Bài cập nhật
Góc nhìn 15/07: Chớ nên mua đuổi
Các công ty chứng khoán (CTCK) nêu lên rủi ro điều chỉnh của thị trường, dù vẫn lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng giá trong dài hạn. Aseansc và TPS cho rằng sẽ có giằng co và rung lắc. VCBS khuyên nhà đầu tư không nên mua đuổi cổ phiếu đang trong đà tăng mạnh.
VN30 có rủi ro điều chỉnh
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Trong xu hướng ngắn hạn, SHS cho rằng VN-Index sẽ tăng trưởng trên hỗ trợ gần nhất 1,450 điểm. Chỉ số sẽ tiếp tục hướng đến vùng giá quanh 1,480 điểm.
SHS đánh giá thị trường có nhiều cơ hội ngắn hạn, duy trì theo các vị thế mua ròng của khối ngoại. Chỉ số VN30 đã có nhịp tăng mạnh hơn 42%, tính từ giá thấp nhất tháng 4/2025 quanh 1,134 điểm lên giá cao nhất 1,616 điểm trong phiên 14/07. Những diễn biến ngắn hạn cho thấy VN30 đang có rủi ro đạt đỉnh trong nhịp tăng mạnh này và có thể chuyển sang giai đoạn mới.
Theo SHS, VN30 có thể chịu áp lực điều chỉnh, rung lắc liên tục để kiểm định lại vùng giá đỉnh cao nhất năm 2021-2022. Điều này dẫn đến thị trường có khuynh hướng đầu cơ ngắn hạn vào các mã vốn hóa trung bình chưa tăng nhiều trong rổ VN-Index.
Hỗ trợ cho thị trường trong giai đoạn này là kết quả kinh doanh quý 2/2025 sắp sửa được công bố. Theo SHS, cơ hội riêng lẻ vẫn có đối với những mã tích lũy tốt với kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên ưu tiên theo dõi các áp lực bán giá cao, xem xét thực hiện hóa từng phần lợi nhuận nếu có.
Chốt lời từng phần
CTCK Asean (Aseansc): Phiên sáng 14/07 chứng kiến trạng thái biến động mạnh của thị trường khi VN-Index có thời điểm quay lại dưới tham chiếu và tiệm cận ngưỡng hỗ trợ MA 5 ngày. Lực cầu tích cực tại các nhịp rung lắc trong phiên đã giúp chỉ số hình thành nến “rút chân” trên đồ thị ngày.
Theo Aseansc, vùng hỗ trợ gần của chỉ số là khu vực 1,450-1,460 điểm, trong khi kháng cự gần của VN-Index là ngưỡng tâm lý 1,480 điểm. Các nhà phân tích dự báo chỉ số sẽ tiếp diễn trạng thái rung lắc mạnh trong ngắn hạn do (1) các chỉ báo RSI và Stochastic đã tiến sâu vào vùng quá mua, (2) hiệu ứng từ vùng đỉnh lịch sử hình thành từ đầu năm 2022, (3) cung chốt lời bắt đầu gia tăng áp lực từ phiên 14/07.
Nhà đầu tư ưu tiên chốt lời từng phần cho các vị thế ngắn hạn sau nhịp tăng bùng nổ của thị trường và nhiều nhóm ngành. Việc chốt lời từng phần thay vì bán toàn bộ trong một lệnh giúp nhà đầu tư có thể tối ưu hóa lợi nhuận.
Aseansc cho biết chỉ xem xét khuyến nghị mua trở lại tại các nhịp điều chỉnh tiếp theo của thị trường và đối với các cổ phiếu tiềm năng. Ưu tiên quan sát vẫn là đại diện thuộc các lĩnh vực mang tính chất dẫn dắt, bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Giằng co trước khi tăng tiếp
CTCK Tiên Phong (TPS): Chỉ số VN-Index duy trì đà tăng điểm mạnh mẽ với dòng tiền tham gia tích cực. Theo TPS, chỉ số đã hình thành mô hình Cup & Handle (thuận) biểu thị cho xu hướng tăng trung hạn với tiềm năng lý thuyết hướng tới là vùng 1,600 điểm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, TPS dự báo VN-Index có thể chuyển sang trạng thái giằng co, tích lũy trước khi tiếp diễn xu hướng tăng do (1) áp lực chốt lãi đã bắt đầu xuất hiện trong phiên giao dịch 14/07, (2) đồ thị kỹ thuật cho thấy chỉ số chạm kháng cự ngắn hạn và (3) chỉ báo động lượng ở trạng thái quá mua.
Dù vậy, TPS lưu ý rằng nếu dòng tiền mới liên tục đổ vào, các tín hiệu cảnh báo rủi ro ngắn hạn sẽ không còn giá trị.
Tiến lên vùng 1,480-1,500 điểm
CTCK BIDV (BSC): Theo BSC, độ rộng thị trường trong phiên 14/07 nghiêng về phía tích cực với 14/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành hàng cá nhân và gia dụng, bất động sản, ô tô và phụ tùng, bán lẻ dẫn đầu đà tăng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng nhẹ trên sàn HOSE và bán ròng trên hai sàn HNX, UPCoM.
BSC nhận định, cây nến rút chân trong ngày 14/07 là dấu hiệu tích cực cho thấy lực cầu bắt đáy tốt khi chỉ số điều chỉnh. Trong những phiên tới kể từ 15/07, chỉ số vẫn có động lực tiếp tục tiến lên giao dịch trong vùng 1,480-1,500 điểm.
Không nên mua đuổi
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Theo VCBS, dòng tiền trên thị trường vẫn vận động sôi nổi, tuy nhiên bắt đầu xuất hiện lực cung chốt lời sớm khi chỉ số đã tăng nóng gần 90 điểm mà chưa ghi nhận nhịp điều chỉnh nào đáng chú ý.
Dòng tiền khối ngoại vốn nâng đỡ các mã cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận phiên(14/07) sụt giảm đầu tiên trong đà mua ròng. Từ đó, VCBS khuyên nhà đầu tư không nên mua đuổi các cổ phiếu đang trong đà tăng mạnh, thay vào đó cần duy trì tỷ lệ vay ký quỹ an toàn và cân nhắc tìm kiếm cơ hội giải ngân tại các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi chỉ số chung rung lắc trong phiên, kể từ 15/07.
Tránh tâm lý FOMO khi thị trường tăng sốc
CTCK BETA: Lực cầu duy trì trạng thái lấn át, đặc biệt nổi bật tại các vùng giá thấp, cho thấy dòng tiền vẫn đang vận động chủ động và có chọn lọc. Tuy nhiên, sau nhịp tăng nóng liên tiếp, mặt bằng giá đã được đẩy lên khá cao, tạo ra tâm lý chốt lời ngắn hạn và tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, ưu tiên nắm giữ các mã có nền tảng cơ bản tốt, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 2 khả quan hoặc hưởng lợi từ các câu chuyện riêng. Việc giải ngân mua mới nên được thực hiện một cách có chọn lọc, tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy cổ phiếu tốt với mức định giá hấp dẫn hơn. Tuyệt đối tránh tâm lý FOMO khi thị trường tăng sốc.
Áp lực chốt lời có thể gia tăng mạnh bất ngờ
CTCK VPBank (VPBankS): Dòng tiền đổ vào thị trường vẫn mạnh mẽ, nhịp giảm trong phiên sáng nhanh chóng bị hấp thụ bởi dòng tiền nội cho thấy đà tăng chưa có dấu hiệu đạt đỉnh trong hơn 3 tháng vừa qua. Đồng thời dòng vốn ngoại duy trì mua cũng đang ủng hộ xu hướng này.
Về kỹ thuật, VN-Index đang trong quá trình chinh phục lại các ngưỡng cản cao hơn sau khi chỉ số VN30 đang tìm kiếm mức cao lịch sử mới. Tuy nhiên khi quán tính tăng đang nóng lên với độ dốc rời xa các đường MA ngắn hạn, có thể sớm thúc đẩy áp lực chốt lời gia tăng mạnh bất ngờ. Nhà đầu tư có thể tiếp tục lưu ý ở ngưỡng kháng cự tại 1,475 – 1,500 điểm, nơi hình thành vùng đỉnh lịch sử năm 2022.
– 18:28 14/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/goc-nhin-1507-cho-nen-mua-duoi-145-1328098.htm