Mặc dù cam kết trả lương cho công nhân và người lao động trước ngày 30.6, nhưng Giám đốc Công ty TNHH DPP Tây Bắc lại một lần nữa lặn mất tăm.
Giám đốc nhà máy chế biến tinh bột sắn trong vụ hàng chục công nhân căng băng rôn đòi nợ vẫn chưa trả lương như đã cam kết. Ảnh: Quang Đạt
Liên quan đến hàng chục công nhân và người lao động tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Điện Biên (thuộc Công ty TNHH DPP Tây Bắc – bản Na Hươm, xã Na Tông, huyện Điện Biên cũ) – nay là bản Na Hươm, xã Núa Ngam, tỉnh Điện Biên – bị nợ lương trong nhiều tháng, chiều ngày 2.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Quàng Thành Nghĩa (bản Na Ố, xã Núa Ngam) bức xúc cho biết, không chỉ riêng anh mà rất nhiều người dân khác đang rất phẫn nộ vì đã rất nhiều lần Nhà máy chế biến tinh bột sắn hứa trả lương rồi lại biến mất khó hiểu.
Theo đó, Công ty TNHH DPP Tây Bắc nợ anh Nghĩa tiền công san lấp mặt bằng nhà máy và tiền thu mua sắn nhưng từ nhiều tháng qua đến nay vẫn không trả.
“Tính đến hôm nay (2.7), tôi chưa nhận được một đồng nào, cũng không có bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía công ty, mặc dù theo cam kết, giám đốc nhà máy hứa sẽ trả nợ trước ngày 30.6 trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương” – anh Nghĩa nói.
Theo anh Nghĩa, từ trước ngày 30.6 đến nay, anh thường xuyên qua lại nhà máy nhưng không thể gặp được đại diện công ty. “Tôi đến rất nhiều lần mà giám đốc công ty đều trốn tránh. Gọi điện cũng không liên lạc được” – anh Nghĩa cho biết thêm.
Toàn cảnh Nhà máy chế biến tinh bột sắn Điện Biên tại xã Núa Ngam, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Đạt
Cũng giống anh Nghĩa, anh T. – một công nhân đã từng làm việc tại nhà máy cho biết, từ tháng 2.2025 đến nay, anh vẫn chưa được một đồng lương nào, số tiền lương nhà máy nợ gia đình anh khoảng 50 triệu đồng nợ.
“Công ty hẹn trước ngày 30.6 trả lương. Nhưng đến trưa 30.6, ngay cả ông Nguyễn Lê Toàn (kế toán công ty) cũng trốn khỏi nhà máy và khóa cổng” – anh T. cho hay.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Điện Biên luôn trong tình trạng đóng cổng. Ảnh: Quang Đạt
Chiều 2.7, trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung – Chủ tịch UBND xã Núa Ngam (xã mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Núa Ngam, Hẹ Muông và Na Tông) cho biết: “Hiện tại, chính quyền mới chưa thể tiếp cận và làm việc với đại diện Công ty TNHH DPP Tây Bắc. UBND xã đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh vụ việc để tiến hành giải quyết”.
Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cũng cho biết, xã sẽ tiếp tục tổ chức gặp gỡ các bên liên quan để lắng nghe và tìm hướng giải quyết dứt điểm. Nếu không giải quyết được sẽ kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp hỗ trợ pháp lý cần thiết.
UBND xã Núa Ngam cam kết đồng hành cùng người dân. Ảnh: Quang Đạt
Trước đó, ngày 13.6, Báo Lao Động có bài phản ánh “Giám đốc biệt tích, hàng chục công nhân căng băng rôn đòi nợ”. Theo đó, “Sau nhiều tháng nợ lương không trả, giám đốc nhà máy chế biến tinh bột sắn “biến mất”, hàng chục công nhân và người lao động căng băng rôn đòi nợ”.
Theo tìm hiểu, hàng chục công nhân và người lao động tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Điện Biên cho biết, họ bị nợ lương trong nhiều tháng, mọi nỗ lực liên lạc với giám đốc đều vô vọng.
Theo đơn đề nghị của tập thể công nhân làm việc tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Điện Biên, trong khoảng thời gian từ ngày 6.2 đến 13.3.2025, người lao động đã hoàn thành đầy đủ khối lượng công việc được giao. Thế nhưng, ông Tạ Hồng Diệp – Giám đốc Công ty TNHH DPP Tây Bắc, vẫn chưa thanh toán hơn 530 triệu đồng tiền lương theo đúng thỏa thuận.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Điện Biên hiện đã tạm dừng hoạt động. Ảnh: Quang Đạt
Không chỉ nợ lương công nhân, nhóm 13 cá nhân khác cũng đã gửi đơn kiến nghị lên chính quyền xã Na Tông (cũ) về việc Công ty TNHH DPP Tây Bắc chưa thanh toán khoảng 600 triệu đồng. Trong đó, 300 triệu tiền công thuê san lấp mặt bằng, làm nhà máy sắn và khoảng 300 triệu tiền mua sắn tươi của người dân.
Ngay sau khi Báo Lao Động phản ánh, chiều 13.6, UBND huyện Điện Biên (cũ) đã tổ chức buổi làm việc với đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH DPP Tây Bắc. Tại buổi làm việc, ông Tạ Hồng Diệp đã cam kết sẽ huy động vốn để trả nợ lương cho công nhân trước ngày 30.6.2025.
NHÓM PV
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/giam-doc-dong-cua-nha-may-tiep-tuc-that-hua-tra-luong-cho-cong-nhan/33477385