Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná đã chính thức được mở thầu. Nhà máy có công suất 1.500 MW, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 57.000 tỷ đồng.
Hiện chỉ ghi nhận một nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ dự thầu, đó là liên danh Trung Nam – Sideros River, có trụ sở tại phường Diên Hồng, TP.HCM.
Liên danh này đưa ra mức giá bán điện chào thầu là hơn 3.294 đồng/kWh (tương đương 12,83 cent/kWh), tính theo tỷ giá 25.670 VND/USD.
Để đảm bảo dự thầu, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – Chi nhánh Sở giao dịch 2 đã phát hành bảo lãnh trị giá gần 574 tỷ đồng, với thời hạn hiệu lực 180 ngày kể từ ngày đóng thầu.
Dự án được UBND tỉnh Ninh Thuận cũ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 4/2025, đồng thời tiến hành triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu công khai.
Theo thiết kế, Nhà máy điện khí LNG Cà Ná sẽ sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW, kết hợp đầu tư hệ thống kho cảng LNG và tái hóa khí. Cầu cảng dự kiến có năng lực tiếp nhận từ 1 đến 1,2 triệu tấn LNG/năm, đi kèm một bồn chứa khoảng 220.000 m³ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ lưu trữ và tái hóa khí.
Dự án cũng sẽ xây dựng bến cảng chuyên dụng nhập khí LNG, đê chắn sóng phía Đông dài 2.400m, cùng các công trình hạ tầng phụ trợ khác. Quy mô triển khai bao gồm khoảng 28,06 ha đất liền và 111,7 ha mặt nước tại xã Cà Ná, tỉnh Khánh Hòa.
Tiến độ triển khai: Giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư dự kiến kéo dài từ quý I đến quý IV/2025. Thời gian chuẩn bị đầu tư từ quý I đến quý IV/2026, với quyết định đầu tư chính thức dự kiến ban hành vào quý IV/2026.
Dự án LNG Cà Ná từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh từ năm 2021, với công suất giai đoạn 1 là 1.500 MW, mục tiêu vận hành trong giai đoạn 2025-2026. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét trong Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Vào năm 2020, UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt danh mục Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, với mức đầu tư dự kiến hơn 49.000 tỷ đồng. Sau đó, tiến độ được điều chỉnh, trong đó mục tiêu khởi công vào quý II/2022 và hoàn thành vận hành vào quý II/2026.
Năm 2021, tỉnh cũng từng công bố danh sách 5 nhà đầu tư đủ điều kiện năng lực và kinh nghiệm cho dự án, gồm:
(1) Liên danh Hanwha Energy – Kogas – Korea South-East Power (KOEN)
(2) Công ty Gulf MP Company Limited
(3) Tập đoàn Jera Company Inc (Nhật Bản)
(4) Liên danh Total Gaz Electricité Holding France – Novatek – PV Power – Siemens Energy AG – Zarubezhneft
(5) Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam
Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn liên danh Trung Nam – Sideros River chính thức tham gia đấu thầu dự án quy mô lớn này.
Theo Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, dự án điện khí LNG Cà Ná là một dự án lớn và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan và tuân thủ các quy định pháp lý nghiêm ngặt.
Việc đấu thầu quốc tế rộng rãi đặt ra các yêu cầu cao về quy trình, thủ tục và tính minh bạch, làm tăng thêm sự phức tạp cho quá trình mời thầu.
Các quy định pháp luật liên quan đến dự án điện khí LNG, đặc biệt là các quy định về môi trường và an toàn, cần được xem xét và tuân thủ một cách cẩn thận, điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình mời thầu.
Hơn nữa, Việt Nam có ít kinh nghiệm triển khai các dự án LNG tương tự, điều này cũng gây khó khăn trong việc xác định các tiêu chuẩn và yêu cầu phù hợp cho quá trình đấu thầu.
Việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng cho dự án điện khí LNG cũng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các dự án LNG khác trên thế giới và trong khu vực. Do vậy, dự án việc mời thầu dự án gặp không ít khó khăn.
Nguồn: https://cafef.vn/duy-nhat-lien-danh-cua-trung-nam-du-thau-sieu-du-an-dien-khi-ca-na-57000-ty-dong-188250722223722019.chn