Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần đào tạo 21.000 người tiếp nhận chuyển giao công nghệ

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến sẽ đào tạo 21.000 người để tiếp nhận chuyển giao công nghệ đường sắt.

Mục tiêu đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang được Chính phủ, Bộ xây dựng và các bộ, ngành tập trung triển khai, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh, đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã chuẩn bị các nguồn lực, hợp tác với các đối tác nước ngoài để sẵn sàng có thể tham gia vào dự án lớn này.

Nói về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Quốc hội vừa thông qua nhiều dự án lớn chưa từng có trong lịch sử ngành đường sắt như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây là một “siêu dự án” với tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỷ USD; dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng trị giá hơn 8,3 tỷ USD.

Đường sắt tốc độ cao. (Ảnh: AI)

Để có thể tham gia vào dự án này, ông Mạnh thông tin, ngành đường sắt phải triển khai các hoạt động cấp bách, tái cơ cấu toàn diện để đưa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trở thành Tập đoàn.

Tập đoàn sẽ tiếp nhận vận hành đường sắt tốc độ cao và tổ hợp vận hành đảm nhiệm chức năng bảo trì, sửa chữa cho cả đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

“Chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh, dự án dự kiến sẽ đào tạo 21.000 người để tiếp nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tiên tiến”, ông Mạnh chia sẻ.

Được biết, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, phục vụ riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đơn vị này đã triển khai chương trình tuyển dụng mới, trước mắt tập trung vào lực lượng thực hiện công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng. Nội dung đào tạo liên quan đến chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy sản xuất toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… hiện vẫn chưa được đưa vào kế hoạch.

Theo ông Tạ Mạnh Thắng, Phó ban Hợp tác QT và KHCN, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Việt Nam đang có Trường cao đẳng Đường sắt và đang đề xuất nâng cấp lên Học viện Đường sắt.

Với yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng cần có liên danh, liên kết với các đơn vị bên ngoài thì hiện nay Tổng Công ty đã có hợp đồng với Công ty Trường dạy nghề của Trung Quốc để đào tạo lực lượng này.

Tính tới thời điểm hiện tại, ông Thắng cho biết: “Chúng ta có 2 đoàn đang theo học và đã có tín hiệu về công nghệ rất tốt”.

Đối với các công nghệ khác, theo ông Thắng đường sắt Việt Nam có truyền thống lâu dài với các đường sắt các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới đây, chúng ta có nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc với 300 nhân lực về quản lý giao thông đường sắt. Đường sắt Việt Nam đã có những hợp đồng mới MOU để có hợp đồng đào tạo tại Trường Giao thông Vận tải, Trường Bách Khoa,…

Thế Anh

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/duong-sat-toc-do-cao-bac—nam-can-dao-tao-21000-nguoi-tiep-nhan-chuyen-giao-cong-nghe/32554120

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *