Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trần Minh Quân, Giám đốc Pháp lý VBA cho biết: “Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý và hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ tài chính, trong đó có tài sản số và blockchain”.
Theo ông Quân, các chính sách như Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 -NQ/TW của Bộ Chính trị đóng vai trò nền tảng cho mục tiêu hình thành các trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Ông Quân cũng giới thiệu chương trình ChainTracer, một dự án hợp tác giữa VBA và Công ty TNHH Xã hội Chống lừa đảo nhằm truy vết các hoạt động gian lận liên quan đến tài sản mã hoá. Tính đến cuối năm 2024, chương trình đã tiếp nhận gần 60 vụ việc, với tổng thiệt hại được báo cáo gần 8 triệu USD. Dù số lượng vụ việc trong năm 2024 giảm so với năm trước, giá trị thiệt hại lại tăng gấp ba lần, phản ánh mức độ tinh vi của các hành vi gian lận.
Trong khuôn khổ chương trình, tại phiên thảo luận chuyên đề về Fintech và tài sản số, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech VBA, nhấn mạnh rằng: “Rào cản lớn nhất hiện nay trong ứng dụng blockchain và fintech tại Việt Nam là niềm tin của người dùng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu năm 2025 sẽ số hóa ít nhất 50% hoạt động nghiệp vụ và 70% giao dịch của khách hàng qua kênh số, nhưng khoảng cách về niềm tin giữa người dùng và các nền tảng fintech, đặc biệt là những ứng dụng công nghệ chuỗi khối, vẫn là một thách thức lớn”. Theo ông Dinh, điều này cần được giải quyết thông qua các giải pháp thực tiễn, minh bạch và có khả năng mở rộng trong môi trường pháp lý rõ ràng.
Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận “Fintech – Crypto” trong khuôn khổ sự kiện French Tech Summit Vietnam 2025.
Ông Dinh cũng giới thiệu một giải pháp thanh toán do công ty AlphaTrue phát triển mang tên BasalPay. Giải pháp này cho phép du khách quốc tế sử dụng tài sản mã hoá để thanh toán tại các cửa hàng trong nước thông qua mã QR.
Theo ông Dinh, BasalPay hướng tới tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đồng thời tích hợp cơ chế “Travel Rule” theo khuyến nghị của FATF. Hiện BasalPay đang được đề xuất thử nghiệm trong khuôn khổ sandbox tại Đà Nẵng, địa phương được định hướng trở thành trung tâm tài chính khu vực.
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia từ ngân hàng, công ty công nghệ và tổ chức tài chính bao gồm đại diện Techcombank, NAPAS và OKcontract cũng chia sẻ nhiều quan điểm thực tiễn xoay quanh việc phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC), Web3, và vấn đề bảo mật hệ thống. Các ý kiến đều tập trung vào nhu cầu xây dựng một hệ sinh thái tài chính số bền vững, có sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Sự kiện French Tech Summit 2025 được đánh giá là bước tiến trong thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa Pháp và Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang đẩy mạnh các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hiệp hội Blockchain Việt Nam góp mặt với vai trò đối tác chiến lược, thúc đẩy kết nối chính sách – công nghệ – doanh nghiệp, hướng tới xây dựng hệ sinh thái tài chính số minh bạch và hội nhập.
Nguồn: https://cafef.vn/fintech-va-tai-san-so-viet-nam-phap-mo-rong-hop-tac-trong-boi-canh-rui-ro-cong-nghe-ngay-cang-tang-188250528102231961.chn