Phát biểu tại New Jersey cách đây ít hôm, ông Trump khẳng định nước Mỹ “không nhất thiết cần một ngành dệt may bùng nổ”, và nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn sản xuất áo phông hay tất chân. Thay vào đó, nước Mỹ nên tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính, thiết bị quân sự, xe tăng, tàu chiến – những ngành có giá trị cao và mang tính chiến lược”.
Thông điệp này dù chưa mang tính chính sách chính thức, nhưng ngay lập tức được thị trường tài chính nhìn nhận là tín hiệu Mỹ có thể “nhường lại” không gian sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may cho các quốc gia xuất khẩu. Với Việt Nam – quốc gia đang giữ vị trí xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới và là đối tác cung ứng hàng đầu cho thị trường Mỹ, đây có thể là cơ hội mở ra một chu kỳ “bội thu” hàng mới.
Cổ phiếu dệt may bứt phá, dòng tiền lan tỏa rộng
Trên thị trường chứng khoán, phản ứng với phát ngôn nêu trên là rất rõ ràng. Trong phiên 26/5, hàng loạt cổ phiếu dệt may tăng trần như VGT, TNG, HTG, TCM, MSH, GIL. Các mã khác như M10, VGG, HSM, STK, TVT cũng tăng mạnh từ 3–7%, với thanh khoản gấp đôi bình quân 20 phiên gần nhất.
Đà tăng chưa dừng lại trong phiên 27/5. HTG tiếp tục kịch trần, TNG, VGT, TCM tăng thêm hơn 6%, còn MSH, STK, GIL, HDM duy trì sắc xanh 2–5%. Nhiều mã thậm chí đang tiệm cận vùng đỉnh giá ngắn hạn, cho thấy lực cầu quay trở lại mạnh mẽ sau nhiều tuần tích lũy.
Theo giới phân tích kỹ thuật, mặt bằng giá nhóm dệt may hiện đã vượt qua vùng kháng cự trung hạn, mở ra dư địa hồi phục nếu thông tin hỗ trợ tiếp tục rõ ràng trong thời gian tới.
Chuỗi cung ứng Việt Nam trước cơ hội “bù khoảng trống”
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2025, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch 8,69 tỷ USD, riêng xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,78 tỷ USD – chiếm 43,6% tổng kim ngạch toàn ngành.
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cho biết trong tháng 4, xuất khẩu toàn ngành đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Dự báo từ nay đến giữa tháng 7 – thời điểm Mỹ kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế – có thể sẽ xuất hiện các chính sách thuế đối ứng mang tính ưu đãi cho Việt Nam.
Ngoài ra, tồn kho hàng may mặc tại Mỹ hiện ở mức thấp, nhiều nhãn hiệu lớn chỉ còn đủ hàng cho 6–8 tuần, đặc biệt với dòng sản phẩm mùa thu – đông như sweater vốn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Pakistan đang đối mặt với bất ổn về điện năng, chính trị, khiến năng lực cung ứng giảm đáng kể.
Nhưng cơ hội lớn thường không dễ dàng
Dù triển vọng đơn hàng có dấu hiệu tích cực, nhưng thách thức với doanh nghiệp trong ngành vẫn còn lớn. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận sức ép từ chi phí sản xuất, đặc biệt là giá điện trong nước đã tăng từ ngày 10/5, đang ảnh hưởng tới biên lợi nhuận, nhất là ở khối sản xuất sợi.
Tại Đại hội cổ đông 2025, Chủ tịch Công ty CP May Sông Hồng (MSH) Bùi Đức Thịnh nhận định: “Không doanh nghiệp nào có thể trụ vững nếu mức thuế đối ứng 46% được áp dụng. Không chỉ doanh nghiệp Việt mà cả các nhà nhập khẩu Mỹ cũng sẽ gặp khó”.
Bên cạnh đó, sức mua tại Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chưa trở lại mức bình thường; các quy định thuế quan từ phía Mỹ vẫn tiềm ẩn biến động, khiến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp khó ổn định lâu dài.
Tóm lại, dù còn nhiều yếu tố cần theo dõi, nhưng việc cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng mạnh trong hai phiên đầu tuần cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư đang có sự dịch chuyển. Câu chuyện phía sau mỗi nhịp sóng cổ phiếu là cơ hội và cả sự sàng lọc của các nhà đầu tư dành cho những doanh nghiệp có chiến lược chủ động trong giai đoạn nhiều động.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/dong-tien-da-dang-va-rat-co-the-con-chay-manh-vao-nhom-co-phieu-sieu-tiem-nang-nay-1380977.html