Đức Giang (DGC) và hàng loạt ông lớn ngành hóa chất sắp gặp khó?

Trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP mới được Bộ Tài chính trình Chính phủ, điểm nổi bật nhất không phải là việc giảm thuế clinker hay tăng thuế hạt nhựa, mà là đề xuất nâng thuế xuất khẩu phốt pho vàng (P4) từ mức 5% hiện nay lên 15%. Động thái này, theo Bộ Tài chính, nhằm bảo vệ tài nguyên trong nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng tới mục tiêu dài hạn là phát triển các ngành công nghiệp chiến lược như chất bán dẫn, pin xe điện và hóa chất công nghiệp cao cấp.

hcdg.jpg
“Cơn siết” thuế xuất khẩu phốt pho vàng sẽ không tạo ra cú sốc tức thì

Tuy nhiên, phía sau mục tiêu chính sách là một loạt thách thức mà các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phốt pho vàng sẽ phải đối mặt. Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) – nhà xuất khẩu P4 lớn nhất châu Á với thị phần gần 1/3 toàn cầu – sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Theo ước tính của Chứng khoán Vietcap, nếu mức thuế 15% được thực thi, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của DGC trong giai đoạn 2025–2028 có thể sụt giảm khoảng 9%.

Ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở DGC. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có tỷ trọng lớn từ phốt pho vàng trong cơ cấu sản phẩm. Công ty CP Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT), đơn vị niêm yết trên UPCoM, ghi nhận lợi nhuận quý I/2025 tăng trưởng mạnh 39% so với cùng kỳ, đạt gần 85 tỷ đồng, phần lớn nhờ giá bán P4 tăng 8%. Tương tự, Công ty TNHH MTV Hóa chất Cơ bản Miền Nam – công ty con của Côing ty CP Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) – cũng có kết quả tích cực trong quý đầu năm nhờ hưởng lợi từ thị trường phốt pho vàng.

Với bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là: Ngành hóa chất có thực sự “lao đao”?

Theo phân tích của Vietcap, vẫn còn những yếu tố có thể làm giảm tác động tiêu cực của chính sách. Trước hết, DGC hiện đang kiến nghị giữ nguyên mức thuế xuất khẩu 5%. Với vị thế là nhà cung cấp lớn và uy tín tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc), khả năng cao Bộ Tài chính sẽ xem xét mức thuế thực thi ở ngưỡng thấp hơn đề xuất.

Thứ hai, với tính chất sản phẩm đặc thù, các doanh nghiệp lớn như DGC có thể chuyển một phần chi phí thuế sang khách hàng mà không làm giảm nhu cầu. Tại khu vực Đông Á – nơi DGC đã xây dựng được hệ sinh thái khách hàng ổn định, mức độ lệ thuộc vào chất lượng và tính ổn định nguồn cung khiến khả năng thương lượng giá trở nên khả thi.

Cuối cùng, một hướng đi mang tính chiến lược đang được DGC triển khai là tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ P4 như axit photphoric nhiệt (TPA). Không chỉ có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm này còn ít bị ảnh hưởng bởi thuế xuất khẩu nguyên liệu thô, giúp doanh nghiệp “lách sóng” chính sách theo hướng bền vững hơn.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn hoặc chưa có chuỗi giá trị chế biến sâu, việc tăng thuế chắc chắn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn, đặc biệt nếu họ không thể thương lượng giá đầu ra. Việc điều chỉnh chính sách thuế – dù phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn – cũng cần đặt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt, nơi chi phí tăng thêm có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế xuất khẩu.

Như vậy, “cơn siết” thuế xuất khẩu phốt pho vàng sẽ không tạo ra cú sốc tức thì, nhưng chắc chắn là phép thử lớn cho chiến lược tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm và khả năng thích ứng của ngành hóa chất Việt Nam trong những năm tới.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/duc-giang-dgc-va-hang-loat-ong-lon-nganh-hoa-chat-sap-gap-kho-1378620.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *