến động mạnh.
Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp đạt 1.275,5 tỷ đồng, tăng gần 32% so với đầu năm, chiếm 78% tổng nguồn vốn. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn là 110,6 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu kỳ, phản ánh áp lực từ chuỗi cung ứng cũng như dòng tiền luân chuyển chậm.
Mặc dù dòng tiền kinh doanh âm và nợ vay tăng cao, tổng tài sản của Thủy sản Thuận Phước vẫn ghi nhận tăng trưởng từ 1.324 tỷ lên 1.635,9 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Tuy nhiên, phần tăng chủ yếu đến từ hàng tồn kho, với giá trị lên đến 810 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu kỳ.
Điều này cho thấy doanh nghiệp đang tích trữ lượng hàng lớn chưa tiêu thụ, có thể do đơn hàng giảm sút hoặc hoạt động sản xuất dồn dập trong giai đoạn thấp điểm xuất khẩu. Với ngành thủy sản vốn phụ thuộc vào thị trường quốc tế và tính thời vụ, việc tồn kho cao có thể dẫn đến áp lực về chi phí bảo quản, rủi ro giảm giá và kéo dài chu kỳ vốn.
Ngược lại, tiền và tương đương tiền chỉ còn 5,7 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi không kỳ hạn. Đây là mức thấp đáng báo động, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh nhu cầu thanh toán cao và nợ ngắn hạn lớn.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-thuy-san-da-nang-giam-lai-do-hut-thu-hang-trieu-usd-vao-thi-truong-my-ngan-quy-con-chua-toi-6-ty-dong-1392591.html