Dòng tiền phân hóa theo kết quả kinh doanh quý I

“Canh” tin lợi nhuận

Mùa đại hội cổ đông năm nay, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp đã điều chỉnh/dự phóng các biến động bất ngờ từ chính sách thuế quan, tính khả quan thực hiện và kết quả kinh doanh quý I – những thông tin khiến nhà đầu tư có cơ sở hơn để đặt niềm tin vào các khoản đầu tư của mình. Các nhân sự tư vấn đầu tư cũng gửi khuyến nghị tới khách hàng nên tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư và chờ đợi kế hoạch kinh doanh 2025, kết quả quý I để có đánh giá đầy đủ hơn cho chiến lược đầu tư sắp tới.

SAB đang là một trong những cổ phiếu được một số room tư vấn đầu tư có “gu” trading và room có “gu” đầu tư vào nội tại doanh nghiệp cùng cân nhắc. Trong đó, luận điểm đáng chú ý là “mua SAB ăn cổ tức 30%” và thông tin lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu sang năm 2027. Trong khi góc nhìn còn lại là “hiện tại, SAB cần quan sát thêm về biên lợi nhuận, khi giai đoạn 2021 – 2024 vừa qua, chi phí bán hàng tăng khiến biên lợi nhuận giảm liên tục. Một yếu tố khác là rủi ro về đánh mất thị phần (giảm từ 42% năm 2018 xuống gần 34% năm 2023).

“Tại đại hội cổ đông 2025 của Công ty, cổ đông có đặt câu hỏi về kết quả kinh doanh quý I cũng như thị phần, nhưng Ban lãnh đạo chưa tiết lộ cho tới khi thông tin được công bố công khai. Vì thế, nhóm đang đợi kết quả kinh doanh quý I chính thức để đánh giá thêm”, quản trị một nhóm đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản (FA) chia sẻ.

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 31.641 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%, trong khi lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.835 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Công ty cũng đặt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2025 ở mức cao, tiếp nối tỷ lệ cổ tức 50% mệnh giá trong năm 2024. Tổng công ty tuyên bố tiếp tục tập trung hoàn toàn vào thị trường nội địa vì thị trường Việt Nam còn tiềm năng lớn. Chiến lược này được thể hiện qua thương vụ sáp nhập Sabeco, đơn vị sở hữu thương hiệu Sagota, với tỷ lệ nắm giữ hơn 43%.

Về nguy cơ thuế đối ứng và giá nhôm nguyên liệu, Sabeco đã chủ động ký hợp đồng tương lai với nhà cung cấp để ổn định giá và giảm rủi ro thị trường. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Sabeco cũng tích cực đối thoại với cơ quan quản lý và Hiệp hội Bia – Nước giải khát để đề xuất mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt thấp hơn.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động do ảnh hưởng của thương chiến, nhiều nhà đầu tư mất lãi, thậm chí âm tài khoản thì việc cổ phiếu BMP (của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh) ngược dòng, ghi nhận mức tăng hơn 8% trong tuần qua và tăng 18% so với đầu tháng đã gây tiếc nuối cho nhiều nhà đầu tư không có hàng. Kết quả kinh doanh là nền tảng vững vàng cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp nhựa này tăng trưởng.

Cập nhật kết quả kinh doanh của BMP cho thấy, doanh nghiệp vừa ghi nhận mức lợi nhuận 286 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 51% so với cùng kỳ 2024 và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Doanh thu quý I của BMP tăng 38% so với cùng kỳ, phần lớn đóng góp bởi sản lượng tăng – nhờ Công ty tăng chiết khấu cho các đại lý phân phối để chiếm lại thị phần và tận dụng sự hồi phục về nhu cầu để cải thiện doanh thu. Biên lãi gộp tiếp tục được duy trì ở mức cao, nhờ giá PVC giảm. Giá PVC đang thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ và có thể tiếp tục xu hướng giảm bởi hạt nhựa PVC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải hạ giá bán ra ngoài thị trường sau khi gặp áp lực thuế quan từ Mỹ.

Nhiều nhà đầu tư tin tưởng, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, thị trường bất động sản phục hồi và chi phí nguyên liệu đầu vào giảm sâu sẽ là những cơ sở để các doanh nghiệp ngành nhựa như BMP có thể gia tăng sản lượng tiêu thụ và cải thiện biên lợi nhuận trong các quý sau.

Ngoài ra, BMP cũng là doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức tiền (cổ tức/thị giá) cao, các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là 7,7%, 14,3% và 10%/năm. Với thị giá hiện tại và tỷ lệ trả cổ tức dự kiến cho năm 2025, tỷ suất cổ tức tiền của BMP ở khoảng 8,8%/năm – cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm. BMP có cấu trúc tài chính lành mạnh khi gần như không vay nợ và sở hữu lượng tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến gần 2.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 68% tổng tài sản. Dòng tiền kinh doanh duy trì dương trong nhiều năm giúp BMP đảm bảo chính sách trả cổ tức tiền mặt cao trong các năm tới.

Sức hút cổ phiếu bank

“Đoạn này, lợi nhuận thị trường chỉ có đóng lãi cho bank, nên canh múc bank an toàn nhất” là quan điểm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường giai đoạn này. Nhiều cổ phiếu ngân hàng được quan tâm sát sao như MBB, HDB, TCB, VPB…

“Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng trưởng 15%. Tuy nhiên, riêng quý I, lợi nhuận đã tăng 38,4%, một bước chạy đà rất tốt”, thông tin được cập nhật trên một room đầu tư chứng khoán ngay khi đại hội cổ đông của Sacombank đang diễn ra (25/4) cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư với nhóm này.

Tuần qua, MBB công bố lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 6.567,74 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt ước tính của nhiều công ty chứng khoán. Kết quả kinh doanh tích cực của MBB là nhờ tăng trưởng tín dụng khả quan (tăng 28% so với cùng kỳ), NIM được duy trì tốt hơn so với các ngân hàng khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thu từ dịch vụ tăng mạnh (tăng 30,7% so với cùng kỳ) và thu từ nợ xấu đã xóa tốt (tăng 281% so với cùng kỳ).

Điểm trừ trong kết quả kinh doanh quý đầu năm của MBB là các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản: tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,84% (tăng 22 điểm phần trăm so với đầu năm) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về 75%.

Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2025, MBB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt là 26% và 25%, tập trung cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu của nhà băng này là 32.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2024. Ngân hàng kỳ vọng giữ vững NIM nhờ nhu cầu tín dụng tốt, trong khi tiếp tục duy trì chính sách cổ tức ổn định 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc Oceanbank (nay là MBV) mang lại lợi thế lớn cho MBB: hạn mức tín dụng cao nhất hệ thống (25%), được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc và không hợp nhất báo cáo tài chính. MBB đã triển khai bán nợ gần 6.000 tỷ đồng sang MBV để hỗ trợ tái cấu trúc, qua đó giảm áp lực nợ xấu trong ngân hàng mẹ…

Trong bối cảnh thị trường thế giới chịu ảnh hưởng mạnh từ chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ, đặc biệt với các quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ và phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam, chuyên gia VDSC cho rằng, nhà đầu tư cần ưu tiên chiến lược phòng thủ, cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu (như dệt may, gỗ, điện tử). Thay vào đó, cần tập trung vào các doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao, ít phụ thuộc thị trường nước ngoài, hoặc có khả năng duy trì tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu trong nước.

Cũng theo VDSC, nhà đầu tư cần theo sát diễn biến đàm phán thương mại Mỹ – Trung và phản ứng từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để kịp thời điều chỉnh danh mục. Đây là giai đoạn phù hợp với chiến lược đầu tư linh hoạt, thận trọng và chọn lọc cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt. Một số cổ phiếu đáng chú ý, theo khuyến nghị của VDSC, gồm VCG, DPG, HHV, CTD, NT2, IMP, VCI, HCM, DDV.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-phan-hoa-theo-ket-qua-kinh-doanh-quy-i-post368336.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *