Giữa căng thẳng thuế quan cùng áp lực chống bán phá giá, cổ phiếu doanh nghiệp thép này vẫn “nở hoa”

Sau phát biểu “tôn thép đi ngang hoặc đi xuống” của ông Lê Phước Vũ tại đại hội cổ đông ngày 18/3, cổ phiếu Hoa Sen (HSG) từng mất hơn 30% giá trị trong vòng chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 8/7, mã này đã tăng trở lại mức 17.600 đồng/cổ phiếu – cao hơn cả thời điểm trước đại hội – đánh dấu mức hồi phục hơn 41% kể từ đáy cuối tháng 4. Đây cũng là vùng giá cao nhất trong 3 tháng gần nhất.

Hình ảnh tôn thép
HSG phục hồi nhờ chuyển hướng chiến lược và duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định

Khối lượng giao dịch trong phiên 8/7 vượt 18,7 triệu cổ phiếu, gấp đôi trung bình 20 phiên gần nhất, cho thấy dòng tiền đầu cơ đang quay lại mạnh mẽ. Biên độ dao động trong ngày khá hẹp (17.35 – 18.00 đồng), nhưng lực cầu duy trì tốt giúp HSG đóng cửa ở vùng giá cao, bất chấp khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu trở lại.

Diễn biến giao dịch HSG
Diễn biến giao dịch HSG trong phiên 8/7

Chuyển hướng chiến lược, Hoa Sen né đòn bảo hộ

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VNDirect đánh giá Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đang đi đúng hướng khi giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu và tập trung vào thị trường nội địa – nơi ít chịu tác động từ các rào cản thương mại đang gia tăng trên toàn cầu.

Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu của HSG dự kiến giảm từ gần 50% (năm 2024) xuống khoảng 40% trong năm 2025, kéo theo sản lượng tiêu thụ giảm 7%. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ nội địa lại tăng lên mức 80.000–85.000 tấn/tháng, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhẹ của hoạt động xây dựng và cơ sở hạ tầng.

Với hơn 400 cửa hàng bán lẻ và hệ sinh thái Hoa Sen Home, HSG đang tận dụng tối đa lợi thế phân phối để giữ nhịp tăng trưởng. Công ty đặt mục tiêu mở thêm 30 cửa hàng mỗi năm, đồng thời nâng cấp các trung tâm logistics theo hướng tự động hóa để gia tăng năng lực giao hàng.

Kết quả kinh doanh tích cực và kế hoạch mua cổ phiếu quỹ

Trong quý III/2025, VNDirect dự báo HSG sẽ đạt khoảng 240 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giữ vững đà tăng so với các quý liền trước. Biên lợi nhuận gộp toàn tập đoàn ổn định trong khoảng 11–12%, đặc biệt mảng phân phối thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát vẫn đạt biên gộp 25–30%, dù mới chiếm khoảng 10% tổng doanh thu.

Tính đến hết 8 tháng đầu niên độ tài chính 2024–2025, HSG đã ghi nhận 25.099 tỷ đồng doanh thu thuần và 567 tỷ đồng lãi ròng, vượt 13% kế hoạch năm theo kịch bản cao và cao hơn lợi nhuận cả niên độ 2023–2024.

Một điểm cộng khác là HSG vẫn duy trì kế hoạch mua lại 50–100 triệu cổ phiếu trong năm 2025. Với khối lượng này, công ty có thể tác động tích cực đến mặt bằng giá cổ phiếu, nhất là trong các giai đoạn điều chỉnh.

Định giá hợp lý nhưng chưa đủ hấp dẫn dài hạn

VNDirect nhận định HSG đang giao dịch ở mức P/E 2026F khoảng 10 lần, P/B 0,8 lần, tương ứng ROE 8,3%. EPS dự kiến tăng trưởng 13% trong năm tài chính 2026. Tuy nhiên, mức định giá này được xem là hợp lý chứ chưa đủ sức hút rõ rệt đối với nhà đầu tư dài hạn – đặc biệt trong bối cảnh ngành thép còn nhiều bất định, công suất dư thừa và cạnh tranh gay gắt.

Dù vậy, với đà hồi phục hiện tại và dòng tiền đầu cơ quay lại, cổ phiếu HSG nhiều khả năng vẫn là lựa chọn ngắn hạn hấp dẫn cho những nhà đầu tư thích lướt sóng hoặc bắt đáy thành công từ vùng giá thấp.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/giua-cang-thang-thue-quan-cung-ap-luc-chong-ban-pha-gia-co-phieu-doanh-nghiep-thep-nay-van-no-hoa-1389709.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *