FPT – Mua được chưa? (Kỳ 1)

FPT – Mua được chưa? (Kỳ 1)

Nhờ năng lực công nghệ vượt trội, hệ sinh thái dịch vụ toàn diện và chiến lược mở rộng quốc tế, CTCP FPT (HOSE: FPT) khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ICT Việt Nam sẽ tạo động lực cho FPT tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh và mở rộng thị phần.

Thị trường ICT Việt Nam hứa hẹn tăng trưởng tích cực

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường ICT Việt Nam ước tính đạt 9.12 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến sẽ đạt 14.64 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9.92%. Cho đến nay, chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường ICT.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 10% mỗi năm và vượt ngưỡng 200 tỷ USD vào năm 2045. Ngoài ra, để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và AI toàn cầu, chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030. Các khoản đầu tư của chính phủ sẽ giúp các công ty khởi nghiệp cung cấp các giải pháp ICT trên thị trường.

Quy mô thị trường ICT Việt Nam trong giai đoạn 2025F-2030F

Nguồn: Mordor Intelligence

Thị phần toàn cầu về thị trường ICT trong giai đoạn 2014-2024

Nguồn: Statista

Tiếp tục vươn lên trong đổi mới sáng tạo và an ninh mạng toàn cầu

Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hạn chế về lao động và vốn, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước. Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) trong năm 2024, Việt Nam là quốc gia nằm trong trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số an ninh mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index – GCI).

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam hiện đang được xếp hạng thứ 44/133 quốc gia về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII), tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, nhóm đầu ra bao gồm Sản phẩm tri thức và công nghệ và Sản phẩm sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023. Điều này cho thấy hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo đang được nâng cao cũng như năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ ngày càng được cải thiện.

Năm 2025, Cục Chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia dẫn đầu về Chỉ số an ninh mạng (GCI) và top 35 về Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII).

Năng lực đổi mới sáng tạo và an toàn thông tin của các quốc gia ASEAN

Nguồn: WIPO và ITU

* Global Innovation Index (GII): chỉ số đổi mới toàn cầu là bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia theo năng lực và sự thành công trong đổi mới. Nó được bắt đầu vào năm 2007 bởi INSEAD và World Business.

* Global Cybersecurity Index (GCI): Chỉ số An toàn thông tin toàn cầu là một chỉ số tổng hợp đánh giá và so sánh mức độ cam kết đảm bảo an ninh mạng của các nước thành viên dựa trên 5 trụ cột: Pháp lý, Kỹ thuật, Tổ chức, Nâng cao năng lực, Hợp tác.

* Độ lớn của hình tròn tương ứng với Chỉ số Phát triển CNTT của quốc gia đó. ICT Development Index (IDI): Chỉ số Phát triển CNTT là một công cụ tiêu chuẩn mà các chính phủ, cơ quan phát triển và nhà nghiên cứu có thể sử dụng để đo lường khoảng cách số và so sánh hiệu suất CNTT trong và giữa các quốc gia.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu

Trên phương diện doanh nghiệp, người viết so sánh các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam là CTCP FPT (HOSE: FPT) và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG) với các doanh nghiệp hàng đầu ở các nước đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ…) trong khu vực châu Á.

Nếu so sánh về số lượng nhân viên, các doanh nghiệp Ấn Độ vượt trội hoàn toàn so với mặt bằng chung (hàng trăm ngàn người). Vì vậy, người viết dùng các chỉ tiêu COGS/Nhân viên và Doanh thu/Nhân viên để đánh giá.

Quan sát đồ thị bên dưới, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản có vẻ đang làm rất tốt việc nâng cao hiệu suất lao động bình quân của nhân viên khi Doanh thu/Nhân viên đều rất cao (trên mức 200,000 USD/người/năm). Đáng chú ý, doanh nghiệp Indonesia gây ấn tượng khi đạt hơn 270,000 USD/người/năm. Điều này cho thấy doanh nghiệp tại quốc gia này đã có những bước tiến đáng kể trong việc tối ưu hóa năng suất lao động.

CMG có Doanh thu/Nhân viên ở mức trung bình so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh chi phí lại không quá tốt khi COGS/Nhân viên (tính theo USD) cao hơn cả các công ty lớn ở châu Á như Infosys Ltd, HCL Tech và Beijing Kingsoft.

FPT có lợi thế cạnh tranh nhờ COGS/Nhân viên đang ở mức gần như thấp nhất trong số các tập đoàn công nghệ lớn tại châu Á. Điều này cho thấy khả năng kiểm soát chi phí hiệu quả, giúp FPT duy trì lợi thế trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Nếu tiếp tục nâng cao chỉ tiêu Doanh thu/Nhân viên, FPT sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ và đạt thành công vượt trội so với các doanh nghiệp khác ở Việt Nam khi “Go Global”.

So sánh các công ty công nghệ Việt Nam và châu Á

(Đvt: USD)

Nguồn: VietstockFinance và Investing

Đón đọc:

FPT – Mua được chưa? (Kỳ 2)

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

– 09:00 03/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/fpt-mua-duoc-chua-ky-1-582-1286974.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *