Giữa làn sóng thuế quan Mỹ và hàng giá rẻ, Chủ tịch Cô Gia Thọ khẳng định Thiên Long vẫn đứng vững
Tình hình thương chiến leo thang ảnh hưởng nhất định đến công tác chuẩn bị nguyên vật liệu, tiếp cận thị trường và M&A của Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG). Đặc biệt là rủi ro thuế quan từ Mỹ có khả năng kích hoạt làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường khác. Tuy nhiên, những lợi thế về sự am hiểu thị trường, hệ thống phân phối rộng và năng lực sản xuất giúp các lãnh đạo tự tin để vượt bão.
“Hàng giá rẻ ở khắp mọi nơi, nhưng Thiên Long vẫn đứng vững” – Chủ tịch Thiên Long – ông Cô Gia Thọ quả quyết tại cuộc họp cổ đông thường niên sáng ngày 10/04. Ông nói rằng mục tiêu 10 ngàn tỷ đồng doanh thu đến năm 2030 vẫn khả thi.
Giữa bối cảnh thương chiến nóng lên, Tổng Giám đốc – bà Trần Phương Nga thừa nhận môi trường kinh doanh quốc tế hiện nay rất thách thức, nhưng Thiên Long vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 22% năm nay ở thị trường xuất khẩu.
“Chúng ta đang làm việc với các nhà cung cấp để giảm tác động của chính sách thuế quan Mỹ xuống mức tối thiểu” – bà Nga nói.
Cho năm 2025, nhà sản xuất văn phòng phẩm đặt mục tiêu doanh thu 4.2 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và giảm 3% so với năm trước. Mức cổ tức tiền mặt dự kiến là 35%, tương ứng 3,500 đồng/cp.
Lãnh đạo Tập đoàn Thiên Long trả lời câu hỏi từ cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức sáng ngày 10/04/2025. Ảnh: Thừa Vân
|
Theo ông Cô Gia Thọ, Mỹ hiện là thị trường chiến lược, đóng góp 9% doanh số và 16% cho tổng lợi nhuận của tập đoàn. Ông bình luận tích cực về thông tin Mỹ hoãn mức thuế quan 46% đối với Việt Nam, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng. Vị này nói rằng “chắc chắn thuế quan sẽ khiến tình hình kinh doanh khó khăn hơn”, nhưng về mức độ thì còn quá sớm để xác định.
Ở thị trường Mỹ, ông Thọ cũng nêu ví dụ về một số dòng sản phẩm chuyên biệt của Thiên Long, chẳng hạn như bút y tế, sẽ có ưu thế nhờ chất lượng, tính an toàn, hơn là đặt nặng yếu tố giá cả.
Những biến động chuỗi cung ứng liên quan đến các mức thuế quan của chính quyền Mỹ được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tình hình cung ứng của Thiên Long. Tuy vậy, phía lãnh đạo Doanh nghiệp cho biết đã tiến hành tích trữ nguyên vật liệu đủ cho mùa vụ. “Có thể sẽ thiếu cục bộ, nhưng chúng tôi nghĩ rằng vẫn sẽ tương đối ổn định cho sản xuất. Không thể chuẩn bị quá dư để gây nên thiếu hiệu quả” – bà Nga nói.
Vị Tổng Giám đốc dự báo giá đầu vào nhập khẩu sẽ tăng vì vấn đề tỷ giá. “May mắn là những năm qua, giá trị xuất khẩu của chúng tôi đã cao hơn nhập khẩu. Nên trường hợp đồng tiền phá giá đi nữa cũng ít bị ảnh hưởng. Nhưng với chính sách hiện nay của Nhà nước, tôi cho là tỷ giá sẽ biến động vừa phải”.
Tại Đại hội, Tổng Giám đốc Nga cũng tiết lộ Công ty đang tiến rất gần việc chốt một thương vụ M&A. Dù vậy, bà nói Thiên Long sẽ không tăng trưởng bằng mọi giá trong bối cảnh thế giới biến chuyển phức tạp, và sẽ xem xét rất kỹ tính phù hợp của từng thương vụ.
Áp lực từ hàng giá rẻ Trung Quốc?
Hiện nay, một vấn đề đáng chú ý nổi lên là việc hàng hóa Trung Quốc khó vào Mỹ hơn có thể tìm đường sang các thị trường khác.
“Đây là việc chúng tôi nói hàng ngày tại Thiên Long… Nhưng nhớ rằng, hàng Trung Quốc đã vào Việt Nam từ hơn 10 năm nay chứ chẳng phải mới bây giờ” – bà Nga chia sẻ.
Vị Tổng Giám đốc lưu ý rằng Công ty sở hữu lợi thế rất lớn về sự am hiểu người tiêu dùng bản địa, cũng như kênh phân phối rộng khắp cả nước.
“Sản phẩm nước ngoài có thể đẹp, nhiều mẫu mã, nhiều dòng sản phẩm, nhưng chưa chắc đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Thiên Long cũng có đội ngũ nhà phân phối rất thân quen, để chuyển sản phẩm ra đúng kênh một cách phù hợp. Hàng Trung nếu không có hệ thống phân phối thì chỉ thâm nhập được kênh thương mại điện tử. Và hệ thống phân phối này muốn xây dựng được là điều không dễ dàng với các công ty bên ngoài” – theo bà Nga.
Vị Tổng Giám đốc đồng thời bày tỏ sự tự tin về khả năng cạnh tranh của Doanh nghiệp, với hoạt động sản xuất có tính tự động hóa cao, giá thành kiểm soát thấp “từng đồng” và luôn chủ động phát triển sản phẩm mới phù hợp thị hiếu thị trường. “Trừ trường hợp đối thủ tấn công mà không quan tâm hiệu quả, nhưng chúng tôi nghĩ chẳng ai làm kinh doanh mà như vậy. Nếu có chăng nữa, chỉ là trong thời gian rất ngắn.”
Đại diện Doanh nghiệp cho biết, doanh số tại thị trường Việt Nam trong năm 2024 tăng 9%, và ở thị trường Đông Nam Á tăng đến hơn 20%. Thương hiệu FlexOffice của Thiên Long đã dẫn đầu tại Philippines. Doanh số tại Myanmar duy trì tốt bất chấp tình hình chính trị tại đây không ổn định. “Sắp tới chúng tôi cũng sẽ triển khai mạnh mẽ ở thị trường Indonesia” – ông Cô Gia Thọ nói.
Chia sẻ về tình hình làm ăn quý 1/2025 tương đương cùng kỳ, Tổng Giám đốc Nga cho biết doanh số tháng 3 bắt đầu khả quan hơn, sau hai tháng đầu năm đi lùi do nhà phân phối giảm trữ hàng. Bà nói kết quả kinh doanh vẫn đi đúng tiến độ và dự kiến thành tích trong quý 2 sẽ tốt hơn cùng kỳ năm trước.
– 16:06 10/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/giua-lan-song-thue-quan-my-va-hang-gia-re-chu-tich-co-gia-tho-khang-dinh-thien-long-van-dung-vung-737-1293817.htm