6 tháng đầu năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) không chỉ đạt nhiều kết quả ấn tượng trong sản xuất kinh doanh mà còn tạo điểm sáng về công tác xây dựng Đảng, chăm lo đời sống người lao động và kiến tạo mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…
Kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng tích cực
Trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu của Tập đoàn đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá bán mủ cao su vẫn ở mức cao. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 11.393 tỷ đồng, tăng 10,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 2.502 tỷ đồng, tăng 31,5%; nộp ngân sách đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Riêng Công ty mẹ – Tập đoàn, 6 tháng đầu năm 2025 doanh thu đạt 2.305 tỷ đồng tăng 62,1%; lợi nhuận trước thuế đạt 880 tỷ đồng, tăng 67,6%, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Công nhân khai thác trên vườn cây.
So với kế hoạch cả năm 2025, về doanh thu đạt 36,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 42,8% nên cả năm sẽ vượt chỉ tiêu do đặc điểm cây cao su tập trung sản lượng 70% vào nửa cuối năm nên doanh thu/lợi nhuận sẽ tập trung ở giai đoạn này.
Đáng chú ý, sản lượng khai thác mủ cao su của toàn Tập đoàn đạt 128.500 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ và phấn đấu vượt 7% kế hoạch năm. Trong lĩnh vực khu công nghiệp (KCN), VRG tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu với 14 KCN đang vận hành hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy lên đến 85,4%, doanh thu đạt 1.164,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 530,8 tỷ đồng, tương ứng 48,7% kế hoạch năm. Việc đầu tư năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp gỗ cũng tiếp tục được thúc đẩy, góp phần đa dạng hóa nguồn thu và gia tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Song song đó, các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát huy vai trò chăm lo đời sống người lao động: hơn 15,2 tỷ đồng thăm hỏi người lao động khó khăn; 3,5 tỷ đồng cho vay vốn hỗ trợ; tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân, các hoạt động tri ân, phong trào thi đua “Cảm ơn người lao động”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… góp phần gắn kết và lan tỏa tinh thần yêu ngành, yêu nghề trong toàn hệ thống.
Thu hoạch mủ cao su.
Hướng đến tăng trưởng hai con số
VRG không chỉ tập trung sản xuất kinh doanh mà còn đặt nền móng vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đã triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; triển khai 16 dự án nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 4.407 ha; thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là quy định chống phá rừng của EU và hướng tới tín chỉ carbon.
Công nhân chế biến mủ cao su.
Hạ tầng quản trị và năng lực nội tại tiếp tục được củng cố khi VRG tiên phong triển khai “Không giấy tờ”, khóa học trí tuệ nhân tạo cho cán bộ, CNV, tập trung vào ESG và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp bền vững.
Xác định 2025 là năm “bản lề”, VRG đặt quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8%, làm nền tảng vững chắc hướng tới tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, đẩy mạnh các nhóm giải pháp trong từng lĩnh vực trụ cột: từ cao su thiên nhiên, KCN, năng lượng tái tạo, đến công nghiệp gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su.
Bên cạnh đó, VRG chú trọng phát triển bộ tiêu chuẩn ESG, cải cách tổ chức bộ máy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, để không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn thể hiện rõ vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước lớn trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Nhà máy chế biến mủ cao su Bà Rịa Kampong Thom.
Đề nghị ghi nhận sản phẩm gỗ vào doanh thu chính
Lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh trồng chăm sóc và chế biến cao su của Tập đoàn bao gồm hai sản phẩm là: mủ cao su và gỗ cao su. Tuy nhiên, doanh thu từ gỗ, củi cao su hiện nay không được ghi nhận vào doanh thu hoạt động chính nên chưa phản ánh đúng bản chất hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chính (quy mô, tỷ trọng của doanh thu chính/tổng doanh thu, tính ổn định trong hoạt động…).
Bên cạnh đó, chi phí chăm sóc cây cao su trong giai đoạn khai thác là phục vụ cho cả hai sản phẩm mủ và gỗ; tuy nhiên, hiện nay toàn bộ chi phí phát sinh chăm sóc cây cao su trong giai đoạn khai thác được hạch toán hết vào giá thành khai thác mủ cao su trong năm. Điều này không phản ánh đúng kết quả kinh doanh mủ cao su và gỗ do chi phí chăm sóc cây cao su khai thác hàng năm đã không được phân bổ cho gỗ.
VRG đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận ghi nhận sản phẩm gỗ thanh lý vào doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (doanh thu hoạt động chính) và chấp thuận việc phân bổ một phần chi phí chăm sóc cây cao su khai thác sang cho sản phẩm gỗ thanh lý.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/gvr-vung-da-doi-moi-vrg-tang-toc-ve-dich-nam-2025/34045720