Tập đoàn FPT
vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2025 với doanh thu đạt 21.557 tỷ đồng và LNTT đạt 4.065 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,5% và 17,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) tăng 18% lên 2.897 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 1.970 đồng/cổ phiếu.
Tính riêng trong tháng 4/2025, doanh thu FPT đạt 5.499 tỷ, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng tháng 4 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước lên 723 tỷ đồng.
FPT là doanh nghiệp được biết đến bởi “sự kỷ luật” với mức tăng trưởng quanh ngưỡng 20%. Nhiều năm qua doanh nghiệp công nghệ này luôn duy trì đà tăng trưởng đều đặn qua từng tháng, từng quý cũng như cả năm. Mức tăng trưởng chỉ 10% về lợi nhuận trong tháng 4 vừa qua là điều tương đối hiếm hoi.
Theo FPT, bối cảnh hiện chưa ghi nhận tín hiệu cải thiện rõ rệt do bất ổn kinh tế và địa chính trị tiếp tục khiến các doanh nghiệp toàn cầu trở nên thận trọng hơn trong các quyết định chi tiêu cho công nghệ thông tin.
Năm 2025, FPT lên kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%/năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT nhìn nhận bối cảnh “khó khăn ngút trời”. Ông Bình cho biết người kinh doanh thường lập kế hoạch nhiều năm, chính sách thay đổi sau một đêm thì làm sao ứng phó kịp. Nhưng trong nguy có cơ, tập đoàn FPT vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 20% để giữ kỷ luật.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho hay kế hoạch kinh doanh năm nay được FPT đưa ra hồi tháng 1, thời điểm trước khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng mới.
“Chúng tôi nghĩ mình thực sự can đảm khi đặt ra kế hoạch như vậy, nhưng sẽ không chủ quan. FPT sẽ bám sát diễn biến thực tế và sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch khi cần,
Tổng giám đốc FPT chia sẻ.
Như vậy với kết quả đạt được sau 4 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện khoảng 30% các kế hoạch đề ra.
Chi tiết hơn,
Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài
đạt doanh thu 11.001 tỷ đồng sau 4 tháng, tương đương với mức tăng 16,4%. Trong đó, thị trường chính Nhật Bản tiếp tục giữ mức tăng trưởng 30%, đạt doanh thu 4.780 tỷ đồng. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 15.384 tỷ đồng, tăng 10,4%.
Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh hoạt động bán hàng và tối ưu hóa các gói dịch vụ internet, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của
mảng Dịch vụ Viễn thông
đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 14,6% và 19,2%.
Trên thị trường, cổ phiếu FPT chốt phiên 16/5 đạt 121.000 đồng/cp.
Nguồn: https://cafef.vn/fpt-dut-mach-tang-truong-20-1882505161820136.chn