Hanoimilk giảm lợi nhuận quý 2, sạch nợ lãi vay

Hanoimilk giảm lợi nhuận quý 2, sạch nợ lãi vay

Lãi sau thuế quý 2/2025 của CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) giảm gần một nửa, còn xấp xỉ 5 tỷ đồng, dù doanh thu tăng nhẹ.

Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, doanh thu thuần trong quý 2/2025 đạt hơn 182 tỷ đồng, tăng 1.8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp 17.97%, hồi phục sau 3 quý giảm liên tiếp. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 47%, chủ yếu do chi phí tài chính và nhân công tăng đồng loạt.

Riêng chi phí lãi vay quý này tăng vọt lên gần 5 tỷ đồng, cao gấp 4 lần quý 2 năm ngoái. Đây là hệ quả từ việc HNM tất toán các khoản vay tồn đọng, khiến chi phí tài chính đội lên trong ngắn hạn. Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng nhích nhẹ, góp phần kéo giảm lợi nhuận ròng xuống mức gần thấp nhất trong 3 năm qua, chỉ cao hơn quý 4/2023.

Lợi nhuận quý 2/2025 của HNM về mặt bằng thấp nhất kể từ năm 2022

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hanoimilk đạt doanh thu thuần 375 tỷ đồng, tăng 20%, trong đó doanh thu bán thành phẩm tăng 23%, lên gần 362 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ dịch vụ lại giảm 27%, còn gần 15 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 13 tỷ đồng, giảm 16% và mới thực hiện 36% kế hoạch năm.

Dù lợi nhuận sụt giảm, doanh thu nửa đầu năm ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020, thời điểm HNM bắt đầu đẩy mạnh mảng gia công sữa. Tuy nhiên, sau giai đoạn đỉnh cao 2023, lợi nhuận bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2025, tổng tài sản ghi nhận gần 684 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Tiền gửi ngân hàng cải thiện mạnh, lên khoảng 52 tỷ đồng.

Một khoản vay dài hạn 100 tỷ đồng cũng xuất hiện trong kỳ. Tuy báo cáo không nêu cụ thể nhưng nhiều khả năng đây là khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Lạng Sơn, theo Nghị quyết HĐQT ban hành ngày 09/06. Đồng thời, khoản vay ngắn hạn 20.2 tỷ đồng từ Chủ tịch HĐQT Hà Quang Tuấn đã được tất toán hoàn toàn.

Đáng chú ý, dư nợ lãi vay phải trả gần 37 tỷ đồng tích lũy trong suốt 5 năm qua hiện đã về 0. Trước đó, ông Hà Quang Tuấn là người đứng ra đàm phán với ngân hàng để giảm lãi, đồng thời cho Công ty vay gần 100 tỷ đồng để xử lý nợ gốc.

Chi phí phải trả ngắn hạn (chủ yếu là lãi vay phải trả) của HNM tăng mạnh từ năm 2020

Tính tới giữa năm 2025, gia đình ông Hà Quang Tuấn đang sở hữu 31.7% vốn HNM. Trong đó, cá nhân ông Tuấn chỉ còn nắm 9.18% sau khi chuyển nhượng 10 triệu cp cho con gái là bà Hà Phương Thảo. Thương vụ này giúp bà Thảo nâng tỷ lệ sở hữu lên 22.52% và trở thành cổ đông lớn nhất tại HNM.

Từ 2025-2030, HNM đặt mục tiêu tiếp tục nâng cấp và mở rộng nhà máy chế biến sữa, với tổng vốn đầu tư dự kiến 893 tỷ đồng cho các giai đoạn 3, 4 và 5. Khi hoàn tất, nhà máy được kỳ vọng đạt công suất 190 triệu lít sữa mỗi năm và trở thành một trong những cơ sở hiện đại nhất khu vực phía Bắc.

Nhà máy chế biến sữa của HNM tại Hà Nội – Ảnh: Google maps

* Ông Hà Quang Tuấn chuyển nhượng 10 triệu cp Hanoimilk cho con gái

Tử Kính

FILI

– 11:15 23/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/hanoimilk-giam-loi-nhuan-quy-2-sach-no-lai-vay-737-1331586.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *