Dư nợ margin vượt 300 ngàn tỷ đồng

Dư nợ margin vượt 300 ngàn tỷ đồng

Sau pha chiết khấu sâu ngay đầu tháng 4 do cú sốc thuế quan, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ngay lập tức hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản sôi động hơn, dư nợ margin của các công ty chứng khoán được đẩy lên mức kỷ lục hơn 304 ngàn tỷ đồng.

VN-Index kết thúc quý 2 tại mốc 1,376 điểm, đi kèm giá trị giao dịch bình quân hơn 22 ngàn tỷ đồng/ngày, cải thiện đáng kể so với mức 16.4 ngàn tỷ đồng/ngày của quý đầu năm. Đà hồi phục tốt sau cú sốc thuế quan mở ra động lực giúp chỉ số tiếp tục tăng điểm lên mốc 1,500 điểm sau đó.

Trong bối cảnh đó, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay margin) của các công ty chứng khoán tiếp tục thiết lập cột mốc mới. Tính đến cuối quý 2, quy mô cho vay được đẩy lên khoảng 304.2 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Xét trong chu kỳ dài hơn, dư nợ cho vay toàn thị trường tạo ra chuỗi tăng 10 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý 1/2023.

Dư nợ bứt phá giúp nguồn thu từ cho vay của các công ty chứng khoán tăng mạnh, đạt hơn 7.4 ngàn tỷ đồng trong quý 2, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của VietstockFinance đến ngày 20/07, top 10 công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất ghi nhận tổng quy mô hơn 186.8 ngàn tỷ đồng, chiếm 61% toàn thị trường. Trong xu hướng này, nhiều công ty tăng mạnh cho vay, thậm chí nhiều bên xác lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động, như TCBS, SSI, MBS, ACBS, Vietcap, KIS, VIX, KAFI, KBSV, SHS, DNSE, Yuanta, CTS, SSV

Hai vị trí dẫn đầu về cả dư nợ cho vay và doanh thu cho vay lần lượt thuộc về TCBSSSI. Trong đó, TCBS đứng đầu thị trường với quy mô dư nợ kỷ lục hơn 33.8 ngàn tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm và doanh thu cho vay đạt 844 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Xếp ngay sau là SSI với dư nợ hơn 33.1 ngàn tỷ đồng, tăng 51% so với đầu năm, đồng thời mang về hơn 829 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh việc được “bơm” tiền từ vốn đi vay, quy mô cho vay của các công ty chứng khoán cũng được hỗ trợ bởi nguồn vốn chủ sở hữu – chỉ tiêu mà các bên liên tục cạnh tranh nhau trong suốt vài năm trở lại đây.

Theo quy định, tổng hạn mức được quy định không quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Với việc tăng vốn mạnh trong thời gian gần đây, quy mô vốn chủ của TCBSSSI lần lượt đạt hơn 20.8 ngàn tỷ đồng và hơn 19.7 ngàn tỷ đồng, tạo khoảng cách đáng kể với các công ty còn lại, đồng thời củng cố dư địa cho vay.

VPBankS là công ty chứng khoán đứng đầu về cả tăng trưởng dư nợ và doanh thu cho vay. Cụ thể, công ty chứng khoán này cho vay gần 17.8 ngàn tỷ đồng, tăng 87% so với đầu năm, đồng thời ghi nhận hơn 383.9 tỷ đồng doanh thu, tăng 62% so với cùng kỳ.

Nguồn: VietstockFinance

Chia sẻ tại chương trình VPBankS Talk ngày 09/07 vừa qua, ông Đào Hồng Dương – Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu (VPBankS) cho rằng, thị trường margin bùng nổ và lợi nhuận cho vay đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu lợi nhuận là các động lực lớn cho ngành chứng khoán trong thời gian tới.

Về động lực nội tại, ngành chứng khoán có ba yếu tố then chốt, đặc biệt với nhóm công ty niêm yết. Thứ nhất là tăng trưởng thu nhập, với cấu trúc lợi nhuận đã thay đổi khi lãi từ cho vay ngày càng giữ vai trò quan trọng. Thứ hai là cổ tức và lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) từ cuối 2025 đến 2026 sẽ cải thiện, gắn liền với lượng phát hành trái phiếu phi ngân hàng bứt phá do đáo hạn lượng lớn vào cuối năm 2025. Thứ ba là sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động môi giới nhờ khối ngoại quay lại và kỳ vọng nâng hạng.

Cũng theo ông Dương, thị trường margin bùng nổ cũng là động lực to lớn cho ngành chứng khoán, nhưng dự báo sẽ có sự phân hóa rõ rệt vào giai đoạn 2025 – 2026, với ưu thế hơn cho các công ty chứng khoán còn nhiều dư địa cho vay.

Huy Khải

FILI

– 10:09 21/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/du-no-margin-vuot-300-ngan-ty-dong-830-1330224.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *