Kết thúc quý I/2025, lượng tiền của Đất Xanh (HoSE: DXG) đạt tới gần 5.200 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2024. Sự dồi dào về tiền bạc là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp Đất Xanh triển khai các dự án, hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh tham vọng. Song, điều này có là đủ để giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh nặng gánh nợ vay?
Biến chuyển quan trọng trên bảng tài sản của Đất Xanh
Kết quý I/2025, tổng tài sản của Đất Xanh đã tăng thêm 14% so với cuối năm 2024, đạt 33.360 tỷ đồng. Biến chuyển đáng chú ý nhất trong cơ cấu tài sản là sự gia tăng mãnh liệt của tiền và tương đương tiền, từ 1.249 tỷ đồng lên 5.107 tỷ đồng, tức tăng gấp 4,1 lần. Cộng với 85 tỷ đồng tiền gửi khác, Đất Xanh có quỹ tiền gần 5.200 tỷ đồng.
Đóng góp quan trọng cho sự gia tăng của quỹ tiền nêu trên là sự thành công của đợt phát hành hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, giúp Đất Xanh hút về hơn 1.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc Đất Xanh đã gia tăng được số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn (khoảng 700 tỷ đồng), nhận thêm tiền kí quỹ đặt cọc (khoảng 1.200 tỷ đồng) và vay mượn thêm (khoảng 1.000 tỷ đồng).
Sự dồi dào về tiền bạc là yếu tố quan trọng để Đất Xanh tự tin triển khai các dự án, ít nhất là trong năm 2025, nổi bật là The Prive (tên cũ là Gem Riverside), nhằm hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng: doanh thu 7.000 tỷ đồng, lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ 368 tỷ đồng, lần lượt tăng 62% và 44% so với mức thực hiện năm trước.
Trên thực tế, trong quý I/2025, Đất Xanh đã cho “kick-off” The Prive, đạt được hiệu ứng khá tốt, tiến tới mở bán chính thức vào tháng 6/2025. Xa hơn, ông Lương Trí Thìn, chủ tịch hội đồng chiến lược Đất Xanh, nói tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 rằng công ty hiện gần hoàn thiện 15.000 sản phẩm, đủ lượng kinh doanh cho giai đoạn 2025 – 2027.
Ghi nhận trong quý I/2025, Đất Xanh đạt được 924 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 78 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu không quá tệ so với cùng kỳ, song kết quả này là rất “khiêm tốn” so với mục tiêu đề ra.
Quay trở lại với bức tranh tài sản của Đất Xanh, tại thời điểm kết thúc quý I/2025, giá trị hàng tồn kho giảm 0,1% so với đầu năm, còn 13.406 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng gần như không nhúc nhích. Điều này cho thấy Đất Xanh chưa có nhiều hoạt động đầu tư cho các dự án hiện hữu. Diễn biến của khoản phải thu ngắn hạn, chỉ tăng thêm 6%, đạt 11.089 tỷ đồng, củng cố thêm cho nhận định này.
Song điều này cũng là khó trách, bởi nguồn tiền lớn nêu trên của Đất Xanh cũng mới có được trong 1 – 2 tháng. Thị trường phải chờ đợi thêm, ít nhất là trong quý II/2025, để nhìn thấy được dòng tiền của công ty sẽ chảy về đâu.
Tiền nhiều có bớt nợ vay?
Với gần 5.200 tỷ đồng, Đất Xanh đứng vào hàng top doanh nghiệp phát triển nhà ở có số dư tiền mặt cao nhất. Có lẽ vì vậy mà ông Lương Trí Thìn mạnh dạn nói với đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 rằng công ty sẽ không phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong suốt giai đoạn 2025 – 2027. Tất nhiên, điều này loại trừ việc Đất Xanh sẽ phát hành 93,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 18.600 đồng/cổ phiếu, nhằm hút về hơn 1.739 tỷ đồng, bởi kế hoạch này đã được duyệt từ trước đó và được nhắc lại tại đại hội năm 2025.
Việc phát hành 148 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần (tương đương 17% số cổ phần đang lưu hành) chỉ là biện pháp kĩ thuật để tăng vốn điều lệ, chứ không đem về dòng tiền tươi cho công ty. Vì vậy, về cơ bản, Đất Xanh sẽ chỉ có thêm 1.739 tỷ đồng trong tương lai.
Với từng ấy tiền, liệu Đất Xanh có thể không cần đẩy mạnh nợ vay? Câu trả lời dường như là không hẳn. Xét giai đoạn từ 2020 đến 2024, giá trị nợ vay của công ty khá lớn, duy trì trong ngưỡng 5.000 – 6.000 tỷ đồng/năm. Thu từ đi vay mỗi năm cũng 3.000 – 4.000 tỷ đồng, cá biệt có năm lên tới hơn 7.000 tỷ đồng, cụ thể trong cùng giai đoạn đang xét lần lượt là: 4.921 tỷ đồng, 3.274 tỷ đồng, 7.351 tỷ đồng, 3.300 tỷ đồng, 4.052 tỷ đồng. Đây là nguyên do khiến mỗi năm, Đất Xanh phải gánh 300 – 400 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Giá trị nợ vay của Đất Xanh Group giai đoạn 2008 – 2024
Chi phí lãi vay của Đất Xanh Group giai đoạn 2008 – 2024
Trên thực tế, Đất Xanh không thể không vay, bởi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gần như không tạo được dòng tiền dương. Suốt từ 2016 đến nay (ngoại trừ năm 2021), dòng tiền kinh doanh của công ty đều là số âm, lần lượt là: -467 tỷ đồng, -1.054 tỷ đồng, -931 tỷ đồng, -1.645 tỷ đồng, -780 tỷ đồng, +1224 tỷ đồng, -3.904 tỷ đồng, -850 tỷ đồng, -1.388 tỷ đồng. Đây gần như là “căn bệnh kinh niên” của doanh nghiệp này.
Dòng tiền kinh doanh của Đất Xanh Group giai đoạn 2016 -2024
Bởi vậy, không ngoại trừ khả năng Đất Xanh vẫn sẽ tăng vay trong năm nay, bất chấp dòng tiền kinh doanh đã dương 1.130 tỷ đồng trong quý I/2025 nhờ sự tăng mạnh của các khoản phải trả. Thực tế cho thấy ngay trong quý I/2025, thu từ đi vay của công ty cũng tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.513 tỷ đồng. Giá trị nợ vay tại ngày kết thúc quý I/2025 cũng đã tăng thêm 15% so với đầu năm, lên 7.545 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 10%, đạt 138 tỷ đồng.
Những diễn biến này cho thấy, tiền nhiều là tốt, song cũng chớ mừng vội, còn phải xem tiền đó sẽ chảy vào đâu và đồng vốn sẽ quay thế nào.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/dxg-du-tien-co-bot-ganh-nang-no-vay/32354364