Nhiều doanh nghiệp lớn đang đồng loạt triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu để huy động hàng nghìn tỷ đồng, phần lớn nhằm cơ cấu lại nợ vay và tăng vốn điều lệ. Động thái này cho thấy áp lực tài chính vẫn còn hiện hữu trong khi cơ hội tiếp cận vốn qua kênh ngân hàng đang bị siết lại.
Vietnam Airlines chốt quyền mua 900 triệu cổ phiếu
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/7 để thực hiện quyền mua cổ phiếu. Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền kéo dài từ ngày 7/8 đến 8/9/2025.
Trước đó, HVN đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, với thời gian phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày 3/7.
Đợt chào bán dành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 40,64%, tức mỗi cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu sẽ được mua thêm 4.064 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng lượng chào bán là 900 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị huy động khoảng 9.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines cho biết sẽ dùng toàn bộ số tiền này để trả nợ. Cụ thể, khoảng 6.000 tỷ đồng sẽ được dùng thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và một phần nợ vay tái cấp vốn; 3.000 tỷ đồng còn lại dành cho việc trả nợ vay ngắn hạn và dài hạn đến hạn.
Nội bộ DECOFI gom toàn bộ 10 triệu cổ phiếu chào bán
Một trường hợp đáng chú ý khác là Công ty CP Xây dựng và Thiết kế Số 1 (DECOFI, mã: DCF), dự kiến chào bán riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 100 tỷ đồng. Toàn bộ cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Danh sách 7 nhà đầu tư cá nhân sẽ mua toàn bộ số cổ phiếu chào bán đều là người nội bộ. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phạm Hùng Cường và Tổng giám đốc Nguyễn Minh Tâm mỗi người đăng ký mua 2,5 triệu cổ phiếu; Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Chu Quang Huân mua 2 triệu cổ phiếu; Giám đốc tài chính và Kế toán trưởng mỗi người mua 1 triệu cổ phiếu; 2 cá nhân còn lại chia nhau 1 triệu cổ phiếu.
Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để thanh toán nợ vay ngắn hạn tại Nam A Bank theo hợp đồng tín dụng trị giá 800 tỷ đồng ký ngày 16/5. Nếu thành công, vốn điều lệ của DECOFI sẽ tăng từ 430 tỷ lên 530 tỷ đồng.
KSB và HUT cũng tăng tốc huy động vốn
Trong khi đó, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã: KSB) đang trình hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. KSB dự kiến phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đợt chào bán thành công, KSB sẽ thu về khoảng 1.140 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên gần 2.300 tỷ đồng.
Khoảng 690 tỷ đồng sẽ được dùng trả nợ gốc và lãi các khoản vay ngắn hạn, dài hạn; 200 tỷ đồng mua lại một phần trái phiếu mã KSBH2429001; 226 tỷ đồng để thanh toán nghĩa vụ nợ của công ty con sau sáp nhập. Phần còn lại bổ sung vốn lưu động.
Cùng thời điểm, Công ty CP Tasco (mã: HUT) cũng công bố kế hoạch chào bán hơn 178 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thời gian đăng ký từ 7/7 đến 20/8. Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, HUT kỳ vọng thu về hơn 1.785 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào 3 công ty con: Công ty TNHH Bảo hiểm Tasco, Công ty CP VETC và Công ty CP Tasco Auto. Nếu thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ 8.925 tỷ lên hơn 10.710 tỷ đồng.
Làn sóng tăng vốn để trả nợ và tái cơ cấu
Đáng chú ý, điểm chung của các doanh nghiệp kể trên là phần lớn nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng để thanh toán nợ hoặc tăng vốn cho công ty con, thay vì đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh. Điều này cho thấy áp lực tài chính của không ít doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu sau giai đoạn khó khăn kéo dài.
Tuy nhiên, việc tăng vốn bằng hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng đi kèm với nguy cơ pha loãng giá trị cổ phiếu nếu tỷ lệ tham gia thấp hoặc niềm tin nhà đầu tư chưa được khơi lại đủ mạnh. Trong bối cảnh đó, sự thành công của các đợt chào bán sẽ phản ánh niềm tin thị trường đối với chiến lược tái cấu trúc và năng lực thực thi của từng doanh nghiệp.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/hang-ty-co-phieu-sap-do-bo-thi-truong-diem-nhan-cu-huy-dong-9-000-ty-tu-mot-hang-hang-khong-1390726.html