Kinh tế Việt Nam đang có sự thay đổi về chất
Tại Toạ đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính – Đầu tư tổ chức sáng 23/7, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc khối Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho biết, qua nghiên cứu chính sách và theo dõi các cải cách của Chính phủ thời gian gần đây có thể nhận thấy khát vọng mãnh liệt của Việt Nam vào năm 2030 sẽ trở thành cường quốc trong khu vực.
Khát vọng này dựa trên ba trụ cột chính: Thứ nhất, Việt Nam sẽ có một hạ tầng toàn diện, tiêu biểu nhất là dự án cao tốc Bắc Nam; Thứ hai, kinh tế tăng trưởng đột phá trên 10%, lấy công nghệ làm trung tâm; Thứ ba, thị trường tài chính Việt Nam sẽ có sự cải cách, đổi mới và trở thành một trung tâm tài chính mới của khu vực (nhằm thúc đẩy hai yếu tố hạ tầng và nền kinh tế có tăng trưởng hai con số nói trên).
Ba trụ cột này được hỗ trợ bởi một hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thuận và nhất quán. Theo quan điểm của Dragon Capital, với việc xây dựng và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp vừa qua, đây là lần đầu tiên, chúng ta có hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thuận và nhất quán từ trên xuống dưới.
“Tôi tin rằng, điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chưa từng thực hiện được, là sở hữu hạ tầng hiện đại, đồng bộ và tiêu chuẩn quốc tế”, bà Minh nói.
Theo đó, vào năm 2030, Việt Nam có thể có một hạ tầng đứng đầu ASEAN, bao gồm 5.000 km đường cao tốc và có đường sắt cao tốc chiều dài hơn 1.500 km. Bên cạnh kế hoạch phát triển mở rộng đường sắt nội đô (metro), các cảng hàng không và các cảng nước sâu…
Với sự phát triển về hạ tầng như vậy, quỹ đầu tư này kỳ vọng, sẽ giúp giảm chi phí logistics – đang cao nhất thế giới, khoảng 16%, vốn dĩ là “điểm nghẽn” của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
Phân tích cơ sở của quyết tâm này, bà Đặng Nguyệt Minh nhận định, Việt Nam đang trải qua một quá trình thay đổi về chất của cơ cấu nền kinh tế. Nếu giai đoạn 2007 – 2025, kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa trên các ngoại lực (tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có chính sách “đón đại bàng về làm tổ”, chuyển dịch lao động sang nước phát triển cao hơn), thì từ năm 2025 trở đi, sẽ lấy các động lực nội sinh để làm động lực tăng trưởng.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
“Chính phủ đã và đang tạo ra các cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, từ đó sẽ diễn ra chu trình lan tỏa tới các ngành kinh tế, hình thành nên các cụm liên kết ngành và các doanh nghiệp lớn có thể dẫn dắt, nâng đỡ các doanh nghiệp nhỏ, qua đó tạo dựng lợi thế cạnh tranh gốc. Bộ Chính trị cũng đã đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng là Việt Nam cần có 20 doanh nghiệp hàng đầu có tầm quốc tế tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, vị chuyên gia phân tích và cho biết, tầm nhìn của Dragon Capital là tới năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hiện đại, đột phá về tư duy và được hỗ trợ bởi hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thuận, nhất quán cao.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là yếu tố tiên quyết
Để đạt được quy mô về hạ tầng, để nền kinh tế có sự tăng trưởng bứt phá như trên, đại diện Dragon Capital cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam cần phải được cải thiện quy mô, vị thế ở trên bản đồ tài chính và đầu tư toàn cầu, trong đó việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi là một yếu tố tiên quyết.
“Chúng tôi vững tin vào khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng lên mới nổi vào tháng 9 này bởi tổ chức FTSE Russell”, bà Minh nói.
Vị này phân tích, từ quyết tâm chính sách, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được cả hệ thống chuyển hóa thành chiến lược, đường lối chặt chẽ, dựa trên ba trụ cột chính: Cải cách về thể chế; Tăng tính tiếp cận sao cho nhà đầu tư dễ dàng mở tài khoản và sử dụng; Chủ động trong việc trao đổi, kết nối với các tổ chức xếp hạng của thị trường.
“Với những quyết tâm như vậy, tôi tin tưởng rằng, việc nâng hạng theo tiêu chuẩn của FTSE Russell sẽ đạt được vào tháng 9 tới. Thậm chí, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt được mục tiêu nâng hạng theo tiêu chuẩn của MSCI trong vòng 18 – 24 tháng tiếp theo”, bà Minh bày tỏ quan điểm.
![]() |
Toạ đàm có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: Dũng Minh) |
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle1 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle1, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’).style.display = “none”;} });
Đặc biệt, vị chuyên gia quản lý quỹ đầu tư cho rằng, thị trường chứng khoán đang có chất xúc tác quan trọng là nhiều doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) trong giai đoạn 2026 – 2027.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài là hết sức đáng kể.
Qua nghiên cứu các thị trường khác trong khu vực châu Á, Dragon Capital nhận thấy rằng, trong những giai đoạn mà các quốc gia đang có mức tăng trưởng GDP hai con số và có mức đầu tư khoảng 30 – 40% GDP, tương đương với kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam tại thời điểm hiện tại, thì thị trường chứng khoán chính là kênh tài sản hấp dẫn nhất, có hiệu suất đầu tư cao nhất, có thể lên tới 5 – 10 lần, thậm chí cao nhất tới 12 lần.
“Khi thị trường chứng khoán của các quốc gia này phát triển, mức định giá (P/E) của họ ở mức rất cao, từ 25, thậm chí là 50 lần, được hỗ trợ bởi tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận 20 – 30%”, bà Minh cho hay.
Nhìn vào bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay, Việt Nam đạt được thoả thuận thuế quan với Mỹ đã loại bỏ rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam tại thời điểm hiện tại, qua đó, mở đường cho tăng trưởng trong 3 – 5 năm tới và 10 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chuyên gia Dragon Capital cũng thừa nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đúng về tiềm năng và vị thế.
Bà Minh cho rằng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là bước đi rõ ràng trong việc phân quyền và tiếp sức cho kinh tế tư nhân, để các doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển và bứt phá, tạo ra nền tảng cho GDP tăng trưởng hai con số. Các doanh nghiệp này sẽ cần nguồn vốn dài hạn ổn định và thị trường chứng khoán chính là công cụ hiệu quả nhất để khơi thông nguồn vốn này.
Quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện 50 – 55% GDP, so với mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030, đạt 120% GDP, quy mô của thị trường cần phải tăng gấp đôi so với hiện nay.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle2 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle2, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’).style.display = “none”;} });
Nêu thêm giải pháp để có thị trường chứng khoán phát triển ổn định, có định giá phù hợp, bà Minh cho rằng, cần đa dạng hoá cấu trúc nhà đầu tư, đầu tiên là các nhà đầu tư tổ chức lớn toàn cầu. Đối với nhà đầu tư cá nhân, cần có giải pháp để dịch chuyển các nhà đầu tư này từ đầu tư ngắn hạn sang đầu tư dài hạn hơn.
Bên cạnh đó, chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết cần được cải thiện, doanh nghiệp phải minh bạch hơn, quy mô cũng cần lớn hơn, hấp dẫn hơn.
“Việt Nam đang có một nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ, với quyết tâm rõ ràng. Nếu có một chiến lược phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả thì chắc chắn chúng ta sẽ thu hút được các nhà đầu tư quy mô tầm cỡ thế giới”, bà Minh khẳng định.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/gdp-tang-truong-hai-con-so-hieu-suat-dau-tu-cua-kenh-chung-khoan-co-the-len-toi-5-10-lan-post373598.html