Gia tăng cổ đông sở hữu trên 1% cổ phần ngân hàng

Cổ đông trong nước tăng sở hữu

Trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên được ACB cập nhật đến ngày 29/4/2025, có hai người con của bà Ngô Thu Thuý – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Âu Lạc – là Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Jonny, vừa nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng lên 2,558%. Tính cả người liên quan, nhóm này hiện nắm giữ 7,825% vốn điều lệ ACB.

Trước đó, theo dữ liệu công bố ngày 10/9/2024, ông Hiếu Jonny và bà Hương Jenny nắm giữ tổng cộng 2,41% vốn điều lệ ACB. Ngoài ra, người có liên quan đến hai cá nhân này khi đó nắm giữ 126 triệu cổ phần ACB, tương đương tỷ lệ sở hữu khoảng 2,8%.

Tại MB (mã MBB), Ngân hàng vừa ghi nhận thêm hai cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần là JUBS AG London Branch và Công ty TNHH Manulife (Việt Nam). Cụ thể, UBS AG London Branch nắm giữ gần 130 triệu cổ phần, tương ứng 2,13% vốn điều lệ; Manulife (Việt Nam) nắm giữ hơn 61,67 triệu cổ phần, tương ứng 1,01% vốn điều lệ. Người liên quan Manulife (Việt Nam) nắm giữ hơn 2 triệu cổ phần, tương đương 0,03% vốn điều lệ. Tổng cộng, hai cổ đông tổ chức này cùng người liên quan nắm giữ gần 194 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,17% vốn điều lệ MB.

MB hiện có 4 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 40,05% vốn điều lệ. Trong đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nắm giữ 376 triệu cổ phần (7,1%), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nắm giữ 447 triệu cổ phần (8,43%), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nắm giữ hơn 780 triệu cổ phần (14,7%), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ hơn 521 triệu cổ phần (9,83%).

Với Saigonbank (mã SGB), cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần được cập nhật đến giữa tháng 3/2025 có thêm Công ty cổ phần Phát Đại Cát. Phát Đại Cát đã trở thành cổ đông lớn thứ năm tại Saigonbank, sau khi hoàn tất nhận chuyển nhượng hơn 16,75 triệu cổ phiếu SGB vào ngày 8/1/2025, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,944% lên 9,889%, tương đương hơn 33,5 triệu cổ phiếu.

Saigonbank có 10 cổ đông lớn khác, bao gồm 4 công ty có vốn nhà nước với tổng khối lượng cổ phiếu nắm giữ hơn 221 triệu đơn vị, tương đương 65,25% vốn điều lệ. Đó là Văn phòng Thành uỷ TP.HCM (18,18%) và ba doanh nghiệp thuộc Đảng bộ TP.HCM: Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (14,08%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hoà (16,35%), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (16,64%).

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), các ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan. Đồng thời, Luật này hạ giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa với cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%, với cổ đông và người có liên quan từ 20% xuống 15%, riêng cổ đông cá nhân giữ nguyên mức 5%. Cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới được duy trì, nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Định kỳ hàng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với đại hội đồng cổ đông, đại hội thành viên, hội đồng thành viên.

Cổ đông ngoại thoái vốn

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 hạ giới hạn sở hữu tối đa tại ngân hàng với tổ chức từ 15% xuống 10%, với nhóm cổ đông và người liên quan từ 20% xuống 15%, riêng cá nhân vẫn giữ mức 5%.

Trong khi cổ đông trong nước tăng sở hữu tại ngân hàng thì một số nhà đầu tư chiến lược nước ngoài lại thoái vốn ở một số ngân hàng khác sau thời gian dài hợp tác. Chẳng hạn, Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã thực hiện tiếp kế hoạch thoái vốn tại VIB trong tháng 3/2025.

CBA cho biết, thoái vốn tại VIB để tập trung vào thị trường ngân hàng Australia và New Zealand, đồng thời phân loại lại cổ phiếu VIB từ đầu tư vào công ty liên kết thành chứng khoán đầu tư.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB Đặng Khắc Vỹ, CBA đầu tư vào VIB từ năm 2010, với khoản vốn ban đầu 75 triệu USD, nhưng khi thoái vốn đã thu về gần 500 triệu USD, bao gồm cả cổ tức.

Ông Vỹ cho hay, sau khi CBA thoái vốn, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) tại VIB còn dư địa khoảng 25%, Ngân hàng đang trong quá trình tìm hiểu các đối tác nước ngoài để có thể chọn được nhà đầu tư đem lại hiệu quả cho VIB cũng như mang lại lợi ích cho cổ đông.

Cũng trong tháng 3/2025, Quỹ Pyn Elite Fund đã bán qua sàn chứng khoán hơn 1,11 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này từ 6,02% xuống 5,96%.

Trước đó, tháng 2/2025, Quỹ Norges Bank giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank từ 1,27% xuống 1,1%.

Hồi tháng 1/2025, Quỹ Amersham Industries Limited đã rút ra khỏi danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ Sacombank (trước khi thoái vốn, quỹ này sở hữu 1,01% và người liên quan sở hữu hơn 1,1% vốn điều lệ Sacombank).

Tại ABBank, IFC đã thoái 8,2% vốn vào tháng 5/2024, theo lộ trình thoái vốn đã được thống nhất từ trước. Với tư cách là cổ đông chiến lược, trong gần 14 năm hợp tác, IFC đã hỗ trợ hiệu quả cho ABBank về nguồn vốn, các sản phẩm cho vay trung, dài hạn và tài trợ thương mại, cũng như tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho Ngân hàng, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển bền vững và thúc đẩy tài trợ cho các doanh nghiệp SME.

Hiện ABBank vẫn có cổ đông lớn nước ngoài là Ngân hàng Maybank, với tỷ lệ sở hữu 16,394% vốn điều lệ. Về phía cổ đông nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Geleximco sở hữu 12,78% vốn điều lệ ABBank.

Ngược lại, có những nhà đầu tư ngoại tiếp tục đầu tư vào ngân hàng Việt. Chẳng hạn, BIDV mới đây đã phát hành riêng lẻ hơn 123,8 triệu cổ phiếu, với giá 38.800 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 4.805 tỷ đồng. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài mua gần 85,2 triệu cổ phiếu.

Dư địa room ngoại phân hóa rõ nét

Với tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông nước ngoài là 30% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, không ít nhà băng đã gần cạn room ngoại. Chẳng hạn, VPBank đang có hơn 1,97 tỷ chứng khoán, tương đương tỷ lệ sở hữu 24,87% được nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Tại VietinBank, khối ngoại nắm giữ hơn 1,4 tỷ chứng khoán, tương ứng tỷ lệ sở hữu 26,78%. Khối lượng chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tại ACB là 1,34 tỷ đơn vị, tỷ lệ 30%; con số này tại Vietcombank là 1,27 tỷ đơn vị, tỷ lệ 22,72%.

Ngược lại, nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như Bac A Bank, Nam A Bank, KienLongBank, VietABank, Vietbank.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng khóa room ngoại ở mức thấp để chờ đối tác chiến lược như LPBank (5%), SeABank (5%), BVBank (5%), VIB (4,99%).

Lãnh đạo cấp cao Techcombank cho hay, Ngân hàng đang cân nhắc bán 10 – 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược dài hạn, đặc biệt ưu tiên các đối tác có năng lực về công nghệ. Mặc dù room ngoại tại Techcombank là 22%, nhưng kế hoạch trên vẫn khả thi, do một cổ đông sở hữu 8 – 9% cổ phần có kế hoạch thoái vốn.

Với HDBank, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông về việc tạm khóa room ngoại từ mức 20% xuống 17,5%, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các dự án chiến lược thời gian tới.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/gia-tang-co-dong-so-huu-tren-1-co-phan-ngan-hang-post369047.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *